Năm 2021, Trung tâm Giám sát - Điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định (IOC) ra đời, đánh dấu một bước ngoặt mới trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Chưa bao giờ sự kết nối, tương tác giữa chính quyền và người dân trở nên thuận tiện và gần gũi đến vậy.
UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty CP FPT để thúc đẩy chuyển đổi số. Nội dung thỏa thuận nhằm đưa Bình Định sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh từ cơ quan nhà nước đến người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số; đồng thời, đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của khu vực.
Mới đây, chiều 22/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh B́nh Định và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thống nhất ký kết "Thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025". Theo đó, Tập đoàn Viettel hợp tác, hỗ trợ tỉnh Bình Định trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số...
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định: Ngành Nông nghiệp Bình Định xác định chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức của cán bộ và người dân theo hướng phát triển kinh tế số nông nghiệp… Sau nhiều năm đầu tư, hiện ở lĩnh vực quan trắc thủy văn, cảnh báo thiên tai, hệ thống gần 70 trạm quan trắc mưa tự động, 32 trạm quan trắc mực nước tự động trên các lưu vực sông, hồ chứa của tỉnh đã cung cấp dữ liệu liên tục, là cơ sở rất quan trọng để xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai. Hiện, Bình Định là tỉnh thực hiện sớm và đầy đủ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.242 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết: Đến nay, các bệnh viện, Trung tâm Y tế đã kết nối liên thông từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, phục vụ việc tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán bệnh, tư vấn qua mạng với những trường hợp bệnh phức tạp. Một số đơn vị triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm chuyển tải dữ liệu hình ảnh, phần mềm nhận và trả kết quả xét nghiệm; việc in phim khô sau chụp X-quang đã được thay thế bằng hình ảnh số để dễ dàng lưu thông trên môi trường internet.
Đến nay, thành phố Quy Nhơn đang triển khai nâng cấp, đồng bộ các dịch vụ đô thị thông minh của Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh thành phố với Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh. Đó là các dịch vụ: Giám sát an ninh, trật tự đô thị; giám sát điều hành giao thông; phản ánh hiện trường; dịch vụ Dashboard tổng hợp giám sát điều hành, đồng bộ các dịch vụ đô thị thông minh từ Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh thành phố, gắn với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...
Ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế Bình Định chia sẻ: “Điểm nhấn nổi bật chính là việc Cục Thuế cho ra đời “Cổng giao tiếp điện tử”, tích hợp tất cả các công cụ phục vụ đắc lực cho hỗ trợ, cảnh báo, công khai trên tất cả lĩnh vực hóa đơn, bất động sản, khoáng sản, xây dựng, thương mại điện tử, lưu trú,… và đối tượng quản lý: doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân.
Điều này mang lại nhiều lợi ích thiết thân cho người nộp thuế, giúp thay đổi nhận thức, nâng cao tinh thần tự giác chấp hành pháp luật thuế, vừa công khai, minh bạch thông tin, mở rộng không gian kết nối, thu hút sự tham gia phản biện của toàn xã hội trong công tác quản lý thuế, giúp cơ quan thuế, kịp thời chấn chỉnh, hoàn thiện công tác quản lý thuế trên các lĩnh vực…
Nhìn nhận về các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Bình Định cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực số và xây dựng công dân số; tạo môi trường cho các doanh nghiệp triển khai thành công các dự án tại Bình Định; xây dựng kho dữ liệu số của tỉnh; đồng thời có chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số; đầu tư để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Xuất phát từ quan điểm của quản trị hiện đại “Không đo đếm được nghĩa là chưa quản trị tốt”, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 trên địa bàn tỉnh với nhiệm vụ chính tập trung vào việc tạo lập, duy trì, cập nhật các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để làm cơ sở xây dựng Kho dữ liệu dùng chung toàn tỉnh…
Theo đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh: “Bước đầu việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bình Định nằm trong top 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Để hoàn thành mục tiêu này, việc tập trung phát triển nguồn lực, trong đó tính toán, xây dựng cơ chế, chính sách riêng về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia… để thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số là rất quan trọng”.