Bộ KH-CN cần cố gắng đi đầu trong minh bạch để tạo cơ chế thúc đẩy sáng tạo

NDO -

Ngày 6-1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận sự chuyển biến trong hoạt động của Bộ KH-CN, đã nhanh nhạy, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm cho đến những nhiệm vụ đột xuất như nghiên cứu sản xuất vaccine, kit thử, phòng, chống dịch...

Phó Thủ tướng dẫn chứng, từ việc thi công những tòa nhà chọc trời, xây lắp những công trình, cây cầu lớn được xây lắp bởi những con người Việt Nam cho thấy năng lực khoa học công nghệ của đất nước đã thay đổi rất nhiều.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, ngành KH-CN chưa có cơ chế vượt trội, việc xây dựng cơ chế đang ách tắc. Bộ KH-CN là bộ quản lý về KH-CN nên phải chính là người đưa ra cơ chế. Quản lý KH-CN có bước tiến dài nhưng vẫn còn lãng phí, còn phân bổ theo kiểu chia đều.

Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ KH-CN cần cố gắng phấn đấu là bộ đi đầu trong minh bạch để tạo cơ chế thúc đẩy sáng tạo trong cộng đồng những người làm nghiên cứu. Nếu công khai tất cả các nghiên cứu khoa học thì sẽ đỡ chồng chéo, thanh tra kiểm toán đỡ vất vả.

Bộ KH-CN cũng chưa kết nối được chặt chẽ giữa các ngành khoa học quản lý, khoa học chính trị, khoa học nhân văn... Vì thế, cần một chương trình nhiệm vụ khoa học tổng thể.

Theo Phó Thủ tướng, vai trò KH-CN ở nhiều địa phương chưa được coi trọng, tiếng nói của sở KH-CN rất yếu. “Những sở nào cảm thấy mình chưa được chú ý thì nên làm việc với Bộ trưởng đưa ra một số thế mạnh KH-CN của địa phương để Bộ tập hợp lại thành nhóm vấn đề cần triển khai. Từ đó, tiếng nói của sở KH-CN của tỉnh đó sẽ mạnh hơn”, Phó Thủ tướng đề xuất.

Bộ KH-CN cần cố gắng đi đầu trong minh bạch để tạo cơ chế thúc đẩy sáng tạo -0
PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng KH-CN phát biểu. 

Phát biểu tại Hội nghị, PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng KH-CN tiếp thu những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đó là Bộ KH-CN cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế vượt trội, tháo những điểm ách tắc và minh bạch hơn nữa trong cơ chế tài chính. Đồng thời, cần tăng cường nghiên cứu khoa học về nhân văn, kinh tế và quản lý. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ làm việc với các địa phương và đặc biệt là các sở KH-CN theo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Trước đó, tổng kết về kết quả công tác năm 2020, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, trong năm 2020 kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động được cải thiện, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).

Để phòng, chống Covid-19, Bộ KH-CN đã phê duyệt 10 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất. Các nhiệm vụ thực hiện nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2; sản xuất kit thử; nghiên cứu phát triển vaccine phòng Covid-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; Nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công sản phẩm robot sử dụng tại các bệnh viện và khu cách ly; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế...

Bộ KH-CN cần cố gắng đi đầu trong minh bạch để tạo cơ chế thúc đẩy sáng tạo -0
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam đứng ở vị trí 42/131 quốc gia, nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 và đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Các kết quả còn được thể hiện trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với các nhiệm vụ nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho Tổ văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; phục vụ chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Các kết quả nghiên cứu cơ bản đã góp phần phát triển một số hướng ứng dụng liên ngành, đa ngành giúp tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 2020, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng gấp 1,4 lần so với năm 2019.

Năm 2020 cũng ghi nhận Việt Nam xây dựng thành công công nghệ điều khiển bay và thu hồi khí cầu tầng bình lưu. Triển khai mạng lưới Intenet vạn vật (IoT) rộng khắp với giá thành rẻ; phục vụ các mục tiêu cứu hộ cứu nạn trên biển và khu vực rừng núi; giám sát hành trình tàu cá xa bờ; thu thập thông tin lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng; dẫn đường thông tin liên lạc cho các tàu đánh cá mà không cần các thiết bị truyền dẫn thông qua vệ tinh đắt tiền và đòi hỏi năng lượng lớn.