Nhân tố quyết định bảo vệ hiệu quả trước các biến thể mới

Tình trạng gia tăng ca lây nhiễm Covid-19 ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang gây lo ngại tới cuộc chiến chống dịch chung. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hối thúc các nỗ lực phân phối công bằng vaccine để ngày càng nhiều người được tiêm chủng ngừa Covid-19, coi đây là "tấm khiên" bảo vệ hiệu quả trước các biến thể mới.

Châu Phi có tỷ lệ người dân được tiêm chủng thấp.
Châu Phi có tỷ lệ người dân được tiêm chủng thấp.

Liên hiệp châu Âu (EU) đã đạt mục tiêu 70% số người trưởng thành tiêm đủ liều vaccine Covid-19, một cột mốc quan trọng trong chiến lược tiêm chủng của EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, đây là thắng lợi lớn của EU sau thời gian đầu đầy khó khăn do thiếu nguồn cung. Sau tám tháng, một số quốc gia châu Âu được đánh giá là tiêm chủng nhiều nhất thế giới như Malta, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia, Đức, Pháp với tỷ lệ từ 65% đến 90% tổng số người dân được tiêm đầy đủ hai mũi.

Tuy nhiên, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge cho rằng, yếu tố dẫn tới số ca mắc và tử vong tăng cao thời gian gần đây tại châu lục là do nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, cùng với tiến độ tiêm chủng có phần chững lại ở một số quốc gia. Ưu tiên hiện nay của EU là đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở tất cả các nước trong khối.

Bên cạnh việc kêu gọi tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại châu Âu, lãnh đạo EU cho rằng, các nước trong khối cần hỗ trợ phần còn lại của thế giới, trong đó tăng cường hỗ trợ nguồn cung vaccine cho các nước nghèo hơn, nhất là tại châu Phi. Trong "bức tranh đa sắc" về tiêm chủng của thế giới, châu Phi vẫn đang chật vật tìm thêm nguồn cung vaccine. WHO cảnh báo, hầu hết các quốc gia châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng cho 10% dân số dễ bị tổn thương nhất vào cuối tháng 9 này, nếu không tăng tốc độ cung cấp vaccine và tiêm chủng.

Pháp và Liên minh châu Phi (AU) đã thiết lập quan hệ đối tác mới, theo đó Pháp sẽ ủng hộ Quỹ Mua lại vaccine châu Phi (AVAT) 10 triệu liều của AstraZeneca và Pfizer trong ba tháng tới. Các quốc gia châu Phi được khuyến nghị cần tập trung thúc đẩy các kế hoạch nhanh chóng tiêm chủng cho hàng triệu người. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, việc miễn cưỡng dùng vaccine, xuất phát từ sự hoài nghi đối với các mũi tiêm từ nước ngoài và lo sợ về tác dụng phụ, có thể kéo dài đại dịch ở châu Phi.

Vai trò của vaccine trong khống chế đại dịch Covid-19 đã được WHO và nhiều quốc gia khẳng định. Tuy nhiên, việc phân phối vaccine công bằng và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vaccine là điều cần thiết trên hết để bảo đảm vaccine được "phủ sóng" rộng rãi, một trong những nhân tố quyết định giúp ngăn chặn đại dịch trên quy mô toàn cầu.