Cải cách lề lối làm việc của các cấp công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

NDO - Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu tham luận "Cải cách lề lối làm việc của các cấp công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của Công đoàn Bộ Nội vụ trình bày tại tọa đàm "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Nội vụ trình bày tham luận tại buổi tọa đàm.
Đồng chí Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Nội vụ trình bày tham luận tại buổi tọa đàm.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà Người còn đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam - một tổ chức quan trọng đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng sau này, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới từng bước đi, bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam. Người thường xuyên quan tâm đến công tác công đoàn và phong trào công nhân lao động; dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện và chỉ dẫn về công tác công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp, lâm trường… Trực tiếp Bác Hồ đã ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, trong đó chỉ rõ mục đích của tổ chức công đoàn: “Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”; đồng thời giao cho tổ chức công đoàn quyền quản lý, điều hành Quỹ bảo hiểm xã hội để duy trì hoạt động công đoàn và bảo đảm lợi ích thiết thực của người lao động.

Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, công đoàn chính là khâu nối liền Đảng với đội ngũ công nhân, với hàng triệu quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Công đoàn có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng; làm cho công nhân hiểu rằng, không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được; liên lạc mật thiết giữa công nhân và người lao động với Chính phủ; bảo vệ, giữ gìn quyền lợi vật chất, tinh thần, sức khỏe và an toàn lao động cho công nhân; tổ chức, đoàn kết, giáo dục để công nhân hiểu lao động là vinh quang, tôn trọng kỷ luật lao động, nâng cao nhiệt tình, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa…Công đoàn là “trường học quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và văn hóa của giai cấp công nhân” và “trường học của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn các cấp luôn cần quan tâm sâu sắc 5 vấn đề lớn thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về công tác công đoàn và phong trào công nhân.

Một là, để trở thành người tổ chức các hoạt động của công nhân và người lao động, cán bộ công đoàn không những phải “giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế”; “phải thực sự lao động” và gần gũi công nhân, “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân”. Có như thế mới có thể biết được công nhân muốn gì, nghĩ gì, lo gì?... Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thực sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng.

Hai là, giáo dục, tuyên truyền, hội họp phải nhẹ nhàng, có ích, nếu không chỉ làm cho công nhân mệt mỏi, có hại cho sản xuất. Việc “ra chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực”. Công đoàn sinh hoạt phải thường xuyên, thiết thực, hoạt bát và vui vẻ; thường xuyên cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, cần bớt giấy tờ, hội họp lu bù.

Ba là, cán bộ công đoàn phải tùy khả năng mà cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, vì đời sống vật chất và văn hóa có khá thì làm việc mới tốt. Quan tâm chăm nom đến chỗ ăn, ở, chỗ làm việc của công nhân, gia đình, con cái của anh chị em công nhân. Theo Người, “công nhân sản xuất tốt hay xấu, có đoàn kết hăng hái sản xuất hay không, đó là tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công đoàn mạnh, cán bộ công đoàn tốt hay không..

Bốn là, các cấp công đoàn cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở; lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; lấy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội làm mục tiêu hoạt động. Phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, để công đoàn thực sự là chỗ dựa gần gũi, vững chắc của công nhân, có sức hấp dẫn đối với người lao động.

Năm là, Công đoàn là một bộ phận của hệ thống chính trị nên tổ chức, hoạt động của Công đoàn phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn phải giúp công nhân vào Đảng; giúp bảo vệ, phê bình và phát triển Đảng. Đảng mạnh tức là dân mạnh, công nhân mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh thì Đảng mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh, Đảng mạnh thì chúng ta nhất định thắng lợi.

Trong tiến trình của cách mạng Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho tổ chức Công đoàn Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Cũng trong 94 năm qua, Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thực hiện trọng trách của mình, xứng đáng là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong mỗi thời kỳ; luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng hành với dân tộc và với Đảng.

Công đoàn Việt Nam đang từng bước đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động sát cánh, đồng hành với người lao động, với Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị phòng chống dịch covid 19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giảm thiểu thiệt hại, bước đầu kiểm soát thành công đại dịch Covid 19 và chuyển sang khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội.

Để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tổ chức công đoàn phải thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động công đoàn bám sát thực tiễn cơ sở, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của đoàn viên, người lao động. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, hướng trọng tâm về cơ sở; tiếp tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động đóng góp trí lực, sức lực của mình cho sự phát triển của ngành, địa phương và đất nước.

Cán bộ công đoàn gắn bó mật thiết với quần chúng lao động; thực hành nhuần nhuyễn phong cách “Nói đi đôi với làm”; coi trọng dân chủ, thực hành dân chủ và thực hành phong cách của người cán bộ lãnh đạo.

Theo đó, trước hết, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cần đặc biệt thấm nhuần di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” để quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, lựa chọn cán bộ công đoàn là những người phải trưởng thành từ phong trào công nhân, viên chức, người lao động, từ cấp ủy và các tổ chức đoàn thể; hiểu người lao động, trăn trở vì người lao động, đi sâu, đi sát với cơ sở và có uy tín với đoàn viên, người lao động.

Quán triệt chỉ đạo đội ngũ cán bộ công đoàn đổi mới tư duy, thái độ, đổi mới phong cách theo hướng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ vì mục tiêu chung của tập thể và phục vụ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, định hướng thực hiện nhiệm vụ, cần phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác của từng cán bộ công đoàn; có cơ chế động viên, khích lệ đối với những cán bộ công đoàn tận tâm với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới và đạt thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được giao; khuyến khích cán bộ công đoàn có tư duy sáng tạo, có cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển và phục vụ lợi ích chính đáng chung của đoàn viên, người lao động.

Thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ công đoàn, xếp loại chất lượng hoạt động các công đoàn và thành tích hoạt động của các công đoàn, của đoàn viên và người lao động phải bám sát vào các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định, đánh giá đúng thực chất. Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch những đoàn viên có trình độ, năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc vào đội ngũ cán bộ công đoàn.

Đối với cán bộ công đoàn cần nhận thức đúng đắn, xác định rõ trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm trước công việc; chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tránh tư duy khuôn mẫu; có tinh thần trách nhiệm, cầu thị, hợp tác, chia sẻ, luôn nỗ lực hết mình, tự khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; luôn trau dồi bản lĩnh chính trị, học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tự học tập, rèn luyện nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn; tự giác trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc; chấp hành nghiêm quy định của cơ quan, đơn vị về tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc, qua đó tạo được niềm tin của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn.

Mỗi cán bộ công đoàn đều cần phải nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo các phong cách của Hồ Chí Minh có giá trị cốt lõi trong hoạt động công đoàn nhằm không ngừng đổi mới phong cách của chính cán bộ công đoàn trong tư duy về hoạt động công đoàn, trong lãnh đạo, vận động và thuyết phục người lao động, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của người lao động.

Đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo; phong cách làm việc luôn tôn trọng người lao động, gần người lao động, thấu hiểu người lao động, chăm lo lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người lao động; phong cách lãnh đạo tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, luôn làm gương trước để mọi người noi theo; phong cách diễn đạt chân thực, trong sáng, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, có lý có tình; phong cách sinh hoạt, cần kiệm liêm chính, hài hòa, giản dị, gần gũi, mỗi việc làm, mỗi hành động đều chứa đựng ý nghĩa giáo dục rất cao.

Cán bộ công đoàn phải đề cao trách nhiệm thực hành phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động, trong cuộc sống, góp phần tạo nên đạo đức của người cán bộ công đoàn; làm cho hoạt động công đoàn ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn; gắn bó chặt chẽ, mật thiết với quần chúng lao động, một lòng phấn đấu vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đông đảo người lao động; phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của đoàn viên, người lao động, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng; tùy khả năng mà cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, người lao động, vì đời sống vật chất và tinh thần có khá thì làm việc mới tốt.

Hằng năm, mỗi cán bộ Công đoàn cần xây dựng chương trình công tác, kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trở thành cán bộ Công đoàn giỏi, nhiệt huyết với hoạt động Công đoàn, có uy tín, có khả năng đoàn kết, tập hợp đoàn viên, người lao động; đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng, được đông đảo đoàn viên, người lao động tin yêu, nể trọng.