Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Lê Minh Quốc Cường cho biết, tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã chi hỗ trợ cho 3.848.140 lượt người với số tiền hơn 2.596,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP của Chính phủ 1.030.010 trường hợp với số tiền hơn 1.472 tỷ đồng; hỗ trợ theo Nghị quyết 04 của Hội đồng nhân dân tỉnh (hỗ trợ tiền thuê nhà trọ 300 nghìn đồng/trường hợp) cho 1.423.300 trường hợp với số tiền gần 427 tỷ đồng; hỗ trợ theo Quyết định 12 của Ủy ban nhân dân tỉnh (hỗ trợ lương thực cho người ở trọ 500 nghìn đồng/trường hợp) cho 1.394.830 trường hợp với số tiền hơn 697,4 tỷ đồng…
Cơ quan chức năng của tỉnh đã lập các đoàn để kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trong công tác chi hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện có tình trạng danh sách người được hỗ trợ bị trùng nên chủ động không chi; số trường hợp đã chi trùng là rất thấp và đã tiến hành thu hồi.
Trường hợp rà soát danh sách phát hiện bị trùng lặp chủ yếu tại thị xã Tân Uyên với 23.039 trường hợp. Khi phát hiện, địa phương đã chủ động chưa chi và chỉ có 2.044 trường hợp đã chi tiền. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho biết, 2.044 trường hợp đã chi tiền hiện nay đã được thu hồi.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi, thời điểm lập danh sách bị trùng là vào cuối tháng 8, khi 7 phường của thị xã thực hiện “khóa chặt, đông cứng” nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ thực phẩm, một phần tiền phòng trọ và hỗ trợ khó khăn được tiến hành khẩn cấp trong thời gian ngắn phải “khóa chặt, đông cứng” để cứu trợ kịp thời cho hơn 500 nghìn lượt trường hợp nên việc lập danh sách có xảy ra trùng lặp và đã phát hiện, xử lý.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Tầm Dương cho rằng, bên cạnh các gói hỗ trợ của Trung ương để giúp người dân trong đợt dịch Covid-19, các gói hỗ trợ theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương là rất ý nghĩa, kịp thời trong những ngày xảy ra dịch bệnh, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn cũng như công nhân lao động sinh sống trên địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh.
Vì vậy, thông tin “Chi nhầm hàng trăm tỷ đồng buộc phải thu hồi” trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 tại Bình Dương là chưa chính xác, thiếu công bằng và cần điều chỉnh lại thông tin chính xác để dư luận hiểu đúng thực tế.