Buffalo - xây dựng nhạc kịch dành cho thiếu nhi

Dịp lễ kỷ niệm 30-4, 1-5 vừa qua, nhóm nhạc kịch trẻ Buffalo đã có bốn suất diễn vở nhạc kịch Tấm Cám tại nhà hát Bến Thành. Đây là đợt diễn mở đầu đánh dấu sự hợp tác giữa nhà hát và Buffalo với mong muốn trong tương lai sẽ xây dựng một sân khấu kịch sáng đèn định kỳ hằng tuần tại đây.

Vở nhạc kịch Tấm Cám bước đầu thu hút khán giả.
Vở nhạc kịch Tấm Cám bước đầu thu hút khán giả.

Việt hóa nhạc kịch

Tấm Cám do Nguyễn Khắc Duy, trưởng nhóm Buffalo viết kịch bản và đạo diễn. Một vở nhạc kịch được Việt hóa đầu tư dàn dựng về trang trí sân khấu, trang phục, âm nhạc, các ca khúc hoàn toàn mới, trong đó có những ca khúc mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Phần đầu vở diễn vẫn còn dàn trải, tuy nhiên đoạn sau gây ấn tượng với cách lý giải mới cho câu chuyện cũ. Chuyện cổ tích Tấm Cám dường như chỉ là nguồn cảm hứng để các bạn trẻ phát triển một câu chuyện riêng theo cách kể, cách cảm của mình. Họ đã kể Tấm Cám theo lăng kính của thời đại mới, tươi tắn, nhân văn và có tình có lý hơn. Tấm không mềm yếu, hở chút là… khóc! Khán giả đã bật cười khi Bụt cứ nấn ná chờ Tấm khóc để xuất hiện, đến nỗi ông sốt ruột: “Tại sao con không khóc?”. Tấm ngây thơ hỏi lại: “Tại sao con phải khóc?”. Sự bản lĩnh đó của Tấm có vẻ là lý giải hợp lý cho một cô gái sớm mồ côi cha mẹ, phải chịu sự hành hạ của mẹ kế. Bản lĩnh đó đã giúp Tấm vững chãi vượt qua những trái ngang của đời mình. Cám phiên bản mới cũng không xấu xa. Cô chỉ hơi lười, khờ khạo trước sắp đặt của mẹ.

Biết cách nhào nặn những nhân vật cũ trong một tính cách mới để khi xem khán giả vẫn muốn đi tới cùng một câu chuyện tưởng như đã quen thuộc, Buffalo - những chú trâu trẻ… lì và liều, chứng tỏ sức sáng tạo đầy triển vọng của mình. Chính sức sáng tạo đó mà khi tham gia Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội, xem các tiểu phẩm dự thi của Buffalo người ta đều nhận thấy những ý tứ rất riêng. Lấy nhạc kịch làm chủ đạo, kịch bản biết cách cân bằng chất bi - hài, nhóm đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong đêm chung kết, Buffalo đã giành giải quán quân một cách thuyết phục. NSƯT Kim Xuân - giám khảo cuộc thi bày tỏ: “Tôi rất quý nhóm Buffalo, các em rất tài năng và đam mê nghề. Hiện chưa có nhiều khán giả thích xem nhạc kịch nên thấy các em bền bỉ với loại hình này, tôi thương lắm. Các em làm tôi bất ngờ khi tham gia Cười xuyên Việt vì chịu khó học hỏi, biết đưa vào nhạc kịch nét mềm mại, nhẹ nhàng để gần gũi cuộc sống, công chúng dễ tiếp nhận. Qua từng vòng thi, phong độ của các em rất ổn định, tiểu phẩm dàn dựng có ý tứ, ý nghĩa chứ không phải làm đại, cười nhạt nhẽo”.

Một hành trình mới

Hình thành cách đây 3, 4 năm từ những người trẻ “cuồng” nhạc kịch đến từ Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Gia tài của nhóm tính đến nay đã có kha khá vở diễn như Chicago, High school musical, Vũ nữ, Tuyết Sài Gòn… Đeo đuổi thể loại nhạc kịch vừa kén khán giả vừa tốn tiền, tốn sức đầu tư, Buffalo đã nếm trải đủ để hiểu những khó khăn mình phải đương đầu để giữ lấy đam mê. Thế nên, việc nhóm tồn tại đến ngày nay với gần như đầy đủ những thành viên từ buổi đầu như Hoàng Quân, Diễm Phương, Nhã Uyên, Yến Phạm, Chanco… là bất ngờ với nhiều người.

Khi ban quản lý nhà hát Bến Thành đưa ra đề nghị hợp tác, cả nhóm rất vui mừng dù biết rằng sắp tới mình sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn nữa. Những người trong giới theo dõi và yêu mến hành trình làm nghề của các em tỏ ra vui mừng nhưng vẫn không ít người lo lắng. Bởi mặt bằng Bến Thành đẹp nhưng rộng, nhiều ghế, liệu nhóm sẽ làm thế nào để duy trì và lấp đầy ghế trống trong tình hình sân khấu vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay. Nguyễn Khắc Duy cho biết, sẽ tính phương án khép góc hai cánh khán phòng nhà hát, vì vậy số ghế thu gọn lại chừng 350 ghế. Nếu mỗi đêm bán chừng 300 vé là có thể cầm cự được. Giá vé được tính toán để không đắt hơn những sân khấu khác, chỉ nhỉnh hơn vào dịp lễ, Tết.

Trong những suất diễn Tấm Cám vừa qua, các bạn trẻ không giấu được sự hồi hộp. Mỗi người một tay, không nề hà việc gì, diễn viên có thể rực rỡ xiêm y, nhưng hết cảnh là nháo nhào chuyển cảnh như nhân viên hậu đài. Còn rất nhiều vất vả đang thách thức các bạn trẻ ở chặng đường phía trước. Họ đang lên kế hoạch Việt hoá nhạc kịch với những kịch bản từ kho truyện cổ tích Việt Nam, phát triển những tiểu phẩm gây dấu ấn trong các gameshow như Đoàn lô-tô Năm Phượng, Mình ơi!... thành vở nhạc kịch dài, xây dựng những kịch bản dành cho thiếu nhi…