Dòng tiền vẫn chưa quay trở lại với thị trường hàng hóa, khi giới đầu cơ vẫn đang chờ đợi thêm các thông tin mới về biến chủng Omicron. Giá trị giao dịch toàn Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam tiếp tục suy yếu về mức xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, giảm gần 30% so với phiên cuối tháng 11.
Giá cà-phê phục hồi trở lại trong phiên ngày hôm qua với giá Arabica đóng cửa cao hơn 0,4% lên 233,3 cents/pound, giá Robusta bật tăng mạnh mẽ 2,4% lên 2.314 USD/tấn.
Những lo ngại về nguồn cung tiếp tục là yếu tố thúc đẩy thị trường cà-phê, tuy nhiên, lực mua bị kìm hãm khá nhiều khi nhu cầu tiêu thụ trong ngắn hạn đang bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của biến thể Omicron. Bên cạnh đó, đồng Real Brazil ngày càng mất giá khiến cho nông dân đẩy mạnh bán hàng và tìm cách hưởng lợi từ sự gia tăng của đồng USD.
Đối với nguồn cung Robusta, lượng mưa lớn ở Tây Nguyên, khu vực sản xuất cà-phê trọng điểm của Việt Nam, đang cản trở quá trình thu hoạch, chính là yếu tố thúc đẩy giá Robusta có được sức mua lớn trong phiên hôm qua. Mức chênh lệch lớn giữa hai Sở trước đó cũng là yếu tố hỗ trợ cho dòng vốn đổ về Sở ICE EU nhiều hơn.
Cùng chiều với thế giới, giá cà-phê hôm nay dao động trong khoảng 40.500-41.300 đồng/kg. Trong đó, giá cà-phê cao nhất được ghi nhận ở khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, còn ở Lâm Đồng là mức thấp nhất. Các khu vực cà-phê trọng điểm đều tăng giá do lo ngại nguồn cung bị chậm khi liên tục có mưa lớn ở Tây Nguyên.
Trong một diễn biến khác, giá bông tiếp tục giảm hơn 2% về 104,2 cents/pound. Ngoài những lo ngại về dịch bệnh, khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại trong những tuần gần đây, khiến cho thị trường bông mất đi động lực tăng giá. Bên cạnh đó, áp lực thanh khoản của các quỹ khi đã nắm giữ quá nhiều vị thế mua cũng là yếu tố đè nặng lên giá bông.
Giá đường trắng giảm nhẹ trong phiên hôm qua về 484 USD/tấn, còn giá đường 11 không có quá nhiều thay đổi so với phiên trước đó, vẫn duy trì ở mức 18,6 cents/pound. Sự suy yếu của giá dầu thô đang là yếu tố gây áp lực lên thị trường đường, khi sản lượng mía không dùng để sản xuất ethanol có thể làm tăng nguồn cung đường cho niên vụ tới.