Khủng hoảng tại Afghanistan có nguy cơ vượt tầm kiểm soát

"Cú sốc tổng hợp" từ hạn hán, xung đột, dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế khiến hơn một nửa dân số Afghanistan đối mặt nạn đói ở mức trầm trọng chưa từng có. Liên hợp quốc cảnh báo, nếu không hành động ngay lập tức, khủng hoảng tại Afghanistan có thể nhanh chóng vượt tầm kiểm soát.

Người tị nạn Afghanistan dựng lều tạm tại khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan, ngày 31/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người tị nạn Afghanistan dựng lều tạm tại khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan, ngày 31/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cuộc sống, sinh kế và khả năng tiếp cận lương thực của hơn 22,8 triệu người dân Afghanistan bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa đông này. Các quan chức Liên hợp quốc đánh giá, về quy mô, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Afghanistan nghiêm trọng hơn bất kỳ tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp nào trên thế giới.

FAO và WFP ước tính, cứ hai công dân Afghanistan lại có một người đối mặt khủng hoảng giai đoạn 3 hoặc tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp giai đoạn 4, giai đoạn tiệm cận nạn đói. Giám đốc điều hành WFP David Beasley nhấn mạnh, vào mùa đông năm nay, hàng triệu người Afghanistan sẽ phải lựa chọn giữa di cư hay chết đói, trừ khi các chương trình hỗ trợ bảo vệ mạng sống của họ được triển khai tức thì.

Ðáng chú ý, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tình trạng thảm họa xảy ra. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nếu không được điều trị khẩn cấp, 1 triệu trẻ em tại Afghanistan có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng cấp. Và nếu tình hình an ninh lương thực không được cải thiện, sẽ có tới 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đối mặt nguy cơ suy dinh dưỡng cấp vào cuối năm nay.

Lần đầu tiên, cư dân thành thị Afghanistan cũng chịu tình trạng mất an ninh lương thực với mức độ tương tự các cộng đồng nông thôn. Thất nghiệp tràn lan và khủng hoảng thanh khoản khiến cư dân ở các đô thị lớn, trong đó có cả tầng lớp trung lưu trước đây, có thể đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp.

Tại các vùng nông thôn, tác động nghiêm trọng của đợt hạn hán lớn thứ hai trong vòng 4 năm qua tiếp tục ảnh hưởng sinh kế của 7,3 triệu người vốn sống dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi. Ngoài hạn hán kéo dài và ảnh hưởng của đại dịch, Afghanistan phải đối mặt những biến động trong quá trình chuyển đổi chính trị, gây không ít khó khăn cho việc triển khai hỗ trợ nhân đạo.

Thêm một con số đáng lo ngại nữa, kế hoạch ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc chỉ bảo đảm hỗ trợ được 1/3 nhu cầu cấp thiết hiện nay tại Afghanistan. Người đứng đầu WFP nhấn mạnh, không thể cứu trợ người dân Afghanistan bằng những lời hứa, cam kết phải biến thành hành động. Nếu không có biện pháp ứng phó ngay, thảm kịch toàn diện là điều khó tránh ở Afghanistan.

TRƯỜNG ÐINH