Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) giúp tăng đáng kể sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức cũng như khả năng giao tiếp và kiến thức cơ bản của các trẻ điếc; 255 trẻ điếc dưới sáu tuổi tại bốn tỉnh, thành phố của Việt Nam được học NNKH và kiến thức cơ bản qua các giờ học tại nhà và 55 người điếc trưởng thành trở thành hướng dẫn viên dạy trẻ điếc...
Bên cạnh đó, cha mẹ trẻ điếc cũng tham gia NNKH để có thể giao tiếp với trẻ hàng ngày và họ đã tham gia rất tích cực vào hoạt động của cộng đồng người điếc.
Thứ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Trên toàn quốc có khoảng 15.500 trẻ dưới sáu tuổi là trẻ điếc hoặc trẻ nghe khó. Trong số đó, phần lớn trẻ không được tiếp cận với giáo dục mầm non, cha mẹ trẻ cũng không có những hỗ trợ chuyên môn cần thiết. Tuy nhiên, sau ba năm triển khai (2012-2015), trẻ điếc ở độ tuổi mầm non đã được học tập bằng NNKH - ngôn ngữ “mẹ đẻ” của người điếc; Làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và đặc biệt là cha mẹ của trẻ điếc về khả năng học tập, hòa nhập của trẻ điếc và vai trò của ngôn ngữ ký hiệu trong giáo dục trẻ điếc; Đào tạo được một đội ngũ phiên dịch NNKH, người điếc trưởng thành được trang bị kiến thức kỹ năng để hỗ trợ trẻ điếc thông qua kênh NNKH. Ngoài ra, hình thành nhóm hỗ trợ gia đình và trẻ điếc, giúp nâng cao khả năng học tập và hòa nhập của trẻ. Đặc biệt, chuẩn bị hành trang giúp trẻ điếc trước tuổi đến trường có khả năng học tập và hòa nhập trong môi trường giáo dục phổ thông.