Bổ sung đối tượng khen thưởng, hướng về cơ sở

NDO -

Đổi mới tư duy trong công tác thi đua, khen thưởng để hướng về cơ sở, tập trung khen thưởng cho những tập thể nhỏ, những người trực tiếp lao động và bảo đảm tính chất của công tác thi đua là một trong những yêu cầu đặt ra đối với quá trình hoàn thiện Luật Thi đua, khen thưởng.

Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) ngày 28/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) ngày 28/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, ngày 28/10, các đại biểu Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Theo các đại biểu, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, với nhiều nội dung mới để bảo đảm bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị, đồng thời cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước.

Giảm bớt hồ sơ, thủ tục xét khen thưởng

Phát biểu thảo luận tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh, dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, không chỉ gói gọn phạm vi trong bộ máy nhà nước mà bao gồm cả bên ngoài nhà nước. Dự thảo luật đã tháo gỡ vướng mắc, hướng nhiều đến cơ sở, chú trọng khen thưởng những tập thể nhỏ, khắc phục tính hình thức, đồng thời giảm bớt được hồ sơ, thủ tục xét khen thưởng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, luật hiện hành quy định có rất nhiều tài liệu cũng như báo cáo thành tích trong hồ sơ xét khen thưởng. Thực tiễn vừa qua, để thực hiện đầy đủ quy định của luật, không chỉ những người được xét khen thưởng phải tập trung nhiều thời gian để thu thập cũng như hệ thống lại quá trình công tác, mà ngay cả những cơ quan, tổ chức cũng phải tổ chức xét họp nhiều lần, dẫn tới rườm rà về thủ tục và tốn rất nhiều thời gian. Dự thảo luật đã khắc phục việc này bằng cách giảm bớt thủ tục, giảm bớt các thành phần trong hồ sơ xét khen thưởng.

Bổ sung đối tượng khen thưởng, hướng về cơ sở -0

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu ý kiến thảo luân. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để cải tiến hơn nữa về hồ sơ, thủ tục, mở rộng thêm những trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức thủ tục đơn giản, bổ sung thêm những hình thức thi đua mà đã rõ về thành tích, công trạng thì tiếp tục tăng thẩm quyền, đồng thời tăng trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp quyết định hình thức thi đua và hình thức khen thưởng để không nhất thiết mọi việc phải thông qua Hội đồng bình bầu thi đua.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề xuất, luật sửa đổi lần này cần quan tâm, khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất.

Theo đại biểu, cần quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục chủ yếu do cơ quan, đơn vị phụ trách công tác thi đua, khen thưởng hoặc tổ chức phát hiện các nhân tố tích cực cần khen thưởng, nhằm bảo đảm ý nghĩa thật sự trong công tác khen thưởng đột xuất để kịp thời biểu dương, lan tỏa phong trào, tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân được đề nghị.

Khen thưởng theo công trạng, khắc phục tính hình thức

Một vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm trong sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng lần này là làm sao khắc phục được tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng, nhất là trong khen thưởng.

Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), để giải quyết được vấn đề trên, luật sửa đổi cần phải có những quy định rõ, cụ thể, khen thưởng phải dựa trên công trạng của các cá nhân, tập thể đạt được. Theo đại biểu, có như vậy mới thực sự động viên đối tượng được khen thưởng và khích lệ cộng đồng xã hội học tập, phát huy và hướng tới.

Bổ sung đối tượng khen thưởng, hướng về cơ sở -0

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam. (Ảnh: quochoi.vn) 

Do vậy, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại một số quy định trong dự thảo luật để có sự thống nhất giữa nội hàm khái niệm khen thưởng với các loại hình khen thưởng, nếu không sẽ dẫn đến việc khi quy định các tiêu chuẩn cụ thể sẽ mất đi bản chất thực sự của khen thưởng là ghi nhận công trạng. Theo đại biểu, nếu thống nhất được vấn đề này, các điều, khoản quy định cụ thể của phần khen thưởng sẽ cụ thể và rõ ràng hơn.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cũng bày tỏ đồng tình với việc tăng cường mối quan hệ, tạo sự liên thông giữa thi đua và khen thưởng, nhằm động viên, khuyến khích tập thể, cá nhân tích cực phấn đấu tham gia phong trào thi đua. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu ý kiến trong tiêu chuẩn xét khen thưởng, việc lấy danh hiệu thi đua thay cho kết quả phân loại, đánh giá thực hiện nhiệm vụ cần được cân nhắc kỹ.

Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, có một số danh hiệu thi đua được giới hạn tỷ lệ phần trăm nên có thể có trường hợp cá nhân, tập thể được phân loại, đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng chưa có danh hiệu thi đua do giới hạn tỷ lệ phần trăm của danh hiệu thi đua.

Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét, cân nhắc bên cạnh việc bổ sung thêm danh hiệu thi đua là một trong các tiêu chuẩn để xét khen thưởng thì cũng nên giữ tiêu chuẩn phân loại, đánh giá tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ là một trong các tiêu chuẩn xét khen thưởng để vừa khuyến khích tập thể, cá nhân trong công tác thi đua, vừa ghi nhận thành tích của tập thể, cá nhân trong nỗ lực tích cực thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Định lượng tiêu chí thi đua

Để việc thi đua, khen thưởng phải đúng thực chất, không chạy theo thành tích, phong trào, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) kiến nghị cần quy định cụ thể các tiêu chí thi đua, trong đó nên có quy định về vấn đề định lượng việc hoàn thành nhiệm vụ cho các đối tượng tham gia thi đua.

Bổ sung đối tượng khen thưởng, hướng về cơ sở -0

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bình Thuận. (Ảnh: quochoi.vn) 

Đại biểu nêu thực tế hiện nay, qua đánh giá hằng năm, gần như 100% các cấp, các ngành cán bộ, công chức, viên chức đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, một số ít thì hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí không có người không hoàn thành nhiệm vụ và cuối năm ai cũng được lao động tiên tiến, ai cũng được giấy khen. Nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, điều này là không có ý nghĩa cho vấn đề thi đua.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, nên bỏ danh hiệu lao động tiên tiến, chỉ để là lao động xuất sắc, hoặc chỉ nên bình chọn là lao động xuất sắc, hoặc là nên siết chặt các tiêu chí thi đua để đổi mới công tác thi đua đúng thực chất và có ý nghĩa động viên hơn, đúng đối tượng hơn.

Liên quan đến khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn thành tích, tích lũy thành tích, trong sửa đổi luật lần này, dự thảo luật đã quy định thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó. Tuy nhiên, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), các tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo luật vẫn mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao, dẫn đến việc hiểu khen thưởng lần sau bao giờ cũng phải cao hơn lần trước.

Do đó xu hướng dồn lên các hình thức khen thưởng cấp bộ và cấp Nhà nước, khen thưởng nhiều cán bộ lãnh đạo và quản lý, khiến khen thưởng tập thể nhỏ và lao động trực tiếp cũng còn hạn chế. Đồng thời quy định khen thưởng cấp cao phải đạt thành tích liên tục, nếu bị gián đoạn phải bắt đầu lại từ đầu. Điều này không chỉ mang tính cộng dồn thành tích theo thâm niên mà còn làm giảm tính phấn đấu của người lao động, không khuyến khích được sự nỗ lực của cá nhân.

Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn vấn đề này trong dự thảo luật để tạo động lực thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể trong lao động, cũng như có ý thức sáng tạo, vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV