Một xu hướng không thể chấp nhận khi nghiên cứu dân tộc

Trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế, câu hỏi về văn hóa, về căn cước văn hóa dân tộc thường xuyên trở đi trở lại trong sự tự vấn của cộng đồng, và ở Việt Nam cũng vậy. Từ sự hỗ trợ của một số lý thuyết khoa học, câu trả lời có thể sẽ ngày càng sáng tỏ hơn, tuy nhiên, không phải là lý thuyết nào cũng đưa tới đáp án tích cực, chẳng hạn như lý thuyết "cộng đồng tưởng tượng"...

Cùng với sự phát triển của tiến trình dân chủ hóa xã hội, trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta hiện nay, việc nhiều vấn đề đã hình thành hoặc đang tồn tại như một hình dung tương đối ổn định được tái thảo luận đã trở nên tương đối phổ biến. Tuy nhiên, đằng sau công việc tưởng như hết sức bình thường đó lại đang xuất hiện không ít dấu hiệu của những xu hướng rất bất bình thường. Có thể coi bài Trung Hoa có nhiều điều khác người Việt đăng trên ấn phẩm Tia sáng của Bộ Khoa học và Công nghệ cuối năm 2013 vừa qua, sau đó được một số báo điện tử khác đăng lại, là một thí dụ.

Thoạt đọc, thì đây là một bài viết hết sức bình thường, khi đặt người Việt Nam bên cạnh người Trung Quốc để tiến hành một so sánh dường như là về căn cước văn hóa của người Việt và người Hoa. Bài viết được bắt đầu bằng một nhận định dễ có thể nhận được sự đồng cảm, song lại thật sự đáng ngờ: "Nếu bạn gặp một ai lần đầu ở xứ lạ, mà người đó bảo bạn rằng bạn là người Việt, không phải là người Hoa, thế mà thật sự đúng là như vậy, thì người đó quá là tài!". Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là với sự phát triển của kinh tế Đông Á vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, người Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, cả với tư cách khách du lịch lẫn nhà đầu tư, hay chuyên gia kỹ thuật, chính vì vậy việc nhầm lẫn giữa người Việt Nam với người ở các quốc gia này là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều không bình thường là người viết lại dựa vào một thực tế mang tính kinh tế - xã hội - văn hóa làm điểm tựa cho hệ thống luận điểm, có thể nói là rất đáng quan ngại, của bài viết.

Nhằm xây dựng lô-gic triển khai bài báo, người viết mở đầu bằng một loạt sự tương đồng giữa người Việt Nam và người Trung Quốc, những tương đồng không thể phủ nhận khi văn hóa Việt Nam từng có lịch sử chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc giống như những dân tộc Đông Á khác, để triển khai cái ý về sự giống nhau giữa "người Việt và người Hoa, cả về thể chất lẫn tinh thần". Tuy vậy, luận điểm về sự tương đồng đó chỉ là phần nhỏ, phần lớn của bài báo lại là phần người viết chứng minh những điểm người Việt khác người Hoa. Đó là việc cho rằng, người Việt không có tinh thần "nhắm tới tự quyết tinh thần" (nói thẳng ra là chê trách người Việt chỉ biết du nhập, làm nô lệ cho những học thuyết ngoại nhập), "tinh thần thực dụng" (nghĩa là chê trách người Việt viển vông, giáo điều), "bao dung vì lợi" (người Việt ham nghĩ đến lợi nhỏ, không nghĩ đến các lợi ích lớn), "chép sử kỹ càng" (nghĩa là người Việt không có nền sử học có giá trị, chỉ biết sùng bái mù quáng các vĩ nhân)...(!)

Chưa nói việc các luận điểm trên được chống đỡ bằng những lập luận hết sức đáng ngờ, như khen ngợi người Hoa "không mang tên vĩ nhân của họ ra đặt cho các địa danh lớn, họ hiểu rằng điều đó không được an bền, và không lấy được lòng người trong dài lâu" trong khi điều này đã thành thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Dùng một loạt dấu hiệu mang tính kinh nghiệm để chứng minh sự tương đồng văn hóa giữa người Việt và người Hoa, sau đó tác giả lựa lọc một số điểm "lớn" trong bản sắc văn hóa của người Hoa (nhiều điểm rất đáng ngờ như các "thành tựu" trong công cuộc viễn chinh xâm lược chẳng hạn), những yếu tố mang tính đặc thù của dân tộc Trung Hoa hình thành nhờ các đặc điểm riêng của dân tộc này rồi chứng minh rằng người Việt không thể có được những điểm "vĩ đại" đó. Lô-gic đó, không có gì khác, chỉ có thể dẫn đến kết luận rằng người Việt chỉ là một phiên bản "bằng máy xấu, giấy xấu" của người Hoa. Người viết dường như quên mất một điều rằng, mỗi dân tộc là một thực thể có tính đặc thù, duy nhất, mà các điểm tích cực hay tiêu cực là sản phẩm riêng được tạo nên bởi hoàn cảnh riêng. Mỗi dân tộc đều có các điểm tích cực và tiêu cực riêng nên nếu như ở dân tộc A có những yếu tố tích cực mà dân tộc B không có, thì cũng lại có một thực tế là dân tộc B có những yếu tố tích cực riêng mà khó có thể hiện diện trong bản sắc của dân tộc A. Chính vì vậy, việc nhận thức bản sắc dân tộc chỉ có nghĩa khi phân tích trong lô-gic nội tại của chính dân tộc đó. Những so sánh hơn kém chỉ có thể dẫn đến cái nhìn mang tính kỳ thị. Điều đáng ngạc nhiên là thứ lô-gic có tính kỳ thị và phản khoa học đó lại xuất hiện ở một tờ báo của một Bộ chuyên về khoa học. Nên không ngẫu nhiên, trong bốn comment dưới bài viết này sau khi đăng trên Tia sáng,thì có tới ba ý kiến cho rằng: "Tôi thật sự không hài lòng về rất nhiều điểm được tác giả đề cập trong bài báo này. Nếu những người thiếu bản lĩnh khi đọc nó tự nhiên họ hình thành suy nghĩ rằng dân tộc Việt Nam là thấp hèn còn Trung Quốc là đế vương. Tôi không cho rằng điều đó là đúng. Có nhiều nước lớn nhưng cũng có nhiều nước nhỏ, mỗi quốc gia đều có quyền tự hào về dân tộc mình, đất nước mình. Đây là điều quan trọng để giữ chủ quyền và độc lập dân tộc".

Đằng sau câu chuyện so sánh này, dường như còn cho thấy một xu hướng khi thì "thấp thoáng", khi thì lại "rõ nét", trong đời sống học thuật của chúng ta hiện nay? Nhân danh tìm kiếm chân lý, một số nhà khoa học đang có xu hướng lật lại các vấn đề lịch sử với tinh thần phê phán. Điển hình nhất là việc một số nhà khoa học ở trong cũng như ngoài nước đang nhân danh lý thuyết về "cộng đồng tưởng tượng" của Benedict Anderson để "phân tích" lại một loạt các yếu tố văn hóa dân tộc, từ các huyền thoại về Quốc tổ đến những yếu tố huyền tích về các nhân vật lịch sử. Theo sự hình dung có phần cực đoan của lý thuyết này, các căn tính (identity) của một dân tộc không phải là một thực thể tồn tại một cách hoàn toàn khách quan, tự nhiên mà là những "tạo tác văn hóa có tính nhân tạo". Nói đơn giản, theo lý thuyết "cộng đồng tưởng tượng", căn tính dân tộc không phải là một yếu tố được hình thành một cách khách quan, lịch sử, không phải là kết quả của sự tồn tại của một cộng đồng người trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, mà là các yếu tố được "bịa" ra, được tưởng tượng nên, dưới sự chi phối của quyền lực. Lô-gic đó cũng giống như việc coi tính cách của một con người không phải là sản phẩm tự nhiên, kết quả mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh cộng đồng nó là thành viên, mà là một cái gì đó mà người ta dựng lên, bịa ra, đến một lúc con người đó tin rằng đó là tính cách của mình. Và một trong những sản phẩm của sự bịa đặt đó chính là những huyền thoại, những huyền tích trong lịch sử được kiến tạo nên để làm công cụ cho việc liên kết dân tộc!

Theo xu hướng ấy, gần đây một số huyền thoại, huyền tích về sự lập quốc của người Việt Nam, ý thức về nền độc lập, thậm chí cả tinh thần yêu nước, đã được một số tác giả ở trong và ngoài nước xem xét mổ xẻ, rồi chỉ ra rằng đó chỉ là những tạo tác được xây dựng dựa trên chất liệu lấy từ lịch sử, văn hóa Trung Quốc. Tạm chưa bàn đến tính chất cực đoan trong việc khi tuyệt đối hóa quan hệ giao lưu văn hóa với Trung Quốc, thì lô-gic của các thứ lập luận này đã ẩn chứa một tinh thần kỳ thị chủng tộc, một thứ chủ nghĩa thực dân văn hóa kiểu mới. Những người chủ trương thứ lý thuyết này dường như không quan tâm (hay cố tình không quan tâm) tới sự phân biệt giữa tính quốc gia và tính nhân loại. Có những giá trị mà khi đạt tới mức độ nào đó đã trở thành một di sản mang tính nhân loại, mà Kitô giáo là một thí dụ. Vì khó có thể coi việc nhiều quốc gia trên thế giới tiếp nhận Kitô giáo là đã bị cuốn vào vòng ảnh hưởng Do thái. Việc người Việt Nam tiếp nhận các tư tưởng, các yếu tố văn hóa, tôn giáo từ Trung Quốc với tư cách các giá trị mang tính toàn nhân loại không có nghĩa người Việt Nam không có ý thức về sự phân biệt giữa người phương nam và người phương bắc, không có ý thức về sự phân biệt giữa các triều đại phương bắc với các triều đại phương nam. Rõ ràng, từ góc nhìn khoa học, phía sau lập luận đó là một thứ tinh thần kỳ thị sắc tộc, một thứ chủ nghĩa thực dân kiểu mới về văn hóa với sự hình dung về "dân tộc thượng đẳng" và "dân tộc hạ đẳng".

Những vận động trong đời sống học thuật của xã hội hiện nay đang ngày càng cho thấy các biến chuyển theo hướng dân chủ hóa đời sống học thuật của chúng ta. Vấn đề là khi các lý thuyết, quan niệm từ nước ngoài được tiếp thu một cách sống sượng, thiếu tinh thần khách quan khoa học, vận dụng để phê phán một cách thiếu thiện chí, thì đằng sau một số biểu hiện tưởng như bình thường, rất có thể ẩn giấu những khuynh hướng tai hại, mà biểu hiện cao nhất của nó là bôi nhọ, hạ thấp truyền thống văn hóa, phổ biến tâm lý và thái độ nhược tiểu văn hóa, rồi có thể từng bước tiến tới phủ nhận các giá trị đương đại.