Bình Phước đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Bình Phước là địa phương có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, kéo theo đó là sự phát triển ngành công nghệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi. Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng trưởng của ngành nông nghiệp Bình Phước đang đứng tốp đầu của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sầu riêng Ba Đảo ở thị xã Phước Long đang được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.
Sầu riêng Ba Đảo ở thị xã Phước Long đang được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.

Bằng nhiều giải pháp, các sản phẩm của cây công nghiệp ở Bình Phước đang dần xuất hiện ở thị trường các nước châu Âu. Đây là một trong những kỳ vọng để ngành nông nghiệp Bình Phước nói chung và ngành chế biến nông sản Bình Phước phát triển nhanh, bền vững, mang lại nguồn thu xứng tầm với tiềm năng hiện có.

Tái cơ cấu để phát huy thế mạnh

Những năm gần đây, Bình Phước đề ra các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị, gắn với đẩy mạnh bảo quản, chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, quốc gia. Cùng với đó, Bình Phước luôn xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu, để từng bước nâng cao giá trị gia tăng của nông sản; trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới khoa học-công nghệ là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp với ba giải pháp hỗ trợ tổng thể: Quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, định hướng phát triển nông nghiệp với ba nhiệm vụ trọng tâm: Tạo vùng nguyên liệu, chế biến và hình thành liên kết chuỗi với ba ngành trọng điểm: Chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; ba sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Chăn nuôi (lợn, gà), hạt điều, sản phẩm từ gỗ; ba giải pháp hỗ trợ tổng thể: quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu, chính sách thu hút, hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh đã ban hành các đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tăng trưởng hàng đầu

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, hiện nay các loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh gồm cây điều, cao su, tiêu, cà-phê có diện tích gần 420.000 ha. Trong đó, cây điều 149.695 ha, sản lượng hơn 199.000 tấn/năm; cây tiêu 12.953 ha, sản lượng hơn 23.500 tấn/năm; cây cao su 242.961 ha, sản lượng gần 418.000 tấn/năm và cây

cà-phê hơn 14.000 ha, sản lượng hơn 28.800 tấn/năm. Cùng với đó, Bình Phước có hơn 1.000 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các mặt hàng từ cây công nghiệp, doanh thu xuất khẩu chiếm hai phần ba tổng doanh thu. Thị trường xuất khẩu chính của Bình Phước là các nước có FTA với Việt Nam như Hàn Quốc 18%, Mỹ 16%, Singapore 15%, Trung Quốc 13%, Campuchia 12%. Sản phẩm xuất khẩu chính là hạt điều, cao su, gỗ, nông sản (chiếm 48%).

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính nhờ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững đã góp phần giúp Bình Phước duy trì được tính ổn định trong xuất khẩu và duy trì vị thế địa phương đạt giá trị xuất khẩu nông nghiệp trong nhóm dẫn đầu cả nước. Bình quân kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp hằng năm của tỉnh đạt hơn 4 tỷ USD. Riêng năm 2023, với kim ngạch đạt 4,180 tỷ USD, Bình Phước tiếp tục trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước; trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ trọng xuất siêu cao nhất. Đáng chú ý, đề án đã xác định thị trường trọng điểm của các loại cây nêu trên; trong đó, ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, một số quốc gia châu Á và Trung Đông được xem là thị trường tiềm năng của điều nhân, hay hạt tiêu... Trong đó, khu vực Trung Đông, thị trường Halal với quy mô 1,9 tỷ dân đang được xem là còn nhiều dư địa cho nông sản của Bình Phước phát triển.

Ông Phùng Đức Tiến khẳng định: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Bình Phước đã đạt được những thành tựu to lớn và đã có bước phát triển mới khá toàn diện: Năm 2023, GRDP trên địa bàn tăng 8,34% so với năm 2022, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,25%. Với mức tăng trưởng nêu trên, Bình Phước đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, với lợi thế là trung tâm chế biến hạt điều số một thế giới, Bình Phước có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu sản phẩm hạt điều và các loại nông sản hàng hóa khác sang nhiều thị trường tỷ dân và đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững hơn”.

Tiếp nối những kết quả tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu cùng với việc xúc tiến mở rộng thị trường, năm 2024, Bình Phước đặt mục tiêu xuất khẩu 4,56 tỷ USD, tăng 380 triệu USD so với năm 2023. Với kim ngạch đạt 1,18 tỷ USD trong năm qua, đã xuất khẩu đến 59 nước, khu vực và vùng lãnh thổ, ngành điều tiếp tục được kỳ vọng sẽ là đầu tàu cho tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh trong năm nay ■

Hiện nay, Bình Phước quy hoạch diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 10.800 ha; tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng an toàn khoảng 90%; hình thành ít nhất một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng một đến hai vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 1.000 ha-2.000 ha; phát triển 100 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.