Khoa học và ngụy khoa học

Trong xã hội hiện đại, vai trò, nhiệm vụ của nghiên cứu khoa học là vô cùng to lớn, đem lại nhiều nguồn lợi trực tiếp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số vấn nạn trong khoa học ở Việt Nam gần đây cho thấy đang xuất hiện những hiện tượng cần sớm khắc phục.

Dù không đem lại lợi ích trước mắt, và không phải khoa học cơ bản nào cũng là nền tảng của khoa học ứng dụng, thì các kết quả nghiên cứu vẫn có ý nghĩa quan trọng với đời sống. Trong bài viết Vai trò của khoa học cơ bản (Thanh Loan lược dịch), tác giả L.Xmít (Llewellyn Smith) đã chỉ ra những mặt tích cực không thể đo đếm bằng hiện vật của khoa học cơ bản trong đời sống nhân loại hiện nay, đó là "những đóng góp cho văn hóa, tiềm năng tạo ra những phát hiện có giá trị kinh tế to lớn và quan trọng trong đời sống thực tiễn, những phát hiện ngoài dự kiến (spin-offs) và tác động kích thích nền công nghiệp và giáo dục". Ở nước ta mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng trong nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn có kế hoạch cụ thể để đầu tư phát triển các ngành khoa học cơ bản bên cạnh khoa học ứng dụng. Cho dù sự đầu tư đôi khi còn chưa hợp lý, chưa phân bố cân đối giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhưng vẫn chứng tỏ nỗ lực không nhỏ ở một nước đang phát triển như Việt Nam. Vượt qua khó khăn, một số nhà khoa học của Việt Nam đã gặt hái những thành tựu không chỉ ở phạm vi quốc gia, trong khu vực, mà còn trên phạm vi thế giới.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào thực trạng khoa học cơ bản ở Việt Nam hiện nay, khi mà tình trạng sao chép, cóp nhặt công trình khoa học của người khác, và một số hiện tượng khác vẫn đang tồn tại. Tình trạng này không chỉ cho thấy phần nào sự yếu kém về tài năng và đạo đức của một số người nhân danh làm khoa học, ảnh hưởng tới sự phát triển của khoa học mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín về khoa học của đất nước. Trong tiểu luận Chống gian dối, bảo vệ liêm khiết khoa học, GS Hoàng Tụy đã trình bày khá cụ thể hiện tượng "đạo văn" trong nghiên cứu khoa học nhưng khi truy tìm nguyên nhân, ông cho rằng, hiện tượng này "còn do nhận thức chưa đúng đắn, chưa chặt chẽ về đạo đức nghề nghiệp, hay do trong một vài ngành chưa có chuẩn mực rõ về cách viết, cách công bố một công trình nghiên cứu khoa học. Nhiều người đạo văn dù biết rõ hành vi đó cũng xấu xa như ăn cắp, nhưng cũng nên tin rằng có người khác chỉ đạo văn một cách vô tư, không hề nghĩ rằng sao chép một kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố vào một bài được ký tên mình chẳng khác gì công khai chiếm hữu kết quả đó". Nhưng không chỉ "đạo văn" mới là vấn đề đáng lo ngại duy nhất trong nghiên cứu khoa học cơ bản, bởi còn có một số công trình không những "không có lợi" mà còn "có hại" cho nhận thức của những người muốn học hỏi để nâng cao sự hiểu biết, hoặc ham mê nghiên cứu khoa học, có nhu cầu tìm hiểu tài liệu, học liệu tham khảo. Ðặc biệt, cũng nên lưu ý là khi các tài liệu như thế bị sử dụng phục vụ mục đích xấu thì có thể trở thành công cụ chống lại giá trị, lợi ích của dân tộc, nhất là công trình nghiên cứu thuộc các ngành khoa học xã hội như lịch sử, văn học, báo chí, chính trị học, triết học... Thậm chí trong một công trình nghiên cứu đúng đắn, nghiêm túc chỉ có một câu văn có nội dung chưa rõ ràng cũng có thể dẫn đến hiểu sai quan niệm của tác giả, rồi từ đó có thể suy diễn tùy tiện.

Dù bao biện thế nào thì hiện tượng sao chép, cóp nhặt ý tưởng của người đi trước, đã trực tiếp tác động tới suy nghĩ của những người trẻ tuổi đang khao khát học tập, theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, ảnh hưởng tới nhận thức của sinh viên trẻ khi bắt đầu từ môi trường phổ thông đến với môi trường đại học. Không thể phủ nhận rằng, ở một số trường đại học, hiện đang có một số nhà nghiên cứu các khoa học cơ bản chưa khuyến khích sinh viên say mê tìm tòi, nghiên cứu; mà ngược lại, họ như đẩy sinh viên vào lối mòn sẵn có, khiến sinh viên chỉ cố gắng "học cho xong" để lấy tấm bằng. "Coi trọng bằng cấp" không có gì sai, vấn đề là ở chỗ bằng cấp có giúp người sở hữu đạt hiệu quả trong công việc hay không.

Một thực tế rất đáng lo ngại là ở Việt Nam số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ rất cao nhưng các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học của chúng ta đang xếp thứ bao nhiêu trên toàn cầu lại khó ai có thể trả lời. Trong khi đó, trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu thế giới, có nhiều trường thuộc Ðông-Nam Á ở Ma-lai-xi-a, Thái-lan, đặc biệt là Xin-ga-po. Xin-ga-po, quốc đảo nhỏ bé với dân số ít lại có hai đại học đứng top 100. Ðại học Quốc gia Xin-ga-po, niềm tự hào của quốc gia này đứng trên cả nhiều trường đại học tên tuổi của các "con rồng châu Á" như Ðại học Xơ-un (Hàn Quốc), Ðại học Ky-ô-tô (Nhật Bản), Ðại học Bắc Kinh (Trung Quốc),... và nhiều trường đại học danh tiếng ở châu Âu và Hoa Kỳ. Bằng cấp của các trường đại học này được công nhận trên toàn thế giới, không ít sinh viên ngay từ khi chưa tốt nghiệp đã được các tập đoàn, công ty, các cơ quan chính phủ tìm đến mời chào về làm việc. Như vậy, các tấm gương về đào tạo đại học để chúng ta có thể học hỏi không nhất thiết phải tìm ở các quốc gia có truyền thống đại học lâu đời, mà chính các nước trong khu vực cũng đưa tới cho chúng ta không ít điều để học hỏi.

Trong khi uy tín của hệ thống đào tạo đại học chưa cao, thì trong xã hội và trên báo chí lại xuất hiện cách gọi có hàm ý chế giễu về "tiến sĩ giấy", "nhà nghiên cứu danh thiếp"! Cách gọi này là có cơ sở khi mà từ một số công trình nghiên cứu, từ một số tiểu luận hoặc bài báo, hay trả lời phỏng vấn của người có chức danh, học vị lại thấy tri thức, sự hiểu biết và năng lực phân tích rất đáng nghi ngờ. Bên cạnh tình trạng một số người có chức danh, học vị mà không thông thạo bất kỳ ngoại ngữ nào, lại có nhà nghiên cứu sử học Việt Nam không có khả năng "đọc" văn bản lịch sử gốc mà phải trông cậy vào sách dịch phổ thông; khi nghiên cứu, họ phải dẫn theo bản dịch của người khác (trong khi chưa có gì bảo đảm bản dịch đã chính xác), hoặc họ làm một thao tác rất kỳ quặc là "dẫn chéo" từ công trình của học giả nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam. Cho nên, đôi khi vẫn có sự kiện liên quan tới khoa học đưa tới tình trạng dở khóc dở cười. Chẳng hạn, hàng chục năm trước đây, một nhóm nhà khoa học dựa vào một cuốn sách không rõ tác giả, không rõ năm ra đời để khẳng định lai lịch một địa chỉ lịch sử ở Hà Nội thì cách đây không lâu, căn cứ vào sự kiện Nguyễn Trãi không có mặt ở cuộc khởi nghĩa Lũng Nhai năm 1416, một nhà nghiên cứu đặt nghi vấn Bình Ngô đại cáo không phải là tác phẩm của Nguyễn Trãi mà là tác phẩm của Lê Lợi, Nguyễn Trãi chỉ là người chép lại!

Vào năm 2012, một nhà khoa học nổi tiếng giới thiệu tác giả một cuốn sách về Truyện Kiều rằng: "Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều... Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông... và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều..."! Nhưng một số tác giả đã lên tiếng bác bỏ, coi đó là một công trình "tự cho chữ của mình "hay hơn Nguyễn Du" để lấy lý do đó "sửa" hàng nghìn từ trong Truyện Kiều là xúc phạm tiền nhân". Nói cách khác, thay vì thực hiện một công trình biên khảo, hay xuất bản một bản dịch nghĩa từ chữ Nôm, nhà nghiên cứu này lại sửa khoảng một nghìn từ trong Truyện Kiều vì cho rằng chúng không hay, không hợp! Từ việc "sửa" này, các câu thơ như: "Trải qua một cuộc bể dâu" lại thành "Trải qua mỗi cuộc bể dâu"; "Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường" lại thành "Nửa in gối lẻ nửa soi dặm trường"; "Một đền Ðồng Tước khóa xuân hai Kiều" thành "Buồng đào nơi tạm khóa xuân hai Kiều"; "Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang" thành "Xăm xăm đè nẻo đánh liều lần sang";...! Viết ra một cuốn sách như vậy, tác giả mới chỉ đáng trách một phần, phần lớn hơn là thuộc về nhà khoa học nổi tiếng đã viết lời tựa với những lời quảng bá "có cánh", và nhà xuất bản thuộc ngành văn hóa đứng ra in ấn, phát hành!

Ðọc một số tiểu luận khoa học đã công bố, tình trạng còn đáng lo ngại hơn. Như gần đây, một tạp chí chuyên ngành có bài Nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sau khi định nghĩa "Tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất như cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ... - những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của thế hệ những người đang sống", tác giả viết: "Tổ tiên trong xã hội nguyên thủy có nguồn gốc là tổ tiên tôtem giáo của thị tộc bộ lạc. Tổ tiên tôtem giáo thời kỳ thị tộc mẫu hệ là những vật trong tự nhiên, có mối quan hệ mật thiết với con người và khi được thần thánh, thiêng liêng hóa thì được coi là tôtem (vật tổ) của thị tộc, bộ lạc...". Viết như vậy thì theo định nghĩa ở trên, hóa ra "những vật trong tự nhiên, có mối quan hệ mật thiết với con người" cũng là "người" chăng?

Tóm lại, một số hiện tượng tùy tiện, ngụy khoa học xảy ra trong nghiên cứu khoa học cần được cảnh báo. Ðể giải quyết các hiện tượng này, trước hết cần tăng cường sự quản lý của Nhà nước, vì đầu tư có tính chiến lược của Nhà nước cho khoa học chỉ thật sự có hiệu quả khi kết hợp đồng thời với kiểm tra, đánh giá, thẩm định,... rồi áp dụng vào thực tế. Không thể chấp nhận tình trạng một công trình nghiên cứu khoa học được đầu tư lớn lại không phát huy được hiệu quả sau khi nghiệm thu. Bên cạnh đó, nên chăng cần thanh lọc đội ngũ nhà khoa học, để lựa chọn được những người thật sự tâm huyết, có tài năng, bản lĩnh và biết đề cao đạo đức nghề nghiệp? Ðó là một trong các yếu tố quyết định để phát triển một nền khoa học luôn hướng tới lợi ích chung của dân tộc và vì sự phát triển đất nước.