Cà Mau quyết liệt hơn trong giải ngân đầu tư công

NDO -

Trong hai tháng đầu năm 2021, tính đến ngày 24-2 vừa qua, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 167 tỷ đồng, chỉ bằng 5,6% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, kém xa con số giải ngân 16,3% so cùng kỳ năm 2020.

Dự án nạo vét cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) chậm trễ được nêu lên tại hội nghị.  
Dự án nạo vét cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) chậm trễ được nêu lên tại hội nghị.  

Thông tin trên được nêu rõ tại phiên họp trực tuyến kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm 2021 ở Cà Mau, ngày 4-3.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, nguyên nhân khiến vốn đầu tư công năm 2021 giải ngân đạt thấp là do trong hai tháng đầu năm, các chủ đầu tư tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (theo quy định được giải ngân đến hết ngày 31-1-2021).

Cùng với đó, các dự án khởi công mới năm 2021 mới đang ở bước triển khai thủ tục chuẩn bị thực hiện đầu tư (trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng…) nên đến khoảng quý 2-2021 mới khởi công và phát sinh khối lượng để giải ngân.

Liên quan giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho biết, vốn đầu tư công cả tỉnh trong năm 2021 tương đối lớn, đến hơn 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân mới đạt 5,6% là quá thấp.

“Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng dịch vụ du lịch, thương mại đang chậm thì giải ngân đầu công nhanh sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo đà tăng tốc khi kinh tế phục hồi”, đồng chí Lê Quân nhận định.

Trên tinh thần khó ở đâu gỡ đó, ngay từ đầu năm, tại phiên họp trực tuyến, đại diện lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương ở Cà Mau đã thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc; đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém, cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Trong đó có vấn đề nạo vét cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) đến nay vẫn còn chậm.

Tháo gở “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán có kế hoạch giải ngân sớm hơn; thống kê, ban hành kế hoạch theo dõi, đôn đốc gắn trách nhiệm từng dự án để có hướng xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát lại và làm rõ những dự án chậm trễ, xem vướng ở khâu nào để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, kể cả việc truy trách nhiệm cán bộ khiến dự án và giải ngân vốn dự án chậm trễ.