Bình luận - Phê phán

Cần cân nhắc, hạn chế phim kinh dị và bạo lực

NDO -

Ra đời như là sự kết hợp hài hòa giữa năng lực sáng tạo nghệ thuật với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, điện ảnh đã trở thành một loại hình nghệ thuật có sức lôi cuốn công chúng. Tuy nhiên, vẫn có một số tác phẩm điện ảnh còn chuyển tải những ý nghĩa không phù hợp với sự phát triển của xã hội - con người, như gần đây bộ phim Bụi đời Chợ Lớn đã không được cơ quan chức năng cấp phép phát hành... Bài viết dưới đây là một cách tiếp cận vấn đề này.

Bộ phim Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy (The Dark Night Rises). (Ảnh: Internet)
Bộ phim Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy (The Dark Night Rises). (Ảnh: Internet)

Suốt mấy chục năm qua, trên thế giới, hàng nghìn bộ phim loại kinh dị và bạo lực  ra đời. Loại phim này đã thu hút nhiều người trẻ tuổi đưa họ vào thế giới kinh dị, bạo lực, bản thân họ bị gieo cấy "hạt giống" nguy hiểm mà  không hề biết. Xem phim là để giải trí, nhưng loại phim này thường mang đến sự sợ hãi, căng thẳng trong suốt quá trình xem, và cả sau khi xem. Có người bắt chước hành vi bạo lực trong phim để chứng minh phong cách "anh hùng"! Ở các xã hội hiện đại, nhiều khi việc cảm thụ những nguy hiểm rình rập thường là cách thức duy trì lối sống sáo mòn, chán nản của người trẻ. Nên họ đánh giá bộ phim sau có kinh dị, bạo lực bằng phim trước hay không. Sự lừa dối bản thân bằng các pha nguy hiểm - sản phẩm của kỹ xảo điện ảnh, đã đưa họ vào thế giới ảo với nỗi sợ hãi ảo cùng bạo lực ảo. Nhưng khi "hạt giống" đã được gieo và càng ngày càng được tưới tắm như thế thì "hạt giống" sẽ nảy mầm, dần dà bám rễ vào tiềm thức của người trẻ, biến họ thành nạn nhân. Xã hội loài người đã chứng kiến không biết bao nhiêu tội ác có nguồn gốc từ bắt chước phim ảnh. Hưởng thụ cảm giác kinh dị, bạo lực được dẫn dắt từ tâm trạng háo hức về cái kinh dị và bạo lực, sẽ đẩy tới chấn động về tâm lý, xuất hiện cảm giác hưng phấn. Vụ thảm sát trong buổi ra mắt bộ phim Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy (The Dark Night Rises) là minh chứng cụ thể cho kiểu hành động bắt chước nhân vật trong phim. Theo Wikipedia thì: "Ngày 20-7-2012, một vụ xả súng tại buổi công chiếu bộ phim The Dark Night Rises ở TP Aurora, tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 58 người khác bị thương... Một tay súng đeo mặt nạ chống độc mô phỏng hình tượng nhân vật phản diện Bane của phần này và mặc áo chống đạn, ném lựu đạn hơi cay, bắn về phía khán giả, giết chết 12 người và làm bị thương 58 người khác".

Thế giới ảo của điện ảnh bạo lực có thể đi vào thế giới thực và biến thế giới thực thành thế giới bạo lực. Nó có thể tạo nên sự rối loạn về tinh thần hay tim mạch cho người xem, nhiều khi hoang tưởng về những sự nguy hiểm hoang đường. Trên thế giới, số lượng người phạm tội vì hành động bạo lực do phim ảnh ngày càng trẻ hóa. Các chương trình được cho là kỳ thú như nuốt rắn sống hay sống chung với bò cạp, đóng đinh vào thân người, cho xe cán qua được ca tụng như trò anh hùng, song thực chất đó là trò đầy bạo lực, có tác động đến tâm lý trẻ em. Nhiều bộ phim bạo lực lại biến hóa thành một thể loại khác là "phim hành động". Xét đến cùng, phim hành động cũng chỉ là một biến tướng của phim bạo lực. Sự đam mê điện ảnh bạo lực, tác hại từ sự say mê này làm giảm giá trị con người, góp phần vào việc thực hiện hành vi của người trẻ trong đời sống hằng ngày. Nghiện loại phim này dễ trở nên nóng nảy hay gắt gỏng, suy nghĩ theo hướng bạo lực, hận thù, thậm chí dẫn đến chán nản, tuyệt vọng, đồng thời tôn thờ các thần tượng ảo trong phim ảnh, dùng lời nói của các nhân vật trong phim đó làm kim chỉ nam cho lối sống ?!

"Tâm thức" của mỗi người là nơi lưu giữ, đồng thời bảo tồn "hạt giống" của những gì mỗi người đã làm, đã trải qua, đã nhận thức, hoặc đã tri giác. Ở đây cần lưu ý tới những "hạt giống" được lưu trữ và đối tượng lưu trữ "hạt giống". Các "hạt giống" lành mạnh như sự bình an, nhẹ nhàng, niềm vui, tình thương, bao dung, hòa giải,... được nuôi dưỡng, cất giữ thì đời sống của con người luôn có xu hướng phát triển theo hướng lành mạnh. Còn nếu các "hạt giống" không lành mạnh như sợ hãi, lo lắng, phiền muộn, đau đớn, chia rẽ, bạo động, kinh dị, dâm đãng,... được nuôi dưỡng, cất giữ thì đời sống của con người thường dễ có xu hướng đi theo sự không lành mạnh. Kẻ đã tiến hành vụ thảm sát ở Denver bị tác động bởi bộ phim,  nhân vật được gọi là Thằng Hề và hình ảnh bạo lực trong phim. Có thể trước đó người này đã xem nhiều bộ phim bạo lực và dần dần chất chứa "hạt giống" bạo lực. Ðến khi bộ phim The Dark Night Rises ra đời thì "hạt giống" bạo lực bung ra thành hành động bạo lực. Người này sinh ra đâu phải là kẻ sát nhân, nhưng do bị tác động của phim ảnh và chắc chắn không chỉ có phim ảnh, có thể  còn là truyện, tranh ảnh, các câu chuyện trên truyền thông, các mối quan hệ xã hội. Khi không làm chủ được mình, mà sống trong hoàn cảnh đó, rất dễ để cho hoàn cảnh đưa đẩy.

Có bộ phim xem rồi, người xem lại thấy yêu đời,   quý  trọng sự sống và bảo vệ tình yêu giữa con người với con người, như phim Cuộc đời Forrest Gump (Forest Gump) hay phim Ðáp đền tiếp nối (Pay It Forward). Cuộc đời Forrest Gump kể về một cậu bé và sau này là chàng trai yếu đuối, bị xua đuổi và ngờ ngệch trong tình yêu song đã chinh phục được người xem bằng lòng tốt và chính lòng tốt cho chàng trai  sức mạnh đi vào cuộc đời. Phim Ðáp đền tiếp nối mang đến thông điệp về sự giúp đỡ có sức lan tỏa. Khi mình chìa bàn tay ra cho người khác, người khác sẽ tiếp tục chìa bàn tay của họ, tạo thành một vòng kết nối, theo đó con người biết nhường nhịn, yêu thương, biết hy sinh. Tương tự như thế, phim Áo lụa Hà Ðông của đạo diễn Lưu Huỳnh như một bức tranh màu xám nhưng trong cái xám đó lại có những bông hoa đẹp. Bộ phim là thông điệp về tình người: giữa hỗn loạn, bần cùng, đau thương,... tình người vẫn còn và tình thương vẫn cao đẹp.  

Một bộ phim hay là một bộ phim có tâm. Mình đạo diễn không thể làm nên bộ phim hay nếu không có sự đóng góp của tác giả biên kịch, nhà sản xuất, diễn viên, kỹ thuật viên, bộ phận marketing và ngay cả rạp hát hay công nghệ làm phim. Trước hết phải nói đến nhà biên kịch. Người này phải sử dụng trí tưởng tượng cũng như niềm đam mê của mình để đưa ra một câu chuyện hấp dẫn người xem. Nếu suy nghĩ kinh dị và bạo lực thì họ sẽ đưa ra một tác phẩm theo kiểu như thế. Sản phẩm của tác giả là điều tác giả tư duy, suy nghĩ. Mặt khác, đã gọi là sản phẩm thì phải được bán, tiêu thụ. Và tác giả biên kịch nghĩ đến khán giả là xem sản phẩm sẽ đem lại giá trị gì với khán giả - người tiêu dùng. Có bộ phim dành cho lứa tuổi người lớn và dành cho lứa tuổi trẻ em, nhưng không phải người lớn nào cũng có khả năng tự kiềm chế. Không nên chạy theo tâm lý đám đông. Thấy người ta làm phim kinh dị thì cũng làm phim kinh dị, thấy người ta làm phim hành động thì cũng làm phim hành động, thấy người ta làm phim ướt át thì cũng làm phim ướt át. Nhiều khi đám đông lại tạo nên một thế giới ảo và trú ẩn trong thế giới ảo đó, cho nên đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Biết rằng xem phim là giải trí, nhưng giải trí phải lành mạnh, giải trí xong người xem thấy khỏe, thấy có niềm tin, thấy tràn đầy sức sống, thấy muốn đứng dậy vượt qua khó khăn của bản thân. Giải trí nhưng phải chứa đựng tính nhân văn. Ðạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên hay ê kíp làm phim nên  tính toán kỹ xem bộ phim mà mình dự kiến tham gia sẽ là một tác phẩm đi vào lòng người bằng các giá trị nhân văn hay giá trị cộng đồng đích thực. Bộ phim Cuộc đời của Pi (Life Of Pi) của đạo diễn Lý An không có cảnh bạo lực, không cảnh kinh dị, không cảnh đồi trụy nhưng lại thành công vang dội. Giải Oscar trao cho Lý An là trao cho một cái tâm hết lòng vì nghệ thuật. Tương tự như vậy, bộ phim Quà tặng vô giá (The Ultimate Gift) của đạo diễn Michael O.Sajbel là bộ phim có tính giáo dục người trẻ rất cao, đó là giáo dục về sự tận hưởng thành quả lao động thật sự, quý trọng sự có mặt của người thương yêu, học cách sử dụng đồng tiền và ý thức sống vì cộng đồng. Những bộ phim như vậy mới đáng xem.

Ðiện ảnh là một phương tiện nghệ thuật giúp con người đến với chân - thiện - mỹ, nên cần luôn hướng tới mục tiêu đó. Người có ý thức xây dựng bộ phim có tính giáo dục, tính nhân bản, bảo vệ trẻ em, xây dựng nền tảng tình yêu thương, tạo dựng sự đoàn kết xã hội,... là người biết xây dựng hòa bình. Nếu lạm dụng điện ảnh để đưa con người vào các cuộc phiêu lưu mạo hiểm không đáng có, chém giết tàn bạo, đồi trụy, buông thả ngôn từ, kích động kinh dị và bạo lực làm hại môi trường văn hóa, làm hại trẻ em,...  sẽ đẩy tới một kết quả là tội ác, thậm chí chiến tranh. Có thể nói, các bộ phim kinh dị và bạo lực là thứ "chất độc tinh thần" làm ô nhiễm tâm hồn của người trẻ và làm băng hoại đạo đức xã hội. Một tác phẩm điện ảnh nhất thiết phải đem  đến niềm vui thật sự cho mọi người, trong đó có những người trẻ tuổi. Một trong các mục đích quan trọng của điện ảnh là giúp con người xích lại gần nhau, chứ không nên khiến con người xa nhau. Các đề tài về gia đình, bạn bè, học đường,... dựa trên việc xây dựng tình thương yêu giữa con người với con người để cùng phát triển cần phải được triển khai trong tác phẩm điện ảnh và được quảng bá.  Sản xuất các bộ phim mang tính kích động với những "hạt giống bất thiện"  cần cân nhắc, nếu không nói  thẳng ra rằng không nên sản xuất. Chúng ta chỉ xem những bộ phim lành mạnh, vì chúng ta ý thức rằng xem phim là để giải trí mà giải trí là để khỏe mạnh thân tâm, không phải để thân tâm nhọc nhằn.