Bồi thường gần 2 tỷ đồng cho người bị bắt giam oan cách đây 43 năm

NDO - Ngày 5/10, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, gia đình ông Võ Tê (người bị khởi tố, bắt giam oan vào năm 1980) ở xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận đã nhận được Quyết định của Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết bồi thường oan sai.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Bình Thuận và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận cùng xin lỗi và trao hoa cho gia đình ông Võ Tê.
Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Bình Thuận và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận cùng xin lỗi và trao hoa cho gia đình ông Võ Tê.

Theo đó, Nhà nước bồi thường thiệt hại cho ông Võ Tê số tiền hơn 1,946 tỷ đồng, bao gồm: tiền thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về tinh thần của người bị oan; cấp dưỡng cho 6 người người con của ông Võ Tê dưới 18 tuổi; cùng chi phí đi lại, gửi đơn thư, thăm thân nhân.

Do ông Võ Tê đã mất, nên ông Võ Ngọc (con ruột ông Võ Tê) đại diện gia đình ông Võ Tê nhận số tiền bồi thường oan sai này.

Quyết định giải quyết bồi thường này căn cứ theo Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Quyết định đình chỉ điều tra bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đối với ông Võ Tê và Biên bản kết quả thương lượng giải quyết bồi thường ngày 12/9/2023. Quyết định được ký ngày 2/10 và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày trao Quyết định cho người yêu cầu bồi thường.

Liên quan đến vụ việc này, trước đó, vào ngày 17/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với gia đình ông Võ Tê, người bị khởi tố, bắt giam oan trong vụ án “Giết người và Cướp tài sản” tại thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vào năm 1980.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ và chứng cứ đã thu thập được đủ cơ sở kết luận ông Võ Tê không phải là người thực hiện hành vi giết bà Phan Thị Khanh (sinh 1954, người địa phương), cướp tài sản. Ông Võ Tê bị khởi tố bị can và tạm giam từ ngày 1/8/1980 đến ngày 30/12/1980 là không đúng quy định pháp luật. Ông Võ Tê bị khởi tố, bắt giam oan.

Bồi thường gần 2 tỷ đồng cho người bị bắt giam oan cách đây 43 năm ảnh 1

Ông Võ Ngọc (bên phải) trao đổi với anh Đỗ Thanh An (con bà Phan Thị Khanh), người đã suốt nhiều năm truy tìm hung thủ giết mẹ mình.

Tại buổi xin lỗi, các cơ quan tố tụng nhận rõ việc ông Võ Tê bị khởi tố và tạm giam oan đã gây tổn thất tinh thần và vật chất cho ông và gia đình, nhiều cơ hội trong cuộc sống của ông và gia đình bị ảnh hưởng, tổn thất, đời sống gặp nhiều khó khăn, phải gánh chịu những mất mát, tai tiếng, thiệt thòi trong quá trình bị tạm giam và trong cuộc sống tại địa phương.

Đồng thời cũng khẳng định, việc bồi thường trách nhiệm nhà nước đối với oan sai, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp sẽ cùng với ông Võ Ngọc, đại diện gia đình tiến hành giải quyết theo quy định.

Trở lại với vụ án ông Võ Tê bị khởi tố, bắt giam oan sai. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 31/7/1980 tại thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) xảy ra vụ án giết người, cướp của. Nạn nhân là bà Phan Thị Khanh, sinh năm 1954, người địa phương. Trên đường đi bẻ ngô về thì bà bị sát hại, cướp đi 1,6 lượng vàng mang theo trong người.

Công an huyện Hàm Tân phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thuận Hải tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xác minh điều tra. Sau đó 1 ngày, vào ngày 1/8/1980, Công an huyện Hàm Tân đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông Võ Tê, sinh năm 1932 (làm nghề thầy lang tại địa phương), trú tại Đội 6, thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải về tội “Giết người, cướp của”.

Đến ngày 30/12/1980, Công an tỉnh Thuận Hải (cũ) ra lệnh tạm tha đối với ông Võ Tê vì “không đủ cơ sở buộc tội”; đến ngày 20/7/1984 ra Quyết định tạm kết thúc hồ sơ. Từ khi được tha về đến khi qua đời (năm 1994), ông Tê vẫn chưa được các cơ quan tố tụng ra Quyết định đình chỉ bị can.