Thảo luận về Ðề án, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Nam Từ Liêm) đề xuất, để bảo đảm chặt chẽ và bảo đảm sự thận trọng, Hội đồng nhân dân thành phố nhất trí việc cho ý kiến về Ðề án, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ hoàn thiện nội dung Ðề án để tiếp tục báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Ðại biểu Trần Khánh Hưng, tổ Ba Vì, thống nhất cao với quan điểm này, bởi Ðề án đưa ra 23 cơ chế, chính sách có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Ðại biểu Vũ Ðức Bảo (tổ Gia Lâm) cho rằng, điều cần nhất phải bàn là cơ chế thực hiện Ðề án, nhưng hiện Ủy ban nhân dân thành phố chưa có nhiều giải pháp thực hiện. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, vấn đề xây dựng đường sắt đô thị của Hà Nội là rất cấp bách. Theo quy hoạch, đến năm 2035, Hà Nội có 14 tuyến, nhưng hiện thành phố mới thực hiện được hai tuyến.
Theo tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố, mục tiêu của Ðề án là phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng sau năm 2035 đạt từ 65 đến 70%.
Trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc đã được xác định, thành phố đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” đầu tư. Phân kỳ 2024-2030: Hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km (gồm các tuyến số 22, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, số 6, số 7, số 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỷ USD. Phân kỳ 2031-2035: Hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km. Sơ bộ nhu cầu vốn: khoảng 22,572 tỷ USD. Về năng lực vận tải, đến sau năm 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD. Phân kỳ 2036-2045: Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7 km đường sắt đô thị các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt; sơ bộ nhu cầu vốn là hơn 18,2 tỷ USD.
Về phương án huy động vốn, tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố nêu, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động được đến năm 2035 là hơn 28,5 tỷ USD. Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ hơn 8,6 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn 2026-2030 và 2031-2035.
Giai đoạn sau năm 2035, thành phố Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung.
Về cơ cấu nguồn vốn theo từng giai đoạn và cho từng tuyến, Ủy ban nhân dân thành phố xác định, các tuyến đang triển khai đầu tư theo nguồn vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA. Các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công-tư theo Kết luận 49-KL/TW năm 2023 của Bộ Chính trị, cũng như để giảm áp lực huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước, Ðề án sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô...
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đề xuất bảy nhóm vấn đề chính sách với 23 chính sách đặc thù cần thiết để thực hiện Ðề án. Trong đó đáng chú ý là đề xuất về quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, phát triển đô thị trong khu vực TOD. Cũng áp dụng trong khu vực TOD, Hà Nội đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng…