Nhiều nơi, cam sành đã chín mọng, giá bán tại vườn chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn không có hợp đồng tiêu thụ đành phải bán mão vườn cho thương lái tự đến thu hoạch. Thậm chí, có vườn không bán được phải “tự bơi” do thương lái không thu mua xuể.
Những ngày qua, người trồng cam sành ở các huyện Trà Ôn và Tam Bình của tỉnh Vĩnh Long điêu đứng vì giá cam sụt giảm sâu. Khoảng 2 tuần trước đó, giá cam ở mức 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, giờ giảm mạnh chỉ còn khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.
Theo ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, hiện đang là thời điểm cây cam cho thu hoạch trái chính vụ nên sản lượng cao hơn nhiều so với mức trung bình dẫn đến tình trạng tồn đọng, khó tiêu thụ.
Thực tế, bài toán quy hoạch cho cây cam sành Vĩnh Long vẫn đang khó tìm lời giải...
Hệ lụy cung vượt cầu
Những ngày qua, người trồng cam sành ở các huyện Trà Ôn và Tam Bình của tỉnh Vĩnh Long điêu đứng vì giá cam sụt giảm sâu. Khoảng 2 tuần trước đó, giá cam ở mức 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, giờ giảm mạnh chỉ còn khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.
Nhiều nhà vườn khó khăn trong khâu vận chuyển giá càng thấp hơn, thậm chí không có thương lái đến vườn thu mua.
Thu hoạch cam sành tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. |
Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, gia đình ông có 6 công cam sành đã quá lứa thu hoạch, liên hệ với thương lái nhiều lần nhưng vẫn chưa thống nhất được giá. Hiện, những vườn chung quanh giá chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, thấp nhiều so với mức đầu tư nhưng vẫn không thể bán được vì "đụng hàng, dội chợ".
Theo các thương lái, cam sành đang vào chính vụ nên việc thu mua cũng không thể làm vừa lòng nhà vườn. Hiện, thương lái chỉ tiêu thụ những vườn cam đã có ký kết hợp đồng tiêu thụ trước, hoặc những vườn cam quen thuộc từ nhiều năm trước; những vườn cam mới phát sinh thì đành phải chịu…
Điều này cho thấy, giá cam cao hay thấp phần lớn phụ thuộc việc quy hoạch vùng trồng cũng như vấn đề liên kết tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp.
Hợp tác xã cam sành Phương Thúy, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long hiện có 185 ha, tăng 100 ha so với năm ngoái. Cam đang vào chính vụ, sản lượng nhiều nhưng hợp tác xã vẫn tiêu thụ ổn định với giá khoảng 3.000-4.000 đồng/kg, nông dân trong hợp tác xã không thua lỗ.
Giá cam cao hay thấp phần lớn phụ thuộc việc quy hoạch vùng trồng cũng như vấn đề liên kết tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Hợp tác xã cam sành Phương Thúy, chia sẻ: “Đối với những vườn cam trồng tự phát, chi phí đầu tư sẽ cao hơn rất nhiều và khó tiêu thụ là điều tất yếu. Những thành viên trong hợp tác xã thống nhất cách trồng theo mật độ, phương pháp bón phân cũng như chăm sóc đều có một phương pháp nhất định nên giảm giá thành, tỷ lệ hao hụt ít và nhất là chi phí đầu tư cho cây cam cũng giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy, dù giá cam thị trường có giảm nhưng Hợp tác xã vẫn tiêu thụ được với giá thành ổn định. Sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm sẽ bền vững rất nhiều”.
Nông dân Trà Ôn thu hoạch cam sành. |
Theo Uỷ ban nhân dân huyện Trà Ôn, trên địa bàn huyện hiện có diện tích cam sành 10.410,6ha (cam sành trên đất lúa 9227,2 ha, chiếm 88,63%). Trong đó, diện tích đang cho hiệu quả kinh tế là 6.348,2ha. Diện tích cam tơ là 3.373ha; diện tích kém hiệu quả là 689,6ha; năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha. Giá cam sành hiện nay 3.000-5.000 đồng/kg. Ước sản lượng từ nay đến cuối năm khoảng 15.000 tấn…
Toàn huyện hiện có 58 cơ sở thu mua cam sành với sản lượng khoảng 700-800 tấn/ngày, tập trung nhiều nhất ở các xã: Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Hựu Thành, Thới Hoà...
Cần quy hoạch vùng chuyên canh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có khoảng ¾ trong tổng số diện tích khoảng 18.000 ha cam sành đang cho trái. Với kỹ thuật thâm canh cao, nông dân đã đưa năng suất cam sành lên từ 70-100 tấn/ha. Như vậy, sản lượng cam sành ở Vĩnh Long đã hơn 1 triệu tấn/năm. Nếu rải vụ quanh năm thì trung bình 1 ngày Vĩnh Long phải tiêu thụ khoảng 3.000 tấn cam.
Cam sành được bày bán trên các tuyến đường. |
Thời gian qua, giá cam sành giảm thấp, nông dân hạn chế xử lý ra trái nghịch vụ, chỉ để cây ra trái tự nhiên để giảm chi phí đầu tư. Hiện đang là thời điểm cây cam cho thu hoạch trái tự nhiên nên sản lượng cao hơn nhiều so với mức trung bình nên xảy ra tình trạng tồn đọng, khó tiêu thụ.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Trà Ôn Đặng Thị Bé Sáu cho biết, để cây cam sành nói riêng, cây ăn quả nói chung phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của huyện và tỉnh, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các xã căn cứ theo quy hoạch và bám sát thực tế sản xuất tại địa phương sớm ngăn chặn kịp thời việc người dân tự phát chuyển đổi từ diện tích lúa đang sản xuất có hiệu quả sang trồng cam sành. Qua đó, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt theo phong trào nhằm bảo đảm bảo ổn định tình hình sản xuất trong huyện.
Tuyên truyền, phổ biến đến người dân muốn chuyển đổi cây trồng trước hết phải chú ý đến quy hoạch của địa phương, nhất là thị trường tiêu thụ, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông.
Việc phát triển cây trồng nói chung và cam sành nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng thì cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất theo hướng an toàn từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Nhiều vườn cam sành ở Vĩnh Long trái đã chín nhưng vẫn chưa thu hoạch. |
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, cam sành được đánh giá là một trong những loại cây ăn trái có tốc độ phát triển nhanh nhất ở địa phương. Do liên tục nhiều năm trước đây giá cam sành trên thị trường luôn ổn định ở mức khá cao (trung bình hơn 10.000 đồng/kg), năng suất cam sành lại cao nên người trồng cam sành thu lợi nhuận khá (bình quân 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm). Từ đó, người dân đổ xô trồng cam và đi thuê đất thêm để trồng cam sành…
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 17.000 ha trồng cam sành (tăng gần 3.000 ha so với năm 2020). Trong số này, diện tích trồng tập trung nhiều nhất tại huyện Trà Ôn (hơn 10.000 ha), huyện Tam Bình (hơn 3.300 ha), huyện Vũng Liêm (hơn 2.800 ha) và một số địa phương khác như Bình Minh, Long Hồ, Mang Thít và thành phố Vĩnh Long.
Nhiều diện tích cam sành được trồng mới mang nhiều rủi ro. |
So với quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, diện tích này đã vượt hàng chục phần trăm. Ngoài ra, một số vùng không thích nghi như Long Hồ, Mang Thít, Bình Minh hiện cũng vẫn có nông dân thuê đất trồng cam, khiến tình trạng cung vượt cầu đã xảy ra như hiện nay và gần nhất là thời điểm chính vụ năm 2022...