Cần có nghiên cứu tổng thể và kết nối trong khai quật Hoàng thành Thăng Long

NDO -

NDĐT - Cuộc báo cáo kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long cho thấy đã có thêm những phát hiện mới góp phần “giải mã” cung đình cổ của nước Việt, nhưng cũng mở ra những giả thuyết mới chưa có lời giải về các công trình kiến trúc cổ trong Hoàng thành xưa.

Dấu tích đường nước (hào, hồ), một trong những phát hiện mới quan trọng của cuộc khai quật.
Dấu tích đường nước (hào, hồ), một trong những phát hiện mới quan trọng của cuộc khai quật.

Những phát hiện mới

Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên năm 2018 do PGS. TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học) đọc cho biết, kết quả khai quật đã khẳng định những kết quả trước đây, đồng thời cũng có những nét mới. Một trong những phát hiện quan trọng là dấu tích của hồ, hay hào nước đi theo đường uốn lượn vào vách Tây của hố khai quật, cùng với dấu tích của cấu kiện gỗ, một số mảnh còn thấy rõ mộng, vết sơn son phủ trên thân gỗ. Các nhà nghiên cứu có những ý kiến khác nhau về hồ nước và cấu kiện gỗ này, như PGS. TS Tống Trung Tín cho rằng đó có thể là một hồ nước thời Lê Trung Hưng, còn GS Bùi Minh Trí lại cho rằng đây có thể là một hào nước, với kết cấu đường nước uốn cong.

Cần có nghiên cứu tổng thể và kết nối trong khai quật Hoàng thành Thăng Long ảnh 1

Dấu tích đường lát gạch nung.

PGS. TS Tống Trung Tín cho biết, những dấu tích của thời kỳ lịch sử được phát hiện đậm đặc nhất là thời Lê Trung Hưng, với dấu tích đường đi, móng đường đi với dấu tích gạch lát đường, bồn hoa trang trí tiểu cảnh, dấu tích móng đá giật cấp phía đông.

Ngoài ra, còn có các dấu tích thời Lê sơ với một phần nền kiến trúc gạch chạy dài theo chiều bắc - nam, phàn phía đông bị dấu tích hồ/ao cắt phá, dấu tích gạch chữ nhật đỏ lát nền tận dụng vật liệu Lý - Trần, một số di vật đá (chủ yếu là chân tàng, cấu kiện kiến trúc bị vỡ, vật liệu trang trí), đất nung (gạch vồ đỏ và xám, gạch chữ nhật đỏ, ngói cong lòng máng, ngói cong trang trí hình rồng men xanh hoặc vàng, gạch thông gió), gốm (bát, đĩa, âu, chậu…)

Dấu tích kiến trúc thời Lý có một số di tích móng cột nhưng bị phá hủy khá nhiều nên chưa xác định được phạm vi kiến trúc và bước gian kiến trúc.

Cần có nghiên cứu tổng thể và kết nối trong khai quật Hoàng thành Thăng Long ảnh 2

Một số di vật gốm thời Lê sơ.

Cùng với các dấu tích kiến trúc, các nhà khảo cổ cũng phát hiện nhiều di vật đồ đá, đất nung, gốm, gỗ tương ứng với các lớp văn hóa Đại La, Lý, Trần, Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng - Nguyễn.

Nói về các dấu tích cũng như di vật của cuộc khai quật khảo cổ này, GS Hoàng Văn Khoán cho rằng, đã xuất hiện nhiều dấu tích kiến trúc của thời Lê hơn, với các viên gạch ô có hình rồng thời Lê nhiều hơn, các dấu tích cũng lớn và công phu hơn.

Cần có nghiên cứu tổng thể và kết nối trong khai quật Hoàng thành Thăng Long ảnh 3

Các chi tiết gạch trang trí còn khá nguyên vẹn.

TS Phạm Quốc Quân cho rằng, năm nay nhận thức về địa tầng ở khu vực khai quật đã nhiều hơn, với đậm đặc các dấu tích của thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, điều này giúp chúng ta tìm hiểu thêm về không gian điện Kính Thiên. Các vật liệu kiến trúc và hệ thống ngói tập trung ở khu vực này nhiều, cho thấy thêm về bộ mái của điện Kính Thiên tương đối rõ nếu chúng ta có sự sắp xếp.

TS Nguyễn Văn Sơn nhận xét: Cuộc khai quật này cho thấy sự kết nối với phía nam điện Kính Thiên, tuy nhiên vẫn chưa làm rõ được hoàn toàn không gian điện Kính Thiên. Diện tích khai quật tuy rộng nhưng vẫn chưa ăn thua so với toàn bộ không gian. TS Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, qua những kết quả khai quật, bộ mái của điện Kính Thiên tương đối rõ với ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly. Nếu mở rộng khai quật được về phía tây, chúng ta có thể áp sát thêm được về phía bắc của điện Kính Thiên.

Còn GS Bùi Minh Trí cho rằng, một trong những điều thú vị là, có rất nhiều chân tảng thời Lê ở những thời kỳ khác nhau và người ta đã tái sử dụng chúng. Và một số dấu tích cho thấy, ở thế kỷ 17-18, đã có sự điều chỉnh quy hoạch trong xây dựng. Một điều thú vị nữa, là những dấu tích kiến trúc và ao hồ cho thấy, lịch sử xã hội thời Lê Trung Hưng khá phức tạp, kinh tế phát triển mạnh. Các nhà khảo cổ đào được khá nhiều loại vật liệu, trong đó có những loại ngói khá lớn, chứng tỏ có nhiều cung điện. Đây là gợi mở quan trọng cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu.

Kiến nghị tiếp tục và mở rộng khai quật

Hầu hết các nhà khảo cổ, nhà sử học, nhà nghiên cứu đều có chung mong muốn là sẽ tiếp tục và mở rộng khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long. TS Phạm Quốc Quân cho rằng, qua những kết quả khai quật trong 2-3 năm qua chung quanh khu vực điện Kính Thiên, có rất nhiều vấn đề mà cần có sự kết nối, nhận thức lại và cần thêm nhiều tư liệu hơn. TS kiến nghị, nên có định hướng tiếp theo cho cuộc khai quật. Tương tự như vậy, TS Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng nên mở rộng diện tích khai quật thêm ít nhất 1km2 nữa.

GS Bùi Minh Trí khi đề cập đến những gợi mở quan trọng qua cuộc khảo cổ, giúp cho việc nghiên cứu cũng cho rằng, từ đây chúng ta tiếp tục đặt những câu hỏi về điện Thiên An, đồng thời giải mã được trục trung tâm thời Lý - Trần. Ông cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục có những cuộc khai quật quy mô lớn thì mới có được những đánh giá tổng thể và tiếp tục đặt ra lộ trình. “Chúng ta đang thiếu những nghiên cứ, đánh giá tổng thể” - ông nói.

Cần có nghiên cứu tổng thể và kết nối trong khai quật Hoàng thành Thăng Long ảnh 4

Dấu tích một số chân tảng bằng đá.

Là người trực tiếp tham gia cuộc khai quật khảo cổ, PGS. TS Tống Trung Tín cho rằng, việc tiếp tục khai quật là rất quan trọng đối với các kết quả đã đạt được. “Đôi khi một số chi tiết, thắc mắc về chuyên môn chưa thể giải tỏa được vì diện tích khai quật còn rất nhỏ, các kiến trúc không hoàn thiện” - ông nói.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, kết quả khai quật này mới chỉ là một phần, các định vị từ các hố khai quật cho thấy những thông itn quan trọng để khôi phục và làm rõ các công trình kiến trúc về quy mô và trang trí. Ông cho biết cũng ủng hộ các ý kiến tiếp tục khai quật, tuy nhiên cũng cần có những giải pháp bảo tồn hiện vật và các hố khai quật. Phó Cục trưởng cho rằng, diện tích tiếp tục mở rộng là bao nhiêu không quan trọng bằng định hướng khai quật, ngoài phục vụ cho nghiên cứu khoa học còn phải đáp ứng được mục tiêu bảo tồn.

Mở rộng và đưa đến những hướng nghiên cứu mới, đó là những kết quả mà cuộc khai quật đem lại. Theo như lời GS. TSKH Lưu Trần Tiêu chia sẻ, Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ là hai di tích mà trước và sau khi được công nhận, các nhà khoa học đã làm rõ thêm được rất nhiều vấn đề, cũng như làm rõ thêm được giá trị của di tích.