Ngày 6/1, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Huba) đã tổng kết năm 2022 và đề ra phương hướng hoạt động cho năm 2023.
Chủ tịch Huba Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, trong năm 2023, Huba sẽ tiếp tục thường xuyên hơn nữa việc tham gia đóng góp ý kiến, tham vấn về các chính sách, Luật, Nghị định… có liên quan mật thiết đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Huba sẽ tổ chức đa dạng các loại hình doanh nghiệp gặp gỡ lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp thông qua chương trình thăm cơ sở doanh nghiệp…; nâng cao vai trò, vị trí của các ban chuyên môn, nâng cao hơn nữa trách nhiệm các thành viên lãnh đạo Huba khi tham gia vào các Hội đồng, Ban chỉ đạo các chương trình, các Cuộc vận động lớn của Trung ương và thành phố.
Cùng với đó, định kỳ tổ chức các chương trình đi cơ sở để nắm bắt tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp còn vướng mắc kéo dài; Huba sẽ mời lãnh đạo các sở, ngành có liên quan cùng tham dự các chuyến đi cơ sở để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn, Huba đã đề ra một số kiến nghị. Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay thêm một năm (năm 2023) đối với các khoản vay trung và dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau.
Theo đó, cần tiếp tục cho vay ngừng việc, nghỉ việc và cho vay khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc, làm việc luân phiên….
Đặc biệt, cần có chính sách hạ lãi suất vốn vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại…
Về chính sách tài khóa, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, cần tiếp tục miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đến hết ngày 30/6/2023. Đồng thời, tiếp tục áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2024. Cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp.
Về chính sách hỗ trợ thị trường vốn trái phiếu và bất động sản, Nhà nước cũng cần xây dựng gói chính sách ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp để không làm tình trạng xấu hơn, ảnh hưởng tới nền kinh tế và an ninh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước duy trì được hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường các giải pháp bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu để ổn định đời sống nhân dân; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng hồ sơ cấp chủ quyền nhà và đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục hoàn công xây dựng… để người dân, doanh nghiệp có thể thế chấp bất động sản nhằm vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, sớm có cơ chế quản lý thông thoáng để đất nông nghiệp được sử dụng vào đúng mục đích phát triển nông nghiệp ở mọi cấp độ công nghệ từ thấp đến cao. Hiện nay, ở vùng ven còn có nhiều diện tích đất đai bị bỏ hoang chờ lên giá, gây lãng phí của cải xã hội; trong khi đó, người dân sử dụng đất đều không được phép làm công trình để phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên đất nông nghiệp.