Thông đồng nâng giá đấu thầu để kiếm tiền "thưởng" cho nhau và phù phép làm giả hợp đồng
Trong phần thẩm vấn những hành vi phạm tội chung quanh việc thực hiện dự án Block 140 chỗ, khi được HÐXX hỏi có hay không việc bàn bạc chia tiền, cả Dương Quốc Hà, Nguyễn Quang Thường, Trần Quang đều trả lời loanh quanh
và cố tình đưa ra những lý do để né tránh trả lời thẳng vào câu hỏi. Theo cáo trạng, đầu tháng 11-1999, khi biết tin liên danh PTSC/Corall trúng thầu nhưng chưa được công bố chính thức, Dương Quốc Hà đã thông qua Trần Quang gặp Nguyễn Quang Thường tại khách sạn Sofitel Plaza Hồ Tây (Hà Nội). Với cương vị là Phó Tổng giám đốc phụ trách thương mại của VSP, đồng thời là Phó Hội đồng xét thầu nên Dương Quốc Hà thừa biết giá bỏ thầu mà Nguyễn Quang Thường đưa ra là 15,5 triệu USD quá đủ để trúng thầu, đồng thời Hà cũng chủ động đề nghị và thống nhất với Thường, Quang nâng giá bỏ thầu lên 16,9 triệu USD vẫn bảo đảm trúng, đồng thời đưa ra ý kiến rút phần chênh lệch để chia nhau.
Trả lời trước câu hỏi của HÐXX có hay không việc bàn bạc chia tiền tại cuộc gặp gỡ này, cả Dương Quốc Hà, Trần Quang và Nguyễn Quang Thường đều trả lời quanh co nhưng chính Nguyễn Quang Thường đã thừa nhận chính Dương Quốc Hà là người đặt vấn đề "thưởng". Sau khi liên danh PTSC, Corall được thông báo chính thức trúng thầu, VSP đã ký hợp đồng số 10-632/VSP-PTSC/11-99 với PTSC gồm 40 điều và 27 phụ lục, tổng giá trị 16.997.105,29 USD. Ðể thuận lợi cho việc rút tiền, Trần Quang đã đề nghị Nguyễn Quang Thường phân chia công việc PTSC và Corall thì Công ty Interpet của Quang mới có điều kiện nhảy vào tham gia dự án và mua bán vật tư, thiết bị, lắp đặt cho dự án để rút tiền ra.
Ðáp ứng "nguyện vọng" của Quang, Thường đã chỉ đạo Cao Duy Chính - nguyên Tổ trưởng Tổ hồ sơ dự thầu của PTSC và Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Trưởng phòng Thương mại PTSC cùng Nguyễn Lai Phong, Phó Giám đốc Công ty Interpet Việt Nam trực tiếp đàm phán với Viện Corall, từng bước ép Corall chỉ được thực hiện những phần việc mang tính kỹ thuật, thiết kế. Còn việc mua sắm vật tư thiết bị, thi công và số tiền của dự án thì do Quang và Thường quản lý.
Ðầu năm 2000, mặc dù không đàm phán với Corall nhưng Chính và Hùng đã xây dựng nội dung sửa đổi nguyên tắc đã ký giữa PTSC và Corall ngày 25-5-1999 thành hai bản sửa đổi nguyên tắc đề ngày 10 và 14-11-1999. Từ nguyên tắc phân chia lợi nhuận 60/40 chuyển thành nguyên tắc phân chia công việc 50/50 lời hưởng, lỗ chịu. Kết quả, phần việc của PTSC trị giá 8.273.232,29 USD và phần việc của Corall trị giá 8.723.872,96 USD. "Mục đích của việc sửa đổi nguyên tắc này là gì?".
Trả lời câu hỏi của HÐXX, Nguyễn Quang Thường đã né tránh "- Ðể việc thực hiện dự án được thuận lợi". Còn Cao Duy Chính thì thành khẩn "Bị cáo làm theo sự chỉ đạo của anh Thường", "Tại sao hợp đồng nguyên tắc sửa đầu năm 2000 mà lại đề ngày 10 và 14-11-1999?". Tòa hỏi. Cao Duy Chính đã thật thà thừa nhận "để hợp thức hóa thời gian cho phù hợp hồ sơ dự thầu". Trả lời trước HÐXX, Dương Quốc Hà cũng khẳng định việc sửa đổi nguyên tắc và phân chia tại hợp đồng này chủ đầu tư là VSP không hề được PTSC thông báo và là "bất hợp pháp".
Quá trình thẩm vấn, HÐXX đã làm rõ được hành vi và xác định được vai trò chủ đạo của Trần Quang, Dương Quốc Hà và Nguyễn Quang Thường cùng với vai trò đồng phạm của các bị cáo khác trong việc sửa đổi hồ sơ, nâng giá đấu thầu. Sau khi sửa đổi hợp đồng nguyên tắc giữa PTSC và Corall. Trần Quang đã đạo diễn làm giả Hợp đồng 02-00/PTSC-SERV và các phụ lục hợp đồng trị giá hơn 7,790 triệu USD dưới danh nghĩa Viện Corall và để ngoài sổ sách kế toán, lập chứng từ giả để nâng khống giá trị vật tư thanh toán dẫn đến hậu quả thất thoát 2.288.674,65 USD, trong đó Nhà nước bị thất thu về thuế thu nhập doanh nghiệp là 732.375,89 USD và thiệt hại cho chính PTSC là 1.556.289,76 USD. Thực tế Quang và đồng bọn đã rút ra được hơn 1,2 triệu USD để chia nhau.
Dự án hơn 2,9 triệu USD, làm giả hợp đồng bỏ túi hơn 900 nghìn USD
Sau khi xét hỏi làm rõ hành vi của các bị cáo trong việc làm giả hồ sơ rút tiền chia nhau trong dự án Block 140 chỗ, HÐXX đã tiến hành thẩm vấn Trần Quang, Trần Ngọc Giao và Nguyễn Quang Thường chung quanh việc thực hiện dự án sửa chữa Ballast mỏ Ðại Hùng. Theo cáo trạng, vào tháng 4-2000, khi biết VSP có dự án sửa chữa Ballast mỏ Ðại Hùng, Quang đã báo cho Thường biết và được Thường "chỉ thị" theo dõi, bám sát để tham gia dự thầu. Sau đó, mặc dù chưa có sự ủy quyền của Thường nhưng Quang đã trực tiếp làm đơn dự thầu và tự ký đóng dấu tên mình. Sau khi PTSC trúng thầu dự án này với trị giá 2,9 triệu USD, Thường đã chỉ đạo Quang soạn thảo lại hợp đồng với mục đích bán thầu lại cho Corall, giao tất cả nghĩa vụ quy định tại Hợp đồng số 12-2001 giữa PTSC và VSP trong việc sửa chữa Ballast mỏ Ðại Hùng cho Corall và giữ lại 5% giá trị hợp đồng. Bằng hợp đồng giả số 01-09/Corall-PTSC ngày 20-9-2001 do Trần Quang tạo ra, sau khi trừ chi phí, Trần Quang bỏ túi hơn 900 nghìn USD.
Trước tòa, khi được hỏi về hành vi phạm tội của mình trong dự án này cả Quang và Thường đều trả lời quanh co và đổ vấy trách nhiệm cho nhau, đồng thời cho rằng không hề có hành vi bán thầu "Việc giao lại cho nhà thầu phụ là việc bình thường" Nguyễn Quang Thường đã thản nhiên bào chữa cho hành vi của mình. Trong vụ việc này, Dương Quốc Hà cũng đã khẳng định trước tòa: "Trong hợp đồng giữa VSP và PTSC không có điều khoản quy định cho phép nhà thầu chính giao cho nhà thầu phụ" và "việc thay đổi này phải được thông báo cho chủ đầu tư".
Mặc dù quanh co chối tội và đổ trách nhiệm cho nhau làm giảm tội danh của mình, nhưng quá trình thẩm vấn và những chứng cứ được HÐXX đưa ra tại tòa đã làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Quá trình thẩm vấn các bị cáo cũng như nhân chứng tại tòa trong vụ án này cũng cho thấy một vấn đề nhức nhối được dư luận quan tâm, đó là việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và giám sát đầu tư xây dựng cơ bản còn lỏng lẻo không chỉ trong lĩnh vực dầu khí. Chính những yếu kém và bất cập này đã tạo cơ hội cho các bị cáo trong vụ án có điều kiện làm trái quy định của Nhà nước để tham ô tài sản.
Hôm nay (12-10), tòa tiếp tục làm việc.