Thực vật không hoàn toàn im lặng như chúng ta tưởng mà thực tế chúng có thể phát ra âm thanh, song ở tần số mà thính giác của con người không nghe thấy được.
Thực vật phát ra âm thanh nhiều hơn khi chúng thiếu nước hoặc phải chịu áp lực nào đó. Đây là kết quả công trình nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv, Israel.
Giáo sư Lilach Hadany tại Trường Khoa học thực vật và An ninh lương thực - đồng tác giả nghiên cứu cho biết, nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn khác về "vương quốc thực vật".
Theo đó, thực vật - vốn lâu nay được xem là loài sống im lặng, trên thực tế có thể tạo ra một "bản giao hưởng" âm thanh.
Để tìm hiểu thực vật có thực sự "biết nói" hay không, bà Hadany và các đồng nghiệp đã theo dõi các cây cà chua và cây thuốc lá bằng các thiết bị thu âm có thể ghi được âm thanh ở tần số 20-250 kilohertz, trong khi tần số âm thanh cao nhất mà tai người trưởng thành có thể nghe được là khoảng 16 kilohertz.
Trong nghiên cứu, một số cây được trồng trong môi trường khắc nghiệt như bị cắt cành hoặc không được tưới nước trong 5 ngày.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng thực vật phát ra âm thanh ở tần số từ 40-80 kilohertz. Khi được chuyển thành tần số mà con người có thể nghe được, âm thanh phát ra từ thực vật nghe hơi giống tiếng nổ bỏng ngô hoặc tiếng nổ của túi bong bóng.
Những cây phải chịu áp lực phát ra từ 30-50 âm thanh mỗi giờ, trong khi những cây bình thường phát ra ít âm thanh hơn nhiều (khoảng 1 âm thanh mỗi giờ). Bà Hadany cho biết cây cà chua hoàn toàn "im lặng" khi không gặp vấn đề gì.
Các nhà nghiên cứu hiện chưa xác định được cơ chế tạo ra âm thanh ở thực vật, nhưng họ tin rằng âm thanh phát ra khi bong bóng khí trong "mạch" cung cấp nước của thực vật bị vỡ dưới một áp lực nào đó, từ đó tạo ra tiếng tách hoặc tiếng nổ.
Giáo sư Khoa học sinh học Daniel Robert tại Trường Khoa học Sinh học của Đại học Bristol (Anh), cho rằng thực vật không chủ động phát ra âm thanh, nhưng âm thanh này có thể có ích với các sinh vật khác.
Chẳng hạn, âm thanh phát ra từ cây cà chua có thể mang thông điệp để một con sâu bướm cái biết rằng cây đang gặp vấn đề và không thích hợp để đẻ trứng trên đó hoặc tìm chất dinh dưỡng.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi lại âm thanh do nhiều loài thực vật khác nhau tạo ra, chẳng hạn như lúa mỳ, ngô, xương rồng, nho và nhận thấy những cây này cũng phát ra nhiều âm thanh hơn khi gặp vấn đề.