Cải thiện môi trường kinh doanh phải liên tục, đồng đều

NDO -

Quá trình cải thiện môi trường kinh doanh bắt đầu chạm đến những vấn đề khó, mang tính chất liên ngành, đòi hỏi phải có sự quyết liệt của Chính phủ và được thực hiện liên tục và đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.

Đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự Hội nghị Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP về Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự Hội nghị Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP về Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 đã được nêu ra và thảo luận trong hội nghị Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP về thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, diễn ra sáng 3/3 tại Hà Nội.

Bổ sung nhiều nội dung mới

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, trong bối cải doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Do tác động của đại dịch, từ năm 2020, cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam có xu hướng chững lại.

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạn của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.

“Vì vậy nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hằng năm Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào đầu năm mới như thông lệ, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Điểm mới của năm nay là Nghị quyết đã bổ sung vào trọng tâm cải cách các nhiệm vụ phù hợp với đòi hỏi thực tiễn.

Đó là, chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thay vì chỉ dừng ở cải cách điều kiện kinh doanh như những năm trước. Đồng thời tập trung hơn vào các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính và tạo lập thể chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Các nội dung khác vẫn được tiếp nối của Nghị quyết 02/NQ-CP hằng năm, gồm cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu từ, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.

Không để cải cách chùng lại

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, Nghị quyết số 02/NQ-CP (trước đây là Nghị quyết 19/NQ/CP) thực sự là một chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng và toàn diện. Khẩu hiệu “Thể chế, thể chế và thể chế” đã thực sự tạo nên linh hồn của chương trình cải cách, đem lại những kết quả vượt ra ngoài mong đợi, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong các năm 2015-2019. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, việc ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ người dân trong hai năm qua phần nào đã làm chùng lại quá trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Thậm chí có biện pháp chống dịch khá cực đoan áp dụng tại các địa phương đã khơi dậy một số giải pháp kiểm soát doanh nghiệp từ lâu được bãi bỏ.

Cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Do đó, các nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thực hiện trong lúc này sẽ nhanh chóng phục hồi lại niềm tin của thị trường, cộng đồng doanh nghiệp để từ đó, cải cách có tác động mạnh mẽ đến phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đề xuất, mục tiêu và phương châm chủ đạo của Nghị quyết 02/NQ-CP cần hướng đến duy trì, củng cố thành quả của cải cách đã đạt được và nhanh chóng có thêm thành quả mới, góp phần phục hồi nhanh và tăng trưởng bền vững.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nhận định: Cải thiện môi trường kinh doanh đang chạm đến những vấn đề khó, mang tính chất liên ngành, đòi hỏi phải có sự quyết liệt của Chính phủ và được thực hiện liên tục và đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh chỉ cần cửa trục trặc là hoạt động của doanh nghiệp không thông suốt. Ví như đi trên đường, có đoạn cải cách tốt cho phép xe chạy tốc độ 120 km/h nhưng lại gặp đoạn đường đầy ổ gà, ổ trâu chỉ đi được 10 km/h thì không những không phát huy được hiệu quả đã làm được mà còn bị xói mòn niềm tin”, Đại biểu Phan Đức Hiếu lấy thí dụ.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã trao đổi về kết quả, bài học kinh nghiệm về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và tìm giải pháp cho những vấn đề vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP.

Phục hồi nhanh, phát triển kinh tế bền vững