Bình Phước phát triển kinh tế hộ gia đình

Trong những năm qua, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn. Trong đó, việc hình thành và phát triển kinh tế hợp tác xã, hay tổ hợp tác đang là hướng đi phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch trái cây tại Hợp tác xã Long Tân (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước).
Thu hoạch trái cây tại Hợp tác xã Long Tân (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước).

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước, đến nay toàn tỉnh có 242 hợp tác xã hoạt động, trong đó có 210 hợp tác xã nông nghiệp. Cũng theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hợp tác xã hoạt động đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực nông thôn gắn với mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hoàn thành xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Đáng chú ý, ngoài giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, các hợp tác xã đã tạo việc làm cho hơn 8.500 người lao động tại địa phương.

Xã Thanh An (huyện Hớn Quản) có nhiều tiềm năng về đất đai để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, với hơn 80% người dân sản xuất nhỏ lẻ, theo lối truyền thống nên năng suất, chất lượng thấp, đầu ra bấp bênh, thu nhập chưa cao. Làm thế nào để ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới là trăn trở của lãnh đạo địa phương.

Để tháo gỡ “nút thắt” này, nhiều năm gần đây lãnh đạo xã đẩy mạnh phổ biến khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng cây, con giống, vận động người dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất.

Năm 2018, Hợp tác xã Chăn nuôi-Dịch vụ Thanh An được thành lập với 11 thành viên tham gia. Những ngày đầu thành lập, đơn vị gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn vốn; bộ máy quản lý, điều hành chưa đồng bộ; kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế… Nhờ kiên trì hoạt động cộng với việc các cấp, các ngành chức năng chung sức tháo gỡ khó khăn, đơn vị từng bước ổn định, hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chăn nuôi-Dịch vụ Thanh An Hà Trọng Hùng chia sẻ: “Những ngày đầu thành lập, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Để khẳng định mình, chúng tôi đi từng hộ tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hội họp, liên kết. Qua đó giúp xã viên thấy được lợi ích khi tham gia hợp tác xã là được hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, góp phần hạn chế nhân công, giảm chi phí, từng bước khắc phục ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và môi trường. Qua một vài niên vụ, các xã viên thấy hiệu quả kinh tế tăng lên, từng bước mở rộng chăn nuôi và đầu ra ổn định. Từ đó, nhiều hộ dân xin tham gia hợp tác xã”.

Một trong những mô hình chăn nuôi hiệu quả nhất hiện nay tại Hợp tác xã Chăn nuôi - Dịch vụ Thanh An là nuôi gà D310 đẻ trứng hồng của nông hộ Nguyễn Văn Hà. Hiện chuồng trại của hộ anh Hà có khoảng 30.000 gà con giống và gà đẻ. Đây là mô hình còn khá mới, trứng gà chất lượng, gà được tiêm chủng đầy đủ nên không lo lắng về dịch bệnh cũng như đầu ra.

Hiện giá bán bình quân 2.500 đồng/quả, sau khi trừ chi phí thu lợi khoảng 40%. Mô hình này của hợp tác xã đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, trên địa bàn xã có hợp tác xã chế biến hạt điều, trồng dưa lưới. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh An Lê Trạc Tịch cho biết, đến nay xã Thanh An đã có ba hợp tác xã, trong đó có hai đơn vị hoạt động rất hiệu quả, liên kết nâng chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên. Đặc biệt, Hợp tác xã sản xuất, chế biến điều Thanh An có sáu sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Còn tại xã Long Tân (huyện Phú Riềng), việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2021. Đáng kể là Hợp tác xã cây ăn trái Long Tân (20 thành viên) và Hợp tác xã sầu riêng Long Phú (14 thành viên) có tổng diện tích 100 ha cây ăn trái các loại.

Chị Nguyễn Kiều Giang, thành viên Hợp tác xã cây ăn trái Long Tân chia sẻ: “Tham gia hợp tác xã, tôi thấy lợi ích trước mắt là được đi tập huấn do ngành nông nghiệp tổ chức để học hỏi về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tham quan những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đồng thời được định hướng sản xuất theo bộ tiêu chí quốc gia, quốc tế. Đặc biệt các xã viên được tìm hiểu, liên kết với các thị trường trên không gian mạng để tìm đầu ra ổn định, bền vững”.

Việc liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác góp phần quan trọng giúp Bình Phước hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 80/86 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, đây là “đòn bẩy” phục vụ nhu cầu hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra ổn định và giảm nghèo hiệu quả.

Tuy nhiên, để hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động một cách hiệu quả, nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất có thu nhập cao, tỉnh Bình Phước cần có giải pháp hỗ trợ đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Bởi hiện nay, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự bền vững, nhiều sản phẩm của hợp tác xã vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường bán lẻ.