Bồi dưỡng giáo viên góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới

NDO -

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổng kết hoạt động bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông năm 2021 và triển khai hoạt động bồi dưỡng năm 2022.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Trưởng ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Nguyễn Thị Mai Hữu cho biết: Năm 2021, đã có 523/2.188 giáo viên (đạt 23,9%) tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; trong đó có 370 giáo viên thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và 153 giáo viên thi bài thi IELTS. Số lượng nâng được 1 bậc là 118 giáo viên.

Ngoài ra, có hơn 8.300 trên tổng số hơn 8.400 giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm (đạt 99%); trong đó số lượng giáo viên thi đạt là hơn 8.200 (đạt 98,8%).

Học viên bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ được đánh giá năng lực ngoại ngữ cuối khóa bằng hình thức thi trên máy tính; đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cuối khóa không trùng với đơn vị tổ chức bồi dưỡng.

Với các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm, hình thức đánh giá cuối khóa gồm: Bài thi trực tuyến, bài tập dự án, bài tập thực địa.

Là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên Ngoại ngữ, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ chia sẻ: Trường đã tổ chức thành công 32 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm và 11 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ. Kết quả các lớp bồi dưỡng được các địa phương, cơ sở giáo dục ghi nhận. Các khóa bồi dưỡng rất hữu ích cho giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến thời điểm này, các học viên đã ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy và trong công việc.

Khẳng định công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên rất quan trọng, nhất là một số môn học đang thiếu giáo viên như Ngoại ngữ, Tin học, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh cho biết: Phía Đề án Ngoại ngữ quốc gia cần tăng cường phối hợp các đơn vị để công tác bồi dưỡng đạt kết quả, chất lượng cao. Các đơn vị được giao bồi dưỡng cần tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức bồi dưỡng.

Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cần tạo điều kiện tối đa để giáo viên tham gia bồi dưỡng. Có thể vận dụng để có chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên khi tham gia, bồi dưỡng. Đồng thời, hỗ trợ giáo viên học tập, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi, cần triển khai thực hiện giải pháp số hóa tài liệu. Mặt khác, công tác bồi dưỡng nên tập trung vào dịp hè.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ đã xây dựng 9 mô-đun để tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên ngoại ngữ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tất cả giáo viên phải được tập huấn, bồi dưỡng thì mới đứng lớp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho 10 đơn vị tổ chức các lớp bồi dưỡng. Đồng thời, phối hợp 50 Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho hơn 10.500 giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với môn học này.

Trong thời gian tới, ngành giáo dục cần xác định hoạt động bồi dưỡng giáo viên là cơ hội cho việc nâng cao chất lượng dạy học, góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, việc bồi dưỡng cần hướng tới chất lượng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đặt mục tiêu là chất lượng.

Bên cạnh đó, việc biên soạn tài liệu, học liệu phải bảo đảm tốt nhất có thể. Việc lựa chọn đội ngũ giảng viên trực tiếp tham gia bồi dưỡng, tập huấn cần dựa trên tiêu chí: Giỏi, tâm huyết và trách nhiệm. Việc bồi dưỡng phải đổi mới, hấp dẫn; qua đó đánh thức tiềm năng và động lực cho người học. Các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên tham gia bồi dưỡng. Đồng thời, chủ động rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng.