Bộ trưởng Công thương làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE
Tại buổi làm việc với bà Reem Bint Ebrahim Al Hashimy, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE, hai bên nhận định giữa Việt Nam và UAE còn nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về năng lượng, công nghiệp, thương mại, đầu tư.
Phía UAE cho biết theo thống kê của phía UAE, kim ngạch song phương những năm qua dao động từ 8-10 tỷ USD. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi cấp kỹ thuật để sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 5 và nghiên cứu khả năng ký một số Bản ghi nhớ, thỏa thuận thương mại song phương để tạo cơ chế hợp tác mới thuận lợi cho việc tăng cường trao đổi thương mại các mặt hàng tiềm năng của mỗi bên trong giai đoạn tới, trong đó có mặt hàng dầu thô, xăng dầu, khí đốt và các chế phẩm từ dầu khí.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao bước phát triển thần kỳ và những thành tựu ấn tượng đạt được trong phát triển kinh tế của UAE trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Việt Nam nhập khẩu đến 50-60% nhu cầu trong nước, trong đó một phần nhập khẩu có nguồn gốc từ UAE, nhưng thông qua bên thứ ba. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn được tiếp cận trực tiếp với những đối tác mới tại UAE để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Nhấn mạnh kim ngạch thương mại của Việt Nam trong năm 2021 đã đạt mức cao kỷ lục 670 tỷ USD và trong năm 2022 dự báo sẽ có thể tăng 15% so với năm 2021, Bộ trưởng khẳng định nhu cầu vận chuyển hàng hóa quốc tế của của Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với UAE trong lĩnh vực logistics - là một ngành dịch vụ thế mạnh của UAE hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE hỗ trợ, làm cầu nối để các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác trong vấn đề chứng nhận Halal, giúp Việt Nam khai thác tốt hơn thị trường UAE và các nước Hồi giáo Trung Đông đối với các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm chế biến.
Đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tiềm năng hợp tác với Việt Nam, bà Reem Bint Ebrahim Al Hashimy bày tỏ hoàn toàn ủng hộ những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Bà khẳng định phía UAE luôn coi Việt Nam là một trong những ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với các quốc gia ở phương Đông.
Bên cạnh các lĩnh vực kinh tế, thương mại, bà Quốc vụ khanh đề nghị hai bên tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch… để khai thác tối đa tiềm năng của hai nước. Bà nhấn mạnh hai bên cần sớm triển khai các nội dung hợp tác nêu trên ở cấp kỹ thuật, trước hết là trao đổi, thống nhất kế hoạch sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-UAE trong năm 2022.
Bộ trưởng Công thương làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE
Tại buổi làm việc với Ngài Abdulla Al Saleh, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE, hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế, thương mại và những kết quả đạt được trong lĩnh vực hội nhập kinh tế của mỗi nước. Hai bên chia sẻ mối quan tâm chung về sự cần thiết ký kết một số văn bản pháp lý, thỏa thuận thương mại song phương để thiết lập cơ chế hợp tác thương mại mới, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ trao đổi thương mại giữa hai nước trong giai đoạn hậu Covid-19. Hai bên nhất trí sẽ triển khai sớm trao đổi ở cấp kỹ thuật để nghiên cứu khả năng ký thỏa thuận thương mại song phương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có một số hiệp định FTA thế hệ mới, có tiếp cận thị trường với 65 đối tác, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Bộ trưởng nhận định dư địa cho hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-UAE là rất lớn, tuy nhiên, kim ngạch hai chiều trong thời gian qua vẫn còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, UAE có thể xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu, công nghiệp công nghệ cao sang thị trường Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam mong muốn xuất khẩu nhiều hơn các mặt hàng điện tử, hàng tiêu dùng, các mặt hàng nông thủy sản vào thị trường UAE. Để làm được điều này, hai bên nỗ lực kết nối, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.
Khẳng định Việt Nam hiện đang là một trong những công xưởng của thế giới, Bộ trưởng cho biết Việt Nam có nhu cầu hợp tác rất lớn với các nước trong lĩnh vực logistics để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Vì vậy, phía Việt Nam mong muốn Bộ Kinh tế UAE giúp giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp logistics của UAE.
Về lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của UAE trong ngành năng lượng quốc tế và tiềm năng thúc đẩy hợp tác với UAE trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước, đề nghị phía UAE ưu tiên cung ứng thường xuyên và ổn định xăng dầu, khí đốt và các sản phẩm liên quan cho Việt Nam với giá ưu đãi và chiết khấu hợp lý.
Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE bày tỏ đánh giá cao chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và những kết quả tích cực đạt được.
Ông cho biết, phía UAE cũng mong muốn đa dạng hóa, tăng cường đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên nhờ có môi trường kinh doanh ổn định, những nỗ lực và thành tựu trong đổi mới, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách. Phía UAE đề nghị tổ chức họp trực tuyến ở cấp kỹ thuật để nghiên cứu khả năng ký một số thỏa thuận thương mại song phương.
Bộ trưởng Công thương làm việc với các tập đoàn
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác của Bộ Công thương đã có buổi làm việc với Tập đoàn DP World (một doanh nghiệp hàng đầu của UAE và khu vực Trung Đông kinh doanh trong lĩnh vực hậu cần đa quốc gia, phát triển hạ tầng công nghiệp, giao thông, năng lượng…) và thăm cảng Jebel Ali, Khu thương mại tự do Jebel Ali (JAFZ).
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn DP World, ông Anil Mohta đánh giá cao tiềm năng hợp tác logistics với Việt Nam do Việt Nam là thị trường có tiềm lực lớn về phát triển kinh tế, có vị trí cửa ngõ thuận tiện, có nền ngoại thương mạnh, có thị trường logistics đang phát triển nhanh.
DP World cũng bày tỏ ý định muốn mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng logistics. Lãnh đạo DP World đề nghị phía Việt Nam quan tâm, hỗ trợ giải quyết một số khó khăn trong hoạt động đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Công thương cho biết sẽ chuyển đề nghị này của DP World tới các cơ quan liên quan, đồng thời đề nghị DP World cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn với các cơ quan, đối tác phía Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị DP World và các doanh nghiệp, hiệp hội logistics của Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực logistics để góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu khẩu do cước vận tải hàng hóa tăng cao thời gian qua.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị DP World nghiên cứu các cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh Việt Nam, đầu tư vào những lĩnh vực như hạ tầng logistics (cảng cạn, kho lạnh, trạm trung chuyển hàng hóa…), khu công nghiệp, đặc biệt là ứng dụng IT trong dịch vụ logistics và cung cấp các giải pháp thông minh để hỗ trợ ngành logistics của Việt Nam phát triển hơn, từ đó góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE, cũng như giúp hai nước phát huy hiệu quả vị trí chiến lược là cửa ngõ lưu thông hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.
Bộ trưởng mong muốn Bộ Công thương Việt Nam và DP World sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong triển khai Sáng kiến Hộ chiếu Logistics thế giới (WLP) tại Việt Nam, trong đó có việc tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, phổ biến thông tin về sáng kiến cho các doanh nghiệp, hiệp hội logistics của Việt Nam.
Sau buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn DP World, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các thành viên trong đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại Cảng Jebel Ali, một trong 10 cảng có hoạt động sôi động nhất thế giới.
Trong khuôn khổ chương trình đoàn công tác, đại diện Cục Xúc tiến thương mại và Cục Xuất nhập khẩu đã các buổi làm việc với Tập đoàn Bán lẻ LuLu và Tổ chức Chứng nhận Halal RACS của UAE.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn LuLu, phía Việt Nam đã giới thiệu về tiềm năng xuất khẩu nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua LuLu giới thiệu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đến với người tiêu dùng UAE và Trung Đông.
Phía Việt Nam cũng giới thiệu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhà xuất khẩu Việt Nam tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài cũng như thâm nhập thị trường xuất khẩu như Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài…
Đại diện Tập đoàn LuLu cho biết sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công thương Việt Nam giới thiệu, phổ biến về tiêu chuẩn mua hàng của LuLu cũng như tiêu chuẩn Halal tới các nhà sản xuất, nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam để ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất có thể cung cấp sản phẩm cho LuLu. Ngoài ra, Tập đoàn LuLu khẳng định sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu với các nhà cung cấp tiềm năng của Việt Nam.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổ chức Chứng nhận Halal RACS, hai bên bày tỏ nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trong các hoạt động phổ biến kiến thức về tiêu chuẩn Halal của thị trường các nước Hồi giáo cho nông dân, trang trại, nhà sản xuất và nhà xuất khẩu Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19, RACS sẽ ưu tiên phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam tổ chức các hội thảo trực tuyến.
Ngoài ra, phía RACS thể hiện hoan nghênh và mong muốn tư vấn, cung cấp dịch vụ chứng nhận cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu được chứng nhận về tiêu chuẩn Halal. Tổ chức Chứng nhận Halal RACS khẳng định sẽ sớm tổ chức đoàn công tác sang Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác với các tổ chức chứng nhận của Chính phủ cũng như của tư nhân tại Việt Nam và khả năng mở văn phòng của RACS tại Việt Nam.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại.