Brazil kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế

Chứng kiến những đổi thay rõ rệt của đất nước trong năm qua, người dân Brazil bày tỏ lạc quan về triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa của nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin trong năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Bên trong một khu chợ thực phẩm tại thành phố Sao Paulo. (Ảnh LIÊN HỢP QUỐC)
Bên trong một khu chợ thực phẩm tại thành phố Sao Paulo. (Ảnh LIÊN HỢP QUỐC)

Cùng với nỗ lực duy trì những thành tựu quan trọng như kiểm soát tốt thị trường, giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp hay tăng lương cho người lao động, Chính phủ Brazil cũng không ngừng đẩy mạnh các cơ chế hợp tác đa phương trên nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao vị thế quốc gia.

Trong phát biểu mới đây, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các chính sách đổi mới, trong đó chú trọng cải cách thuế theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hơn. GDP của quốc gia Nam Mỹ này trong năm 2023 tăng 3%, cao hơn so mức dự báo 2,4% trước đó.

Năm 2023 cũng ghi nhận mức thặng dư thương mại cao kỷ lục của Brazil, với hơn 98,8 tỷ USD, tăng 60,6% so mức năm 2022. Theo Bộ Thương mại Brazil, thành tựu này đạt được chủ yếu nhờ xu hướng giảm mạnh nhập khẩu, trong khi xuất khẩu tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu của Brazil năm qua đạt mức kỷ lục 399,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm 2022, trong khi nhập khẩu đạt 240,8 tỷ USD, giảm tới 11,7%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Brazil gồm ngô, đậu tương thô và quặng kim loại, với điểm đến chủ yếu là Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nước láng giềng Argentina. Chính phủ Brazil kỳ vọng, mức thặng dư thương mại năm 2024 sẽ đạt khoảng 94,4 tỷ USD, vượt xa mức dự báo khoảng 69 tỷ USD do các công ty tư vấn tài chính quốc tế đưa ra.

Theo báo cáo của Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), tỷ lệ lạm phát ở quốc gia này trong năm là 4,62%, con số thấp nhất kể từ năm 2020. IBGE chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tại Brazil là do chi phí vận chuyển tăng cao, bên cạnh các khoản chi để chăm sóc sức khỏe và nhà đất.

Trong khi đó, sự tăng trưởng đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã giúp đất nước mở rộng nguồn cung, góp phần giúp kiềm chế giá lương thực nội địa.

Không chỉ tập trung giải quyết các vấn đề trong nước, Chính phủ Brazil cũng rất tích cực tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức trong khu vực và quốc tế. Tại cuộc điện đàm mới đây giữa Tổng thống Lula da Silva và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, lãnh đạo hai quốc gia cùng nhất trí tăng cường liên minh chiến lược song phương.

Brasilia và Tokyo cam kết thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn đa phương nhằm đẩy mạnh những giải pháp hòa bình và chống đói nghèo. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực củng cố các cơ chế đa phương nhằm giải quyết những xung đột đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới.

Tổng thống Lula da Silva và Thủ tướng Kishida Fumio đề cập đến khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), gồm các nước Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay. Tuy vậy, hiện chưa có thêm thông tin chi tiết về kế hoạch tiếp cận của Nhật Bản đối với MERCOSUR trong tương lai gần.

Trong năm 2024, Brazil chính thức tiếp quản từ Ấn Độ vị trí Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tổng thống Lula da Silva khẳng định sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm như ứng phó biến đổi khí hậu hay năng lượng tái tạo trong chương trình nghị sự của G20 ở nhiệm kỳ này, đồng thời lên kế hoạch thành lập liên minh toàn cầu chống đói nghèo.

Tại Hội nghị cấp cao MERCOSUR diễn ra vào tháng 12/2023 tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), tổ chức liên kết kinh tế khu vực Nam Mỹ này đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Singapore, đồng thời bày tỏ ý định tăng cường đàm phán với một số đối tác giàu tiềm năng khác ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia.

Trước đó, đầu tháng 1 vừa qua, Đại sứ Brazil tại Syria Andre dos Santos có cuộc trao đổi với Trưởng phòng Thương mại Damascus (Syria) Muhammad Abu Al-Huda Al-Laham về triển vọng nối lại giao thương kinh tế giữa hai quốc gia. Hai bên mong muốn tìm ra hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là mặt hàng cà-phê Brazil.

Phía Syria hy vọng, lịch sử quan hệ tốt đẹp và gắn kết giữa chính phủ và người dân hai nước sẽ là tiền đề vững chắc để hướng tới những thành công trong hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư song phương thời gian tới. Đại sứ Andre dos Santos kêu gọi doanh nghiệp Syria dành thời gian trực tiếp đến thăm và tìm hiểu thị trường Brazil, từ đó định hướng xuất nhập khẩu các mặt hàng, sản phẩm phù hợp năng lực hiện có của hai nước, đồng thời thiết lập các kênh thương mại hai chiều nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các vấn đề phát sinh.