Điểm thời sự

Bước tiến mới của nền kinh tế Cuba

Bên cạnh những nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19, Chính phủ Cuba cũng rất chú trọng điều chỉnh chính sách phù hợp để phát triển kinh tế. Việc các doanh nghiệp tư nhân vừa, nhỏ và rất nhỏ được chính thức cấp phép hoạt động đánh dấu một bước tiến mới đầy hy vọng với nền kinh tế của “hòn đảo tự do”.

Một cửa hàng sửa chữa điện thoại tư nhân tại Cuba. Ảnh ONCUBA
Một cửa hàng sửa chữa điện thoại tư nhân tại Cuba. Ảnh ONCUBA

Thành lập từ năm 2016, nhưng Công ty phần mềm Dofleini (Dofleini Software) chưa thể phát triển lớn mạnh như mong muốn do những hạn chế trong quy định của Cuba về hình thức lao động tự doanh (thành phần lao động, kinh doanh tư nhân diện cá thể hoặc theo nhóm nhỏ không được công nhận là doanh nghiệp). Việc được chính phủ cấp phép hoạt động mới đây, theo Giám đốc điều hành Carlos Miguel Pérez, như một sự “tái sinh” với Dofleini Software. Mục tiêu mà công ty hướng đến là trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong lĩnh vực phát triển phần mềm, tư vấn công nghệ thông tin và cung cấp giải pháp chuyển đổi kỹ thuật số cho các đối tác khác. 

Theo nhật báo Granma (Cuba), đầu tháng 10 vừa qua, Chính phủ Cuba thông báo lần đầu tiên cấp phép hoạt động cho 35 doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ, sau 52 năm đảo quốc Caribe không có các công ty tư nhân trong nước. Phần lớn các doanh nghiệp này được chuyển đổi trực tiếp từ hình thức tự doanh, còn lại là các cơ sở mới thành lập.

Đáng chú ý, 32 trong tổng số 35 doanh nghiệp trên thuộc sở hữu tư nhân. Đây là hình thức mới xuất hiện trong thành phần kinh tế Cuba và là một phần trong việc thực hiện Hiến pháp năm 2019. Quy mô của các công ty tư nhân mới có thể lên tới 100 thành viên, có quyền tiếp cận các khoản tín dụng và các nguồn tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải được cấu thành dưới mô hình trách nhiệm hữu hạn, đồng thời các hoạt động xuất nhập khẩu cần được thực hiện thông qua một doanh nghiệp nhà nước.
Kinh doanh là một trong những lĩnh vực được Chính phủ Cuba ưu tiên cấp phép. Trong số 35 doanh nghiệp được cấp phép đầu tiên, có 13 doanh nghiệp sản xuất lương thực, 6 doanh nghiệp chế tạo, 3 doanh nghiệp liên quan tới hoạt động tái chế và 3 doanh nghiệp hoạt động trong Khu Khoa học - Công nghệ La Habana. Các doanh nghiệp mới được phân bổ rộng khắp tại 11 trên tổng số 15 tỉnh, thành phố của Cuba. Với lợi thế là trung tâm kinh tế chủ chốt của Cuba, thủ đô La Habana có tới 23 doanh nghiệp được cấp phép trong đợt đầu tiên này.

“Việc hướng tới hình thức quản lý mới sẽ mở ra khả năng cải thiện điều kiện làm việc, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp khác trong ngành”, Carlos Pérez nhận định. Phát triển khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là một phần trong chiến lược hoàn thiện các thành phần kinh tế, đa dạng hóa các hình thức quản lý kinh doanh của Cuba, với mục tiêu giải phóng tiềm năng sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Chia sẻ trên chương trình truyền hình “Bàn tròn” nổi tiếng của Cuba, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Alejandro Gil Fernández khẳng định, chiến lược này không nhằm khôi phục chủ nghĩa tư bản ở Cuba. Cuba cần hướng tới một nền kinh tế hiệu quả, vượt qua tác động tiêu cực của bao vây cấm vận, bảo đảm tạo ra của cải và tài sản phục vụ các dự án phát triển xã hội toàn diện trong tương lai.