Điều chỉnh hơn 55 triệu đối tượng
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 đã mở rộng diện điều chỉnh. Bộ luật không chỉ giới hạn ở khu vực có quan hệ lao động như trước kia, mà điều chỉnh cả một số nội dung liên quan tới những lao động không có quan hệ lao động, nâng tổng số đối tượng được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động (sửa đổi) lên hơn 55 triệu người.
Đây là những thông tin từ Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019 diễn ra vào ngày 27-11 tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ILO đồng tổ chức trong khuôn khổ năm kỷ niệm một thế kỷ thành lập của ILO, và sẽ trở thành sự kiện định kỳ hai năm một lần.
Các đại biểu tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019.
Diễn đàn Lao động Việt Nam được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam cùng với 184 quốc gia thành viên ILO đang kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ILO (1919-2019). Đây là dịp để các nước cùng nhau nhìn lại những thành tựu mà ILO đã đạt được vì mục tiêu công bằng, xã hội trong suốt chặng đường 100 năm qua; và cùng nhau hướng tới tương lai việc làm tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Diễn đàn năm nay tập trung trao đổi về những chính sách và thực tiễn của Việt Nam trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới, cùng nhau nhận diện những thời cơ cũng như thách thức đặt ra cho tương lai việc làm của Việt Nam. Qua đó, đề xuất những giải pháp để phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, Diễn đàn được tổ chức vào một thời điểm có ý nghĩa đặc biệt, bởi Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng đã được Quốc hội thông qua với số phiếu cao hơn 90%. Đây là dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bộ luật đã tích hợp khá đầy đủ những nguyên tắc của các công ước lao động quốc tế, đặc biệt là các công ước cơ bản của ILO. Với các công ước mà Việt Nam đang còn trong giai đoạn nghiên cứu phê chuẩn, nhưng nếu thấy những nội dung nào phù hợp với thực tiễn nước ta, đều được đưa vào Bộ luật Lao động ngay trong lần sửa đổi này.
Để phù hợp với yêu cầu đặt ra từ thực tiễn quan hệ lao động của nước ta cũng như phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế, Bộ luật Lao động lần này đã có những điều chỉnh quan trọng liên quan tới quyền của người lao động, được thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để tiến hành đối thoại, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động. Đặc biệt, Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ. Đây là vấn đề khó, nhạy cảm đối với bất cứ quốc gia nào. Nhưng các bên trong quan hệ lao động đã trao đổi, tham vấn rất cởi mở trong suốt quá trình xây dựng dự thảo. Với tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, cuối cùng, các bên đã đi đến đồng thuận.
Cùng với quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, Việt Nam cũng đã và đang trong quá trình nghiên cứu để tham gia vào các công ước lao động quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã tham gia vào 24 công ước của ILO, trong đó có sáu công ước cơ bản. Theo kế hoạch, hai công ước cơ bản còn lại của ILO dự kiến sẽ được Chính phủ nghiên cứu, trình lên cấp có thẩm quyền phê chuẩn trong những năm tới.
Cải thiện kỹ năng lực lượng lao động
Việt Nam đang cho thấy sự lựa chọn tương lai việc làm của mình thông qua cải thiện kỹ năng lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội, và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động.
TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết: “Ngày nay, thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi lớn với tốc độ ngày càng nhanh, tác động tới sinh kế của hàng triệu người nam và nữ, cả người sử dụng lao động và người lao động”. Theo ông Chang-Hee Lee, những nhân tố thay đổi chính bao gồm cải tiến công nghệ với điển hình là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống thương mại toàn cầu với độ kết nối ngày càng lớn, già hóa dân số và biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao bền vững trong những năm qua dù bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Đây là kết quả của sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam, quyết định phát triển kinh tế thông qua hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn, kết hợp với những cải cách trong nước.
“Để hiện thực hóa quyết tâm trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần những cải thiện về mặt xã hội song hành với phát triển kinh tế”, TS Chang-Hee Lee nhận định. “May mắn là, Việt Nam đang tiến những bước tiến đúng đắn và quan trọng, thông qua việc cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội, và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động.”
Còn theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu tác động rõ nhất của biến đối khí hậu. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang đe dọa tới sinh kế của hàng chục triệu dân sống ở vùng này, đòi hỏi những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài, để người dân có thể chuyển đổi phương thức nuôi trồng để thích nghi với sự thay đổi này. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dần đưa chuyển đổi số vào các lĩnh vực của kinh tế và đời sống xã hội.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, một trong những vấn đề đáng quan tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Với lực lượng lao động 56 triệu người, Việt Nam trước mắt đang hưởng những thế mạnh của dân số trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề, có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam mới chỉ chiếm 23%, cơ cấu đào tạo nghề lại chưa hợp lý, chưa tương thích với cơ cấu của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng thừa - thiếu lao động cục bộ trên thị trường lao động. Bởi vậy, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những thay đổi quan trọng về chính sách giáo dục nghề nghiệp, để có sự tham gia sâu hơn của doanh nghiệp vào hoạt động dạy nghề, gắn việc học nghề với thực hành tại doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ động của cơ sở đào tạo nghề, bám sát nhu cầu của thị trường lao động.
Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” diễn ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua đã thể hiện cam kết ở các cấp cao nhất của Chính phủ về phát triển kỹ năng. Từ đó, đưa ra phương hướng, chính sách cho một tương lai việc làm tươi sáng hơn, thông qua cải thiện năng suất dựa vào nâng tầm kỹ năng lao động trên cả nước, cũng như phối hợp cung - cầu tốt hơn về kỹ năng.
Cùng với đó, cần phải đổi mới hệ thống an sinh xã hội theo hướng thiết kế hệ thống đa kênh, đa tầng. Trong đó, chú ý những đối tượng yếu thế để sao không để ai bị bỏ lại phía sau. Tiến hành cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng diện bao phủ, thông qua việc kết hợp linh hoạt cả chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mục tiêu phấn đấu là hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ bao phủ 55-60% lực lượng lao động vào năm 2030, và 65-70% vào năm 2050, để bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội.
* [Infographic] Những điểm mới đáng chú ý trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)
* [Infographic] Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu
* Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi)
* [Infographic] Lương cơ sở tăng thế nào 15 năm qua?
* ILO: Bộ luật Lao động sửa đổi giúp người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế