Báo cáo tại buổi làm việc với Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của bộ, ngày 26-2, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, cho biết, trước tình hình hạn hán nguy cơ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ảnh hưởng đến kết cấu nhiều công trình giao thông, thủy lợi…, UBND tỉnh Cà Mau đã đề xuất phương án đưa nước mặn vào một số tuyến kênh trục vùng ngọt nhằm giảm thiểu thiệt hại do sụt lún đất.
Căn cứ để tỉnh có ý định đề xuất phương án trên là bởi ở vùng mặn, kênh rạch đầy nước nên không có sụp lún xảy ra. Hơn nữa, qua sự cố rò rỉ mặn qua cống Trùm Thuật Nam vào cận Tết Canh Tý, Kênh xáng Trùm Thuật (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) nước mặn dâng lên gần cả mét. Khi ấy, hiện tượng sụp lún đất làm hư hỏng lộ nông thôn không tái diễn dù trước đó xuất hiện khá nhiều.
Cũng theo ông Hải, ngành chức năng địa phương đã lấy ý kiến người dân (được sự đồng thuận hơn 82%), tham khảo nhiều chuyên gia và đánh giá rất kỹ để đưa ra phương án đưa mặn vào kênh trục vùng ngọt. Cụ thể, tại đoạn sụp lún nghiêm trọng trên đê biển Tây (từ Đá Bạc đến Kênh Mới), tỉnh dự tính đưa một lượng nước mặn nhất định vào để đất không còn co ngót và tạo lực phản áp nhằm ngăn chặn sụt lún tiếp. Tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc chạy dọc Kênh xáng Minh Hà cũng thực hiện tương tự. “Tới mùa mưa, tỉnh sẽ tiến hành rửa mặn, hoặc bơm cưỡng bức nước mặn ra ngoài”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lý giải, đồng thời cho biết, phương án đưa nước mặn vào kênh vùng ngọt, cuối buổi họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Tỉnh ủy đã kiên quyết không đồng ý mà phải thay bằng phương án khác.
Hạn hán gay gắt kéo dài từ đầu mùa khô đến nay đã khiến hệ thống kênh, rạch vùng ngọt hóa tỉnh cà Mau khô cạn, kéo theo nhiều hệ lụy. Đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 900 vụ sụp lún, sạt lở đất ven kênh, rạch khô cạn. Trong đó, có những vị trí sụp lún, sạt trượt gây thiệt hại nặng các tuyến đường huyết mạch của tỉnh, như: Tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc; đường trên đê biển Tây... Ngoài gây sụp lún, sạt lở diện rộng, hạn hán, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 41 nghìn ha lúa bị thiệt hại và nguy cơ bị thiệt hại. Trong đó, khoảng 18.000 ha lúa đã bị thiệt hại. Địa phương này cũng đang có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Trước những thiệt hại đã và đang xảy ra, tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét hỗ trợ cho tỉnh hơn 192 tỷ đồng để phòng chống hạn hán, phục vụ sản xuất, sinh hoạt năm 2019 - 2020.
Phát biểu trong buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm vấn đề nước ngọt phục vụ người dân trong mùa hạn hán. Trong bất cứ trường hợp nào, tỉnh cũng không để người dân thiếu nước. Còn trong lĩnh vực sản xuất, tỉnh Cà Mau cần chủ động tái cơ cấu lại cho phù hợp.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, vùng trữ ngọt của Cà Mau phổ biến đang canh tác hai vụ lúa một vụ màu. Kể cả màu cũng phải dùng nước, còn vụ lúa trong mùa khô phải bơm toàn bộ lượng nước trong kênh mương lên.
“Đáng ra, đó là lượng nước để dự trữ. Nếu chúng ta không dùng cho sản xuất, sẽ có nước ngọt bảo đảm đời sống sinh hoạt. Vậy nên, tỉnh có thể phải giãn vụ hoặc chuyển đổi qua cây trồng, vật nuôi khác cho phù hợp”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý.
Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ quan điểm về giải pháp đưa mặn vào kênh trục vùng ngọt để giảm thiểu sụp lún, đó là, T.Ư đã đầu tư không ít tiền để Cà Mau có và giữ được vùng ngọt hóa rộng lớn; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng thấy rõ việc đó và đã xem xét nhiều phía, cân nhắc kỹ và đi đến quyết định thôi phương án đưa mặn vào vùng ngọt. Vì thế, UBND tỉnh nên tính toán bằng phương án khác ít mạo hiểm.