Nhìn lại năm 2020

Cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19

Bước vào năm 2020, dịch Covid-19 (được đánh giá là dịch bệnh tồi tệ nhất trong khoảng 100 năm trở lại đây) bùng phát ở nhiều nước đã tác động sâu rộng tới sức khỏe và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu. Tại nước ta, với chiến lược phù hợp và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế.

Triển khai tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất. Ảnh: MINH QUYẾT
Triển khai tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất. Ảnh: MINH QUYẾT

Tinh thần “Chống dịch như chống giặc”
 
 Ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên (ngày 23-1-2020), trên cơ sở kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch SARS (năm 2003), cúm A/H1N1 (năm 2009), Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh. Đáng chú ý, khi tình hình diễn biến phức tạp và lan rộng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn ngay từ rất sớm, mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được thành lập đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân.
 
 Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cấp ủy đảng với sự nỗ lực triển khai của chính quyền các cấp là một nét rất đặc trưng của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc và huy động được sự tham gia của toàn thể người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các biện pháp chống dịch một cách mạnh mẽ, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
 Đã có nhiều biện pháp quyết liệt lần đầu được áp dụng trong công tác phòng, chống dịch như: hạn chế nhập cảnh, tiến tới dừng nhập cảnh đối với tất cả người từ nước ngoài vào Việt Nam, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về, truy vết người tiếp xúc trên diện rộng... Công tác chống dịch đã có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị của Bộ Y tế; giữa Bộ Y tế với các bộ, ngành liên quan và với các địa phương, qua đó đã huy động được sức mạnh tổng lực với sự tham gia, đồng lòng của toàn thể người dân trong việc ứng phó dịch Covid-19. Trong các hoạt động chống dịch, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ và luôn đề cao cảnh giác, triển khai cao hơn một bước so với thực tế cần thiết. Thực tế triển khai hoạt động chống dịch tại các địa phương cũng cho thấy có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đoàn kết, tương trợ giữa các đơn vị trong ngành y tế, giữa các địa phương trong cả nước.
 
 Ngay từ những ngày đầu khi dịch xảy ra, Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý. Bên cạnh đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam cũng đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch cho một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Chúng ta đã quan tâm chăm sóc, điều trị cho người nước ngoài tại Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
 
 Bài học về “thần tốc và truy vết”
 
 Thực tế chống dịch Covid-19 tại Việt Nam ngay từ ngày đầu cho đến nay được các cơ quan chuyên môn đề ra một chiến lược hợp lý và duy trì xuyên suốt, nhất quán và được chứng minh qua thực tiễn là phù hợp và hiệu quả. Chiến lược đó là: “ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả”. Theo PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư (người luôn có mặt ở các điểm nóng của dịch Covid-19), trong chống dịch tại thực địa thì việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo chiến lược “phát hiện; cách ly và khoanh vùng dập dịch” là hết sức quan trọng và đóng vai trò then chốt cho chống dịch thành công. Khi ca bệnh Covid-19 xảy ra trong cộng đồng việc đầu tiên phải làm chính là truy vết tất cả những người tiếp xúc với người bệnh để tổ chức cách ly. Những người tiếp xúc gần với người bệnh (F1), là những người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh và có thể sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng, cho nên việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch với nguyên tắc truy vết là phải “thần tốc và triệt để”.
 
 Theo các nhà dịch tễ, khi truy vết không nên hỏi ngay người bệnh vào chi tiết những người tiếp xúc mà phải xác định các “mốc dịch tễ” trước - bởi đây là những đầu mối dịch tễ lớn sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. “Mốc dịch tễ” chính là những địa điểm/sự kiện mà người bệnh đã đến, đã tham dự trong thời gian từ ba ngày trước khi khởi phát đến khi người bệnh được cách ly y tế. Truy các “mốc dịch tễ” rất quan trọng để từ đó mới truy ra từng cá nhân F1, nếu bị bỏ quên “mốc dịch tễ” thì có nghĩa rất nhiều F1 sẽ bị bỏ sót. Một người bệnh thường đi nhiều nơi, tham gia rất nhiều hoạt động nên có rất nhiều “mốc dịch tễ” ở nhiều địa điểm khác nhau cần phải điều tra. Cho nên để truy vết thần tốc thì nhóm điều tra ban đầu khi phát hiện được các “mốc dịch tễ” phải báo ngay về bộ phận đầu mối bằng mọi phương tiện nhanh nhất. Căn cứ vào các “mốc dịch tễ” nhận được, bộ phận đầu mối ngay lập tức cử nhiều đội truy vết đồng loạt tới các địa điểm có “mốc dịch tễ” để truy vết F1. Trong trường hợp một số “mốc dịch tễ” nằm ngoài địa bàn quản lý thì bộ phận điều phối sẽ liên hệ và thông báo “mốc dịch tễ” cho các đơn vị liên quan để phối hợp điều tra truy vết ngay. Có những “mốc dịch tễ” không chỉ ở một địa phương mà còn liên quan đến nhiều địa phương khác, cho nên phải có sự liên hệ các địa phương để đồng loạt ra quân truy vết F1 tại các mốc dịch tễ đó. Cách làm này đã giúp cho việc truy vết được thần tốc và toàn diện. Còn nếu chỉ cử một đội truy vết làm từ đầu đến cuối thì có thể phải mất vài ngày đến hàng tuần cũng không truy vết xong được F1 và như vậy sẽ không bảo đảm tốc độ của việc chống dịch.
 
 Tập trung cao độ để đạt mục tiêu kép
 
 Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã và đang được kiểm soát tốt. Kết quả đó là tiền đề để Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cả nước đang trong tình trạng “bình thường mới”, nhưng để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép đó cần tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, quyết tâm khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh.
 
 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực. Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cần thực hiện các giải pháp cụ thể như sau: Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng, chống Covid-19, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh (giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai báo y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng; bảo đảm việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng. Tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục triển khai nghiêm việc tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế.
 
 Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng bản đồ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với từng cơ sở y tế, trường học, khách sạn... để các cơ sở tự theo dõi, người dân, chính quyền giám sát thực hiện. Tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K gồm: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, vắc-xin trong nước để tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất, có thể xuất khẩu. Trước mắt, chủ động tiếp cận các nguồn vắc-xin phòng Covid-19 trên thế giới để sớm mua được vắc-xin sử dụng phòng bệnh cho cộng đồng. Mặt khác, rà soát, cập nhật các kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa đông năm nay, Tết dương lịch và Tết âm lịch sắp tới...
 
 Kết thúc năm 2020, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khi số lượng các ca mắc mới tiếp tục tăng ở nhiều nước và đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2. Hơn lúc nào hết, rất cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức quốc tế để thắp lên hy vọng sớm khống chế đại dịch nguy hiểm này.