Các địa phương nỗ lực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

NDO -

NDĐT - Khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) có xu hướng lây lan rộng tại các tỉnh phía nam, ngày 31-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hồ Chí Minh tổ chức họp khẩn với các quận, huyện, các sở, ngành liên quan để tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch.

Nhân viên thú ý Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, quận Thủ Đức, kiểm tra lợn vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân viên thú ý Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, quận Thủ Đức, kiểm tra lợn vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 4.000 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn có 274 nghìn con, trong đó có 274 hộ chăn nuôi lợn bằng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, quán ăn. Đây là nguồn có nguy cơ cao dẫn đến lây lan dịch vào thành phố. Qua kiểm tra trên địa bàn thành phố, đến nay cơ quan chức năng chưa ghi nhận hoặc phát hiện đàn lợn nào nhiễm DTLCP.

Thành phố có 11 cơ sở giết mổ lợn với số lượng giết mổ hằng đêm từ 6.000 - 7.000 con lợn sống/ngày. Nguồn lợn nhập vào thành phố chủ yếu từ Đồng Nai chiếm 47,27%, Bình Dương 17,88%, Bình Phước 7,29%, Tiền Giang 3,99%... Ngoài ra, các tỉnh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… còn cung cấp thịt lợn về thành phố tiêu thụ với số lượng tương đương khoảng 2.300 - 2.500 con/ngày.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, mặc dù các quận, huyện đã tăng cường kiểm tra tình hình giết mổ trái phép, nhưng tình trạng giết mổ lậu vẫn còn tồn tại và chưa được xử lý dứt điểm tại một số địa phương. Việc giết mổ lậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch do nguồn lợn giết mổ không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không qua kiểm dịch của các cơ quan thú y và cung cấp trực tiếp cho khu công nghiệp, chợ truyền thống, chợ tự phát… Ngoài ra, ở những vùng giáp ranh giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, việc kiểm soát tình trạng vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc bằng xe mô-tô vào thành phố là hết sức khó khăn.

Trong các giải pháp triển khai, thành phố chú trọng đến biện pháp an toàn sinh học để phòng, chống dịch; đồng thời cấp phát 2.000 ủng nhựa cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các hộ chăn nuôi lợn rừng lai, 4.000 bảng cảnh báo gắn trước cổng cho các hộ chăn nuôi với nội dụng: “Yêu cầu người đến mua lợn, liên hệ công việc phải mang bảo hộ, sát trùng phương tiện trước khi vào”. Thành phố cũng triển khai các tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nhằm giảm tối đa nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh; thực hiện tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn sống nhập vào các cơ sở giết mổ, các phương tiện vận chuyển động vật tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông.

Tại buổi họp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung đề nghị, các quận, huyện, đơn vị liên quan phải cấp bách đề ra các tình huống có thể xảy ra để chủ động phòng, chống dịch với tinh thần cao nhất. Đồng thời, khẩn trương thành lập thêm các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, các tổ công tác lưu động để kiểm tra, giám sát vận chuyển lợn vào thành phố; tăng cường kiểm tra, giám sát việc buôn bán thịt lợn tại các chợ truyền thống, bán thịt lợn ngoài lề đường, chợ tự phát và các hộ nuôi lợn lai rừng…

* Ngày 31-5, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã có báo cáo nhanh về tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn.

Các địa phương nỗ lực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

Hố chôn lợn chết được xử lý sơ sài (Ảnh: Quốc Dũng)

Tính đến ngày 30-5, dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 30 hộ chăn nuôi thuộc 12 xã, phường của bốn quận, huyện Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều và Phong Điền, tổng số lợn bệnh 885 con. Trong đó, ngành thú y đã tiêu hủy 859 con, hộ chăn nuôi tự tiêu hủy 26 con với tổng số hơn 40,6 tấn.

Bên cạnh đó, ngành thú y TP Cần Thơ cũng thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống dịch như: Rà soát, thống kê đàn có nguy cơ, điều tra dịch tễ, lập sáu chốt chống dịch và một chốt phòng dịch tạm thời kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ theo quy định, tổ chức tiêu độc chống dịch khẩn cấp tại các vùng dịch, vùng đệm, vùng huy hiếp khoảng 649 km2 tương đương 8.357 hộ.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng và lây lan nhanh chóng, nhiều người dân ở TP Cần Thơ tỏ ra lo lắng vì cách xử lý xác lợn bệnh, chết của ngành thú y địa phương. Điển hình như việc cán bộ thú y đào hố chôn xác lợn mắc dịch tả chỉ cách khu dân cư 923, phường An Bình, TP Cần Thơ chừng 100m. Nhiều người khẳng định, hố chôn được xử lý rất sơ sài, cạn, không bảo đảm vệ sinh môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Mặc dù người dân đã kịch liệt phản đối việc chôn lợn bệnh tại đây, nhưng lực lượng chức năng vẫn không dừng lại.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Nguyễn Thanh Hải khẳng định, quy trình, khoảng cách chôn lợn bệnh, chết là bảo đảm, nhưng do quỹ đất của địa phương hạn hẹp nên chưa trưng cầu ý kiến người dân.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo nhanh về việc xuất hiện hai ổ DTLCP trên địa bàn huyện Ngọc Hiển và Phú Tân. Đây cũng là hai địa phương đầu tiên của Cà Mau xuất hiện DTLCP.

Các địa phương nỗ lực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ảnh 2

Xe vào địa bàn tỉnh Cà Mau theo tuyến Quốc lộ 1 phải qua hố khử trùng ở trạm Cây Trâm (Ảnh: Hữu Tùng).

Ổ bệnh DTLCP đầu tiên xuất hiện trên đàn lợn 19 con của hộ ông Nguyễn Hoàng Trung, ấp Ba Tiệm, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân. Chủ hộ chủ động trình báo sau khi có 2/19 con lợn có biểu hiện bất thường và bị chết.

Tại ấp Đường Kéo (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), quá trình kiểm tra hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân vào ngày 29-5, cơ quan chuyên trách Cà Mau cùng chính quyền địa phương phát hiện đàn lợn sáu con của hộ ông Triệu Văn Phúc có một con bị bệnh chết. Gần đó là chuồng nuôi sáu con lợn của hộ ông Văn Công Nhuẫn nghi bị bệnh phó thương hàn và chưa tiêm phòng vacine. 3/6 con lợn trong số đó có biểu hiện yếu, ông Nhuẫn tự giết mổ rồi chia thịt cho người dân trong xóm. Số lợn còn lại, ông tự mua thuốc về điều trị và có một con bị chết sau vài phút chích thuốc.

Thông tin với phóng viên vào chiều 31-5, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết: Các trường hợp lợn bị chết và có biểu hiện bất thường ở Phú Tân và Ngọc Hiển, ngay khi phát hiện đã tiến hành tiêu hủy, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng 7 và cho kết quả dương tính với DTLCP.

Trước tình hình xuất hiện DTLCP trên địa bàn các xã nêu trên, trong buổi chiều 31-5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có Công văn hỏa tốc gửi các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống DTLCP, chính quyền các huyện, TP Cà Mau về việc triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với bệnh DTLCP.

Cà Mau hiện có tổng đàn lợn khoảng 75 nghìn con. Thực hiện chỉ đạo của T.Ư và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống và ứng phó với DTLCP. Sau hơn một tháng vào cuộc quyết liệt, toàn tỉnh đã bố trí được 33 trạm, chốt kiểm soát gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh, cả đường thủy và đường bộ.

Khó khăn lớn nhất của Cà Mau là việc kiểm soát người và phương tiện nhập tỉnh, bởi đây là địa phương có sông ngòi chằng chịt và đường bộ tiếp giáp nhiều tỉnh, thành phố lân cận đã xuất hiện DTLCP. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách tại các trạm, chốt hiện còn mỏng so với nhu cầu thực tế…