Bộ Tư pháp phát hiện 30 văn bản trái pháp luật

NDO -

NDĐT - Ngày 17-10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về kết quả công tác tư pháp quý III và một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016. Theo đó, quá trình thẩm định các văn bản pháp luật, Bộ này đã phát hiện có 30 văn bản trái pháp luật về nội dung thẩm quyền.

Theo ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp, trong quý 3, các bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 13 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội và một đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, trong đó có ba luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 64 văn bản, quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 65 văn bản quy phạm pháp luật và 28 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, trả lời, góp ý 277 văn bản. Bộ cũng đã kiểm tra 715 văn bản gồm 79 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, 636 văn bản địa phương.

Kết quả bước đầu phát hiện 30 văn bản trái pháp luật, về nội dung thẩm quyền. Trên cơ sở kết luận đó, Bộ Tư pháp đã xử lý được bảy văn bản, bảy văn bản khác đã có hướng xử lý và 16 văn bản đang được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Bà Vũ Thị Thu Hòe, lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp cho biết, việc công bố các danh mục văn bản có dấu hiệu vi phạm bộ đã kiểm tra theo quy trình, trình tự kiểm tra văn bản. Bộ đang xem xét để trong thời gian tới sẽ công bố công khai trên trang cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tư pháp cho biết tiếp tục đạt kết quả và từng bước vào cuộc sâu hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Trong quý 3, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 28 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định 121 TTHC, trong đó, đề nghị không quy định 41 thủ tục, sửa đổi 48 thủ tục không hợp lý (chiếm 73,55% tổng số TTHC quy định tại dự thảo văn bản).

Ngoài ra, đã thực hiện thẩm định 37 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định 168 TTHC, trong đó, đề nghị không quy định 37 thủ tục, sửa đổi 93 thủ tục không hợp lý (chiếm 77,38% tổng số TTHC quy định tại các dự thảo văn bản).

Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt phương án đơn giản hóa trên 800 TTHC liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực. Theo tính toán sơ bộ, tổng chi phí tiết kiệm được từ các phương án đơn giản hóa khoảng hơn 400 tỷ đồng/năm.