Bình luận quốc tế

Anh “đau đầu” trước cuộc khủng hoảng người di cư

Trong khi đang phải căng mình đối phó “thách thức kép” là dịch Covid-19 và khôi phục đà phát triển kinh tế, nước Anh lại “đau đầu” trước cuộc khủng hoảng người di cư. Có lẽ, chưa bao giờ như lúc này, Luân Đôn lại thấu hiểu cảm giác “cô quạnh” khi không có Liên minh châu Âu (EU) bên cạnh, cùng sức ép hậu Brexit nóng như hiện nay.

Vượt biên trái phép qua eo biển Manche. (Ảnh: Reuters)
Vượt biên trái phép qua eo biển Manche. (Ảnh: Reuters)

Gần hai năm kể từ khi chính thức rời EU, nước Anh vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm các tranh cãi pháp lý với liên minh này. Những vấn đề khiến Luân Đôn đau đầu như Scotland muốn tách khỏi Anh để ở lại “ngôi nhà chung” EU, tranh cãi về quyền tự do đi lại của công dân Anh và EU, mức áp thuế đối với hàng hóa… còn chưa kịp lắng xuống, Luân Đôn đã lại phải lo lắng giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp.

Những ngày qua, eo biển Manche nối Anh với Pháp vốn khá lạnh lẽo trong mùa đông, lại trở nên nhộn nhịp với các chuyến tàu chở người di cư vượt biển từ Pháp sang Anh. Eo biển nổi tiếng này cũng vừa chứng kiến cảnh tượng đau lòng khi chiếc thuyền chở người di cư bị lật, khiến 27 người chết, trong đó có cả trẻ em.

Song, điều khiến giới chức Anh “chạnh lòng” hơn, có lẽ là thái độ lạnh nhạt của EU. Ngay sau vụ lật thuyền, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas tuyên bố, nước Anh phải tự giải quyết các vấn đề liên quan người di cư vì Luân Đôn đã rời khỏi EU. Thậm chí, ông Schinas còn nhắc lại một cách “mỉa mai” về khẩu hiệu của chiến dịch trưng cầu ý dân về Brexit “Chúng ta giành lại quyền kiểm soát”.

Vấn đề người di cư cũng khiến quan hệ giữa Anh và Pháp trở nên căng thẳng. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin tuyên bố, Paris không để Luân Đôn gây sức ép, nhưng sẵn sàng hợp tác với Anh. Song ông vẫn phàn nàn rằng, Pháp đã phải xử lý vấn đề người di cư bất hợp pháp đến Anh từ 25 năm qua và giờ đã đến lúc Luân Đôn phải tự giải quyết.

Phía Pháp cũng “lạnh lùng” bác bỏ đề xuất của Anh đơn phương ép buộc các thuyền chở người di cư quay trở lại Pháp, cho rằng điều này vi phạm luật hàng hải quốc tế và khiến tính mạng người di cư gặp nguy hiểm. Paris hối thúc Luân Đôn thực hiện một lộ trình hợp pháp đối với người di cư xin tị nạn nhằm giúp ngăn cản người di cư có ý định vượt eo biển Manche.

Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho rằng, Luân Đôn cần sự hợp tác của Paris để ngăn chặn dòng người di cư đang tìm cách nhập cảnh trái phép vào Anh.

Anh từng là một thành viên đầu tàu và gắn bó với EU trong suốt 47 năm. Tuy nhiên, sau quyết định chia tay với liên minh đầy bất ngờ, Luân Đôn đang phải thích nghi với việc không có các “đồng đội” bên cạnh, chia sẻ những lúc khó khăn, khi hoạn nạn.

TRẦN MINH