Cà Mau phòng chống cháy rừng mùa khô

Cả tháng qua, Cà Mau liên tục nắng nóng từ 360C trở lên. Đây cũng là cao điểm canh lửa mùa khô tại các cánh rừng ngập ngọt tại địa phương này. Hàng chục nghìn ha rừng đang khát khô theo nắng hạn, nguy cơ xảy ra cháy rất khó lường.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ vào đầu tháng 3/2024.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ vào đầu tháng 3/2024.

Ý thức được hiểm họa chực chờ, lực lượng chuyên trách và các chủ rừng ở Cà Mau luôn sẵn sàng, chủ động điều kiện tốt nhất nhằm giảm mối nguy bất ngờ.

Hơn một tháng qua, ngày nào ban lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp U Minh hạ cũng cắt cử lực lượng tuần tra, kiểm tra công tác ứng trực tại các trạm, chốt canh lửa. Đây cũng là đơn vị được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng ngập ngọt lớn nhất tại Cà Mau với gần 24.000 ha. Đến hết tuần đầu tháng ba, đã có hơn 13.000 ha rừng của đơn vị này cảnh báo cháy từ cấp ba (cấp cao) đến cấp bốn (cấp nguy hiểm).

"Ngày nào cũng có lực lượng túc trực trên các tháp quan sát lửa, nhất là tại năm liên tiểu khu trọng điểm được xác định nguy cơ cao dễ xảy ra cháy, thường từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều mỗi ngày. Hôm nào căng thẳng quá, thời gian trực có thể sớm hơn và kéo dài hơn", Giám đốc Trần Ngọc Thảo chia sẻ.

Vào tận nơi kiểm tra điều kiện ăn ở, sinh hoạt của lực lượng làm nhiệm vụ tại các trạm, chốt quản lý bảo vệ rừng, ông Thảo cho biết, trên lâm phần đã bố trí 26 chòi quan sát lửa cố định, 18 tổ máy bơm với 45 máy bơm nước chữa cháy chuyên dụng cùng nhiều trang thiết bị liên quan phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Thảo cho biết thêm: Vừa qua, ngay khi mưa mới dứt, đơn vị đã đóng hết 17 cống, đập trên địa bàn để giữ nước chống hạn, chữa cháy khi cần thiết. Nắng gắt khiến nước bốc hơi nhanh. Mới kiểm tra lại, mực nước trung bình dưới kênh, rạch chỉ còn từ 1,4-1,58m. Với đà này, hạn thêm một tháng nữa, tình hình sẽ rất căng thẳng.

Giáp ranh lâm phần Công ty là khu vực rừng tràm các xã: Khánh Lâm, Nguyễn Phích, Khánh An (huyện U Minh); Vườn quốc gia U Minh hạ; Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời). Những khu vực trên, đường rừng được liên thông nhau bằng những tuyến lộ bê-tông, lộ nhựa, xe bốn bánh lưu thông thuận lợi. Đây cũng là nỗ lực lớn của Cà Mau trong nhiều năm qua nhằm từng bước hoàn thiện dần hạ tầng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và đi lại của cư dân miệt rừng.

Chỉ riêng tại lâm phần Vườn quốc gia U Minh hạ, đến nay đã có hơn 77 km đường bê-tông, đường nhựa được nâng cấp, đầu tư mới. Gần đây, đơn vị này trang bị nhiều camera giám sát lửa chuyên dụng giúp quan sát bằng hình ảnh khoảng 1/3 diện tích toàn khu. Những "mắt thần" này truyền tín hiệu về Trung tâm kiểm soát phòng cháy, chữa cháy rừng thông qua hệ thống âm thanh và còi báo động, hỗ trợ chủ rừng phát hiện kịp thời điểm phát lửa ở những nơi xa, tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.

"Cũng nhờ camera quan sát tầm nhiệt chuyên dụng và hệ thống camera lắp đặt nhiều nơi trong rừng mà trưa 28/2 vừa qua, lực lượng chuyên trách của Vườn quốc gia U Minh hạ đã phát hiện kịp thời đối tượng N.V.B (sinh năm 1982, ngụ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) vào rừng ăn ong trái phép tại khu vực Đội quản lý bảo vệ rừng T21-90. "Ông N.V.B mang theo đuốc ăn ong, quẹt gas cùng nhiều dụng cụ khác. May mắn là phát hiện kịp thời chứ mùa khô này, chỉ cần sơ suất rớt tàn lửa khi lấy mật ong là thảm họa ập tới tức thì", Giám đốc Vườn quốc gia U Minh hạ Trần Công Hoằng chia sẻ.

Tại Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh hạ rộng hơn 8.500 ha, được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và được bảo vệ nghiêm ngặt. Dù chủ động đắp các cống, đập trữ nước khi mưa vừa kết thúc nhưng hiện tại, hầu hết diện tích rừng tại vườn quốc gia này đã khô hạn. Trong đó, cảnh báo cháy từ cấp ba đến cấp bốn hơn 6.000 ha.

Thời điểm này năm trước, chỉ một diện tích nhỏ chuyển sang báo cháy cấp bốn nhưng năm nay, khô hạn sớm và nước bốc hơi nhanh quá nên cảnh báo cháy cấp bốn hiện đã lên gần 1.500 ha và đang có chiều hướng chuyển sang cảnh báo cháy cấp năm - cấp cực kỳ nguy hiểm, cũng là cấp cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng.

Với 45.600 ha rừng tràm U Minh hạ và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh, Cà Mau là địa phương có diện tích rừng ngập ngọt lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Dù vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đến hết tuần đầu của tháng 3/2024, hơn 29.000 ha rừng hệ ngọt của tỉnh này đã bị khô hạn, trong đó cảnh báo cháy cấp bốn và cấp năm đến hơn 11.000 ha.

Hiện, cảnh báo cháy cấp năm đã hơn 1.400 ha. So với khoảng nửa tháng trước, diện tích báo cháy cấp năm đã tăng gần gấp năm lần, tập trung chủ yếu tại lâm phần các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) và Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ…

Theo dự báo của ngành chức năng, mùa khô 2023-2024 sẽ còn kéo dài thêm khoảng hai tháng nữa, nắng hạn nhiều khả năng còn gay gắt thêm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng.

Ý thức rõ các mối nguy đe dọa đến an toàn của hệ sinh thái rừng ngập ngọt tại Cà Mau, trước khi mùa mưa kết thúc, ngành chức năng tỉnh chủ động đắp 85 cống, đập, bảo đảm trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngành chức năng Cà Mau phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng sớm triển khai các giải pháp phòng chống cháy rừng mùa khô 2024 theo phương châm "bốn tại chỗ"; tăng cường công tác tuyên truyền, ký kết phối hợp với các xã, thị trấn và hàng nghìn hộ dân tại các xã có rừng.

Ông Huỳnh Ngọc Cung, hộ tham gia phòng chống cháy rừng tại ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Mùa hạn nào dân trong xóm cũng ký kết phối hợp chính quyền và chủ rừng tham gia bảo vệ rừng. Chúng tôi cam kết không đốt đồng, không chặt phá cây rừng, không khai thác mật ong và săn bắt động vật hoang dã trái phép, tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng khi được huy động".

Mùa khô 2023-2024, đơn vị quản lý, bảo vệ rừng ngập ngọt tại Cà Mau đã hoàn thiện, bố trí 73 chòi quan sát lửa kiên cố và tạm thời; trang bị 115 máy bơm nước (66 máy công suất lớn), hơn 57.000m vòi chữa cháy, hơn 70 máy ICOM cùng hơn 140 vỏ lãi, xe chuyên dụng… phục vụ phòng chống cháy rừng.

"Trong tình huống nguy cấp, lực lượng chức năng có thể huy động tức khắc từ 400-500 người dập lửa, quyết không để cháy lan, cháy lớn", Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Lê Văn Hải cho hay.

Nhiều năm liên tục, Cà Mau rất ít khi để xảy ra cháy rừng vào những tháng khô hạn. Có được kết quả này, một phần rất lớn nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương có rừng.

Ngành chức năng Cà Mau liên tục tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin giúp các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng thực hiện tốt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đầu mùa khô 2024 đến nay, lâm phần rừng ngập ngọt tại Cà Mau chưa xảy ra cháy.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt lưu ý, dù vẫn trong tầm kiểm soát nhưng các đơn vị chức năng tại địa phương không được lơ là, chủ quan, phải tăng cường ứng trực, tuyệt đối không cho người không có phận sự vào rừng bắt cá, ăn ong; chủ động hỗ trợ nguồn lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho lực lượng canh lửa ở các chốt, trạm.