Các đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ và Pác Bó


Ðội du kích Bắc Sơn

Cuối tháng 9-1940, sau khi quân Nhật đánh vào Lạng Sơn, bị thua trận, quân Pháp ở các đồn Na Sầm, Lộc Bình rút chạy qua Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Nắm bắt thời cơ đó, đêm 27-9-1940, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ địa phương, khoảng 600 tự vệ và quần chúng cách mạng Bắc Sơn tiến đánh đồn Mỏ Nhài, chiếm châu lỵ Bắc Sơn, sau đó thành lập chính quyền cách mạng.

Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn giành thắng lợi, Trung ương Ðảng  họp ra chỉ thị phải nắm lấy phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn và cử ông Trần Ðăng Ninh ở Xứ ủy Bắc Kỳ lên cùng Ðảng bộ Bắc Sơn tổ chức quân du kích. Ngày 14-1-1940, đồng chí Trần Ðăng Ninh triệu tập cuộc họp phổ biến chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ về tổ chức quân du kích và thành lập chiến khu cách mạng.

Ngày 16-10-1940, đơn vị du kích Bắc Sơn đầu tiên được tổ chức gồm 20 chiến sĩ, trang bị một số súng trường, súng kíp, dao găm. Ngay sau khi được tổ chức, đội du kích đã tiến hành vũ trang tuyên truyền trong nhân dân chống địch khủng bố, trừng trị bọn tay sai phản động. Ngày 23-10-1940, một tiểu đội du kích đột nhập nhà Chánh Hương ở Vũ Lăng, tịch thu toàn bộ tài sản chia cho dân nghèo. Tiếp đó, ngày 25-10, quân du kích tiến đánh địch ở trường Vũ Lăng, tên châu úy Trịnh Văn Nghiêm cùng hơn 100 lính dõng hoảng sợ bỏ chạy.

Trên đà thắng lợi, lực lượng du kích Bắc Sơn phát triển nhanh chóng. Ðến cuối tháng 10-1940, đã có đến 200 người tham gia. Vũ khí có khoảng 20 súng trường mới lấy được của địch và hơn 100 súng kíp. Ngày 28-10-1940, quân du kích đội ngũ chỉnh tề cùng hàng nghìn đồng bào các dân tộc họp mít-tinh ở trường Vũ Lăng.

Trong lúc ta đang họp mít-tinh thì quân Nhật ở đồn Mỏ Nhài được mật báo đã theo đường tắt đến bao vây đánh trường Vũ Lăng. Trong tình thế rất hiểm nghèo nhưng quân du kích vẫn bình tĩnh nổ súng chặn địch để nhân dân chạy thoát, rồi rút đi các ngả. Sau sự kiện này theo chủ trương của trên, du kích Bắc Sơn phân tán hoạt động để duy trì lực lượng, tránh địch khủng bố.

Từ ngày 6 đến 9-11-1940, Hội nghị T.Ư Ðảng CS Ðông Dương lần thứ 7 họp  ở Ðình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Sau khi nghe báo cáo tình hình phong trào cách mạng Bắc Sơn, Hội nghị quyết định duy trì và phát triển lực lượng du kích Bắc Sơn. Trước mắt, du kích Bắc Sơn chuyển từ hoạt động quân sự sang hoạt động chính trị, phát triển cơ sở cách mạng, tạo điều kiện thành lập căn cứ địa du kích Bắc Sơn - Võ Nhai.

Cùng với quyết định trên, Trung ương Ðảng ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương phải cấp tốc thi hành những biện pháp ủng hộ du kích Bắc Sơn. Nhiều ủy ban ủng hộ du kích Bắc Sơn được thành lập ở các địa phương đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào ủng hộ các chiến sĩ du kích Bắc Sơn diễn ra sôi nổi ở các địa phương đã kịp thời động viên các chiến sĩ du kích Bắc Sơn nêu cao quyết tâm chiến đấu, giữ vững hoạt động và tiếp tục củng cố phát triển lực lượng.

Ðầu năm 1941, Trung ương Ðảng cử Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Lương Văn Tri lên cùng Ðảng bộ Bắc Sơn củng cố cơ sở quần chúng, xây dựng lực lượng du kích. Với nỗ lực vượt bậc, ngày 14-2-1941, Ðội du kích Bắc Sơn được tái lập tại một địa điểm thuộc khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ðội gồm 32 người, được tổ chức thành 3 tiểu đội, do ông Lương Văn Tri làm chỉ huy trưởng. Các ông Hoàng Ðình Ruệ, Dương Quốc Vinh, Hà Khắc Lạc người Bắc Sơn được cử làm tiểu đội trưởng, vũ khí có 5 súng trường, còn lại là súng kíp và dao găm. 

Sau khi tái lập, Ðội du kích đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố và vận động đồng bào các dân tộc tham gia xây dựng, mở rộng khu căn cứ. Ðến tháng 4-1941, các xã Vũ Lễ, Vũ Lăng, Ngư Viễn, Hữu Vĩnh, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã nối liền với các xã Lân Thượng, Phú Thượng, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) thành căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai.

Ðược Ðảng trực tiếp tổ chức, chỉ đạo và nhân dân Bắc Sơn giúp đỡ, Ðội du kích Bắc Sơn đã làm nòng cốt xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai và làm vốn quân sự cho việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Ðảng sau này.

Quân du kích Nam Kỳ

Trong lúc cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ và sau đó đội du kích Bắc Sơn ra đời, thì tại Nam Kỳ, nơi phong trào cách mạng có các đội du kích, tự vệ làm nòng cốt phát triển rất mạnh.

Tháng 3-1940, Xứ ủy Nam Kỳ đề ra dự thảo: ''Ðề cương chuẩn bị bạo động Nam Kỳ''. Qua nhiều cuộc thảo luận, chủ trương khởi nghĩa vũ trang ngày càng được hình thành rõ nét, theo đó, việc xây dựng các lực lượng vũ trang, hình thành các đội tự vệ, du kích được xứ ủy và chi bộ các địa phương quan tâm lãnh đạo.   

Ở Sài Gòn, trên cơ sở 50 chi bộ với gần 300 đảng viên, thành ủy chủ trương cử những đảng viên hăng hái tích cực bám sát cơ sở, vừa hoạt động xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng, qua đó chọn những người khỏe mạnh, dũng cảm phát triển thành những đội viên tự vệ du kích trong các trường học, trường dạy nghề, xưởng máy, xí nghiệp, các khu lao động, các đường phố.

Ðến tháng 9-1940, đã phát triển được một số tổ du kích ở các khu Bàn Cờ, Chợ Ðuỗi, Xóm Chiếu, Ngã Sáu, Xóm Mới (Tân Ðịnh), Thị Nghè, Phú Nhuận, Long Kiên. Ở một số đường phố, trường học,  trường dạy nghề như Pettru Ký, Huỳnh Khương Ninh, Ðồng Nai, Kỹ nghệ thực hành, Trường Máy, Trường dạy lái ô-tô cũng hình thành những đội tự vệ tin cậy.   

Ðược nhân dân giúp đỡ nhiệt tình cả về tinh thần và vật chất, các đội du kích của tỉnh Chợ Lớn phát triển nhanh chóng. Ðến tháng 9-1940, hầu hết các xã trong tỉnh đều lập được đội du kích, nhiều đội du kích ở quận Ðức Hòa, Cần Giuộc quân số lên đến hàng trăm người.

Ngoài lực lượng tại các địa phương, giai đoạn cuối theo kế hoạch của xứ ủy, mỗi quận của tỉnh Chợ Lớn còn lập một đội du kích sẵn sàng tiếp ứng cho thành phố Sài Gòn khi có lệnh. Ðội viên các đội du kích này được lựa chọn từ các địa phương gồm những người khỏe mạnh, gan dạ, được huấn luyện kỹ cách đánh các mục tiêu trong thành phố. Ðội của quận Trung Quận do Nguyễn Văn Trấn chỉ huy; đội của quận Cần Ðước do Nguyễn Văn Tri (Ba Tri) phụ trách; đội của quận Cần Giuộc được giao cho Nguyễn Văn Trân; còn đội của quận Ðức Hòa do Huỳnh Văn Một (Huỳnh Văn Tiến) huấn luyện và chỉ huy. Vũ khí của các đội du kích này ngoài dao, kiếm còn có một số súng tự tạo và súng săn.       

Nằm ở địa bàn có ý nghĩa chiến lược trong khởi nghĩa Nam Kỳ, các đội du kích của tỉnh Gia Ðịnh được Xứ ủy và Tỉnh ủy rất quan tâm. Ðến tháng 10-1940, cả bốn quận (Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Ðức, Nhà Bè) đều thành lập đội du kích ở các làng xã, quân số mỗi đội du kích khoảng từ 30 đến 50 người, trang bị vũ khí tự tạo (dao, kiếm, búa, xà beng). Trong bốn quận thì quận Hóc Môn xây dựng được nhiều đội du kích mạnh. Các đội du kích của các tổng : Long Trung Hạ, Bình Thạnh Trung, Long Trung Thượng, Long Tuy Trung có quân số khá đông (có đội hơn 80 người), được huấn luyện, chỉ huy khá tốt.

  Tuy là tỉnh xa Sài Gòn, dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nằm trải dài theo sông Tiền nhưng phong trào cách mạng ở Mỹ Tho đã sớm phát triển mạnh. Trên cơ sở 60 chi bộ hoạt động ở các làng, xã, xí nghiệp, trong các tổ chức phản đế như: phụ nữ, nông hội, thanh niên... tỉnh đã chỉ đạo các địa phương lựa chọn các thanh niên khỏe mạnh, tích cực tham gia tập luyện quân sự, hướng  vào nhiệm vụ bảo vệ xóm làng, bảo vệ cán bộ cách mạng rồi từ đó phát triển thành các đội tự vệ du kích vũ trang.

Ðến tháng 7-1940, đã có nhiều xã ở trong tỉnh lập được đội du kích, đặc biệt như xã Thạnh Phú xây dựng được một đại đội du kích gồm tám đội vũ trang (Bờ Xe, Bờ Ðá, Ấp Chợ, Xoài Hột, Xóm Chùa, Xóm Vong, Cây Xanh, Miếu Hội). Trong các hãng, xưởng ở tỉnh lỵ, quận lỵ cũng xây dựng được các đội tự vệ vũ trang.

Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ, nhân dân các địa phương đã tổ chức quyên góp tiền bạc, sắt thép, rèn đúc các loại vũ khí ủng hộ các đội du kích. Các xã có phong trào ủng hộ du kích mạnh như: Tân Lý Tây, Long Hưng, Kim Sơn, Mỹ Hạnh Ðông ngoài gươm giáo, du kích còn mua sắm được một số súng săn. Ðêm đêm các đội du kích vừa canh giữ xóm làng, vừa hăng hái luyện tập, tạo khí thế cách mạng sôi nổi trong nhân dân.          

Là tỉnh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, thực hiện chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ ủy, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã giao nhiệm vụ cho các chi bộ đẩy mạnh xây dựng phát triển các đội du kích. Ðến cuối tháng 7-1940, các quận (trừ quận Chợ Lách mới xây dựng cơ sở đảng) đều tổ chức được các đội du kích ở các làng, mỗi đội từ 10 đến 15 người, một số làng như Long Mỹ, Long Hồ (quận Châu Thành, nơi có cơ quan tỉnh ủy) và Phú Lộc (quận Tam Bình) có đội du kích mạnh quân số mỗi đội từ 60 đến 70 người. Ngoài việc huấn luyện, tỉnh còn tích cực vận động nhân dân quyên góp tiền của mua sắt thép rèn dao kiếm, mã tấu trang bị cho các đội du kích, ở một số nơi du kích còn tự chế ra thuốc nổ, làm bom tự tạo, vỏ bom bằng các loại lon sữa bò.

Ở các tỉnh còn lại của Nam Kỳ, do cơ sở cách mạng bị địch đánh phá hoặc ở những vùng sâu, vùng xa cơ sở Ðảng của ta chưa phát triển mạnh nên việc xây dựng phát triển các đội du kích, tự vệ gặp khó khăn, ở nhiều  nơi ta chỉ hình thành được một số đội du kích ở chung quanh các tỉnh lỵ, quận lỵ. Các đội du kích này quân số ít, trang bị thô sơ, lại ít được huấn luyện nên sự phối hợp hành động và hiệu quả chiến đấu còn nhiều hạn chế.     

Tuy quá trình phát triển các đội tự vệ du kích ở các tỉnh Nam Kỳ từ khi Xứ ủy Nam Kỳ có chủ trương đến khi nổ ra khởi nghĩa chưa đồng đều, sự liên kết giữa các địa phương, giữa các đội du kích trong quá trình xây dựng và phát triển chưa chặt chẽ, huấn luyện ít, trang bị rất thô sơ, nhưng trong 10 ngày nổi dậy (từ 22-11 đến 2-12-1940) quân du kích Nam Kỳ đã tiêu diệt 32 tên lính và ác ôn tề điệp (trong đó có hai tên Pháp) làm bị thương 23 tên (có ba tên Pháp), thu 130 súng các loại, phá hoại giao thông, điện thoại, điện tín làm tê liệt hơn 10 tuyến giao thông quan trọng của địch, làm tan rã hệ thống chính quyền tay sai ở nhiều làng xã.    

Ðội du kích Pác Bó

Sau khi về nước, đầu năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho các đoàn thể nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang, mở rộng căn cứ cách mạng. Theo chỉ thị của Người, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết Hội nghị T.Ư Ðảng lần thứ 8 (5-1941) các đoàn thể Việt Minh tại Cao Bằng đã lập ra các xã, tổng hoàn toàn Việt Minh.

Trên cơ sở lực lượng chính trị quần chúng phát triển, mùa thu 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị cho Lê Quảng Ba, Tỉnh ủy viên Cao Bằng cùng Lê Thiết Hùng, người vừa học ở Trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) về, chuẩn bị tổ chức một đội vũ trang tập trung.

Sau thời gian ngắn khẩn trương chuẩn bị, vào một sáng tháng 10-1941, tại khu vực hang Pác Bó, thuộc châu Hà Quảng, đội vũ trang tập trung của tỉnh Cao Bằng (đội du kích Pác Bó) đã làm lễ thành lập. Ban đầu đội gồm 12 cán bộ và đội viên, trong đó có một đội viên nữ, trang bị 12 khẩu súng các loại. Ban chỉ huy đội gồm ba người: Lê Quảng Ba, Ðội trưởng; Lê Thiết Hùng, Chính trị viên, Hoàng Sâm, Ðội phó. Chi bộ Ðảng trực tiếp lãnh đạo đội do Lê Thiết Hùng làm bí thư.

Theo kế hoạch, sau ngày thành lập, Ðội du kích Pác Bó kết hợp việc huấn luyện quân sự với triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Ðảng, tiến hành vũ trang tuyên truyền vận động quần chúng, tiến hành công tác giao thông liên lạc đặc biệt và làm lực lượng nòng cốt để tổ chức xây dựng huấn luyện tự vệ địa phương.

Ðược học tập các tài liệu do lãnh tụ Hồ Chí Minh biên soạn và trực tiếp huấn luyện như: "Một số nguyên tắc xây dựng và hoạt động của đội du kích", "Mười điều kỷ luật của đội du kích", "Cách đánh du kích" toàn đội tiến bộ rất nhanh chóng. Chỉ sau ba tuần huấn luyện tập trung, các đội viên đã cơ bản nắm vững vai trò, nhiệm vụ, tính chất của đội du kích, kỷ luật quân sự, công tác vận động binh lính địch, biết thực hiện một số động tác đội ngũ: nghiêm, chào, vác súng, các động tác quay theo khẩu lệnh và học các kỹ thuật, chiến thuật cá nhân, tổ và tiểu đội chiến đấu.

Ðầu năm 1942, Ðội du kích Pác Bó mở đợt vũ trang tuyên truyền vận động đồng bào hăng hái tham gia các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh, mua sắm các loại vũ khí, tích trữ lương thực, cảnh cáo và trừng trị những phần tử phản động, dẹp nạn thổ phỉ ở các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Tháng 4-1942, Ðội du kích Pác Bó tuyển lựa kết nạp thêm đội viên và chuyển công tác một số đội viên theo yêu cầu mới của cách mạng. Các ông Hoàng Sâm, Lê Quảng Ba và một số cán bộ của đội tham gia mở đường "Nam tiến", một lực lượng khác chia thành các tổ đi làm nòng cốt xây dựng, phát triển tự vệ, du kích ở các châu.

Ðến tháng 6-1943, Ðội du kích Pác Bó đã tiến hành xây dựng được ba đội vũ trang châu, một số đội vũ trang ở tổng, đội tự vệ chiến đấu ở xã và tổ chức được hai lớp huấn luyện cán bộ của tỉnh, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng địa phương tiến lên.