Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ

Hoàn thành việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp..., là một mục tiêu quan trọng của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác cải cách hành chính năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác Bảo hiểm xã hội Việt Nam thị sát thí điểm việc khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân và sinh trắc vân tay tại cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: TRUNG TÂM)
Đoàn công tác Bảo hiểm xã hội Việt Nam thị sát thí điểm việc khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân và sinh trắc vân tay tại cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: TRUNG TÂM)

Theo Kế hoạch số 3870/KH-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2023, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm xử lý kịp thời, công khai, đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân, người lao động.

Năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định sẽ tiến hành cải cách hành chính đồng bộ, thống nhất ở các lĩnh vực: thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt ra các mục tiêu cụ thể. Về cải cách thủ tục hành chính: hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; 100% số hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính…

Trên cơ sở đó, đạt mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội, trong đó mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%.

Đối với mục tiêu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc dữ liệu chỉ từ một nguồn, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin dữ liệu.

Theo đó, 80% số dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện ở mức độ toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% số người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

100% hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và/hoặc Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoặc các nền tảng khác theo quy định; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đã được chia sẻ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì không phải cung cấp lại.

70% số hồ sơ công việc trong toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). 35% số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội, trong đó có 25% sử dụng ứng dụng VssID…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, bảo đảm tốt nhất quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành để làm giàu thêm các cơ sở dữ liệu của ngành, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của ngành nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

Là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Đến hết tháng 12/2022, hệ thống đã xác thực hơn 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (với hơn 98 triệu dân); đồng thời cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.