Phê bình dưới sự dẫn dắt của lý luận hay áp đặt định kiến?

NDO -

ND - Lâu nay, về đại thể, có thể thấy phê bình văn học ở Việt Nam có hai xu hướng: một là, đánh giá tác phẩm và hiện tượng dựa vào khả năng cảm thụ của người phê bình; hai là, dựa vào các lý thuyết mỹ học để phán xét giá trị và nhận thức tác phẩm, hiện tượng. Bài viết này đề cập tới xu hướng thứ hai và một số bất cập của nó...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ những năm 30 thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu ở nước ta đã bắt đầu vận dụng các lý thuyết và phương pháp của phương Tây để khảo cứu và thẩm định văn chương. Nhưng việc áp dụng các phương pháp khoa học đôi khi cũng bộc lộ sự lệ thuộc vào lý thuyết mà chưa căn cứ xác đáng vào thực tiễn sáng tác, từ đó ít nhiều đã để định kiến chi phối một số nhận định của mình, dẫn đến những kết quả thiếu chính xác, làm giảm chất lượng, hiệu quả của phê bình. Ở nửa đầu thế kỷ 20, các khiếm khuyết nói trên có thể được biện minh bởi tình trạng non trẻ của khoa nghiên cứu văn học. Nhưng ngày nay, tình trạng phê bình lệ thuộc vào định kiến lý thuyết hình như vẫn đang chi phối một bộ phận trong giới nghiên cứu. Dù việc áp dụng lý thuyết là rất cần thiết, song không phải các lý thuyết đều có thể áp dụng như nhau. Khi áp dụng một lý thuyết, chúng ta nên xem xét thực tiễn văn học để thấy có phù hợp với lý thuyết đó không, nếu phù hợp thì phù hợp đến mức nào.

Chẳng hạn gần đây ở Việt Nam, một số tác giả đã đề cập đến nghiên cứu hậu thực dân trong văn học, có ý kiến nói đến triển vọng của nó ở Việt Nam. Nhưng tôi cũng băn khoăn vì không biết khi nghiên cứu văn học hậu thực dân ở Việt Nam thì nghiên cứu vấn đề gì? Thực tế là văn học hậu thực dân trên thế giới đã xuất hiện ở (và đối với) những nước thuộc địa cũ của Pháp, Anh và Mỹ, đó là những nước vẫn còn giữ lại các thiết chế chính trị, văn hóa của "mẫu quốc", nơi có các vấn đề như: mâu thuẫn giữa các thiết chế với bản sắc dân tộc, tìm lại bản sắc dân tộc sau chế độ thực dân, bởi phần lớn các nước này sau khi độc lập vẫn nằm trong Liên hiệp Pháp hay Liên hiệp Anh. Trong khi đó, Việt Nam đã giành độc lập bằng cách mạng dân chủ, lật đổ chế độ thực dân, thiết lập chế độ mới với các thiết chế chính trị, văn hóa hoàn toàn mới. Vậy với Việt Nam, vấn đề cần giải quyết là xây dựng nền văn học mới hay văn học hậu thực dân? Tại sao gần 70 năm qua chúng ta không đặt ra vấn đề nghiên cứu hậu thực dân trong văn học mà bây giờ lại đặt ra? Nghiên cứu văn học hậu thực dân ở Việt Nam hiện nay, nếu có thì có xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn hay là một sự áp đặt của lý thuyết bên ngoài? Việc xác định vấn đề như vậy là rất quan trọng. Ðó là chưa kể nhiều người còn hiểu sai những khái niệm chủ chốt nhất của lĩnh vực nghiên cứu này: hai thuật ngữ tiếng Anh Postcolonialism và Orientalism được dịch là "chủ nghĩa hậu thực dân" và "chủ nghĩa phương Ðông". Trên thực tế không có "chủ nghĩa" hậu thực dân và "chủ nghĩa" phương Ðông. Postcolonialism chỉ có nghĩa là "nghiên cứu hậu thực dân" (hay "nghiên cứu hậu thuộc địa"); còn Orientalism có các nghĩa: "phong cách phương Ðông", "phương Ðông học" (hay "nghiên cứu phương Ðông"). Trong các ngôn ngữ phương Tây, hậu tố "ism" trong nhiều trường hợp không có nghĩa là "chủ nghĩa".

Rồi lại thấy rộ lên câu chuyện văn học nữ quyền. Ở phương Tây, phong trào nữ quyền thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong chính trị - xã hội, như đòi quyền tham gia chính trị của phụ nữ mà ở nhiều nước hiện nay vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Còn trong văn học, phong trào nữ quyền ở phương Tây hiện nay chủ yếu thể hiện ở việc phát hiện, phục hồi và quan tâm đến tác phẩm của các nhà văn nữ. Vậy với Việt Nam, cũng xuất hiện những băn khoăn: Chúng ta có vấn đề nữ quyền trong một số lĩnh vực xã hội, nhưng trong văn học thì sao? Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề gì? Hình ảnh người phụ nữ đã xuất hiện từ buổi đầu của lịch sử văn học trên cả phương diện đối tượng lẫn chủ thể sáng tác, điều này trên thế giới và ở Việt Nam thời nào cũng có. Nhưng có phải cứ viết về phụ nữ thì là văn học nữ quyền không? Có phải hễ cứ nghiên cứu về phụ nữ trong văn học là phê bình nữ quyền hay không? Thực tế là, phải có vấn đề liên quan đến quyền của phụ nữ thì mới có thể nói tới nữ quyền trong văn học. Hiện nay ở nước ta mới chỉ có giới thiệu các bài viết của nước ngoài về nữ quyền mà chưa thấy nói văn học nữ quyền ở Việt Nam là gì. Phải chăng vì nó không có vấn đề nên người ta không nói ra, mà không có vấn đề thì không thể nghiên cứu. Như vậy, nếu không xác định được vấn đề thì việc nghiên cứu nữ quyền trong văn học chỉ là gắn một cái "nhãn" mới cho những công việc vẫn làm lâu nay, hoặc là du nhập vấn đề nữ quyền của phương Tây vào nước ta một cách gượng ép. Cái đó trong khoa học người ta gọi là "ngụy vấn đề". Từ ngụy vấn đề đến ngụy khoa học chỉ là một bước nhỏ, đó là điều cần cân nhắc.

Và mới đây, dựa vào các lý thuyết mỹ học mới, có ý kiến cho rằng đang xuất hiện một xu hướng mới trong tiểu thuyết lịch sử, đó là trở về với "tiểu tự sự", với văn hóa dân gian, với đời thường; từ bỏ diễn ngôn "đại tự sự" chính trị, để chuyển từ cấp vĩ mô của các vĩ nhân và quốc gia đại sự sang cấp vi mô của các cá nhân dân thường. Ðối chiếu với thực tiễn sáng tác tiểu thuyết lịch sử trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chúng tôi thấy có điều muốn trao đổi. Thực tế cho thấy từ thế kỷ 19, tiểu thuyết lịch sử của các nhà văn lãng mạn thế giới đã có hai xu hướng khá rõ rệt: Một bên là loại tiểu thuyết viết về các nhân vật lịch sử, các vua chúa, hoàng hậu và chuyện quốc gia đại sự; một bên là loại tiểu thuyết lịch sử viết về các giai đoạn lịch sử nhưng lại lấy những con người rất đời thường làm nhân vật trung tâm và đưa họ ra tuyến đầu của tiểu thuyết. Trong số các nhân vật đời thường này, thấy có những anh hùng "thảo khấu truyền thuyết" như Robin Hood, có những người Digan, thằng gù, những kẻ trộm cắp, những trẻ em đường phố, những kẻ làm thuê, và nói chung là "những người khốn khổ", v.v. Có thể nói, trong tiểu thuyết lịch sử của chủ nghĩa lãng mạn cũng đã hình thành xu hướng đề cập đến những con người bình thường, chứ không phải chỉ nói về các nhân vật vĩ nhân và chuyện quốc gia đại sự.

Trong khi đó, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam cũng đã có một truyền thống hình thành từ cuối thế kỷ 17. Truyền thống này có xu hướng viết về các nhân vật lịch sử, các vĩ nhân. Tất nhiên nhân vật quần chúng vẫn được mô tả làm nền. Nhưng điều quan trọng là các tiểu thuyết lịch sử đó đều viết về những chuyện quốc gia đại sự, các chuyện chính trị và vận mệnh của đất nước. Ðến thời hiện đại, Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người đầu tiên tiếp nối xu hướng lịch sử nói trên. Trong những năm 40 của thế kỷ 20, ông đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết lịch sử: Ðêm hội Long Trì (1942) và An Tư (1944). Ngày nay tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại vẫn tiếp nối xu hướng viết về các vĩ nhân và chuyện quốc gia đại sự. Từ các bậc vua chúa như Lý Công Uẩn và các vị vua đời Lý khác đến các vua quan tướng lĩnh đời Trần, đến dòng họ nhà Hồ, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, các vua chúa triều Nguyễn..., các nhân vật lịch sử thời hiện đại như Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh,... vẫn đang trở thành đối tượng quan tâm của các tiểu thuyết gia lịch sử như Ngô Văn Phú, Sơn Tùng, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Ðình Danh, Nguyễn Quang Thân..., mà nếu chỉ tính những tác phẩm mới nhất thì cũng có thể kể ra một loạt tiểu thuyết điển hình như Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Ðình Danh, bộ sáu tiểu thuyết Bão táp triều Trần và bộ bốn tiểu thuyết Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, và gần đây nhất là tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi, Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam,... Những đối tượng được đề cập đều là các vĩ nhân, và độc lập dân tộc đối với họ chính là chuyện quốc gia đại sự. Hiện tại các đối tượng đó cùng với các sự kiện quốc gia đại sự không chỉ là mối quan tâm của các tiểu thuyết gia lịch sử, mà còn là đối tượng quan tâm của toàn xã hội Việt Nam đương đại. Gần đây, một loạt tiểu thuyết lịch sử đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và của các tổ chức xã hội khác. Trong các tác phẩm đó, chính trị luôn là chủ đề trọng tâm và hấp dẫn các nhà văn. Có thể thấy tư duy, diễn ngôn chính trị xuất hiện dồn dập trong tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Phạm Ngọc Cảnh Nam...

Như vậy, tiểu thuyết lịch sử trước đây không chỉ viết về các nhân vật lịch sử và chuyện quốc gia đại sự mà bỏ quên con người bình thường; cũng như tiểu thuyết lịch sử ngày nay cũng không từ bỏ các vĩ nhân để chỉ viết về dân thường. Trên thực tế, tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng luôn coi chính trị, các vĩ nhân và chuyện quốc gia đại sự là đề tài hấp dẫn nhất, kể cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Bởi lẽ, chính trị liên quan đến vận mệnh của mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Các nhà văn lớn trên thế giới đều là người luôn quan tâm đến chính trị. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã trở nên nổi tiếng chính vì khai thác đề tài chính trị. Còn chuyện đời thường thì trong bất cứ tác phẩm tiểu thuyết nào và ở bất cứ thời nào cũng có, vì đó chính là một phần da phần thịt của tiểu thuyết. Cho nên, tiểu thuyết lịch sử ngày nay nếu có viết về đời thường thì cũng là chuyện rất bình thường và xưa cũ. Có lẽ nên nói việc trở về với cá nhân đời thường chỉ là xu hướng bổ sung chứ không thay thế và không loại trừ diễn ngôn chính trị, hoặc loại trừ chuyện quốc gia đại sự...

Tóm lại, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình văn học, việc dựa vào lý luận hay lý thuyết là rất cần thiết, nhưng lý luận phải xuất phát từ thực tiễn sáng tác văn học và trở lại lý giải, phục vụ thực tiễn, không nên gò ép áp đặt cho thực tiễn. Xa rời thực tiễn sáng tác, áp đặt định kiến lý thuyết sẽ có nguy cơ dẫn đến kinh viện hóa hoạt động nghiên cứu văn học và biến công việc phê bình văn học thành một câu chuyện diễn ngôn thuần túy tư biện.