Ðưa Nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống

Bình Định hướng tới trung tâm khu vực kinh tế miền trung

Lấy giá trị văn hóa và thế mạnh kinh tế biển làm động lực, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị làm điểm tựa, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Ðịnh quyết tâm phấn đấu trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh, bền vững, dẫn đầu khu vực miền trung.
0:00 / 0:00
0:00
Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Ðịnh.
Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Ðịnh.

Bình Ðịnh nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, cực nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Bình Ðịnh có diện tích tự nhiên 6.066km2; dân số khoảng 1,5 triệu người; có 11 đơn vị hành chính, trong đó, thành phố Quy Nhơn là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Bình Ðịnh nằm ở vị trí chiến lược, có vai trò quan trọng trên cả hai trục hành lang kinh tế Bắc-Nam và Ðông-Tây, là cửa ngõ ra Biển Ðông gần nhất, thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mê Công. Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là một trong 10 cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra vào an toàn.

Vượt thách thức, tạo tiền đề phát triển

Những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Ðịnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tăng cường hợp tác, liên kết, chủ động phát huy lợi thế và nội lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhờ đó nền kinh tế của tỉnh phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thuộc nhóm khá của cả nước. Giai đoạn 2015-2020, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân 6,2%; cơ cấu kinh tế các ngành theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; ngành du lịch có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hạ tầng kinh tế-xã hội được chú trọng đầu tư.

Từ sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20 đến nay, cũng như các địa phương khác trong cả nước, Bình Ðịnh triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực, nặng nề chưa có tiền lệ của đại dịch Covid-19. Với những nỗ lực của hệ thống chính trị, Bình Ðịnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tổng sản phẩm địa phương năm 2021 tăng 4,1% (xếp thứ 10/14 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung), công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện; dịch vụ-du lịch vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, bộ mặt giao thông của tỉnh đã có sự thay đổi đáng kể.

Năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, ước tính tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 8,57%, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,26%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,55% (riêng công nghiệp tăng 9,29%), dịch vụ tăng 12,61%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,4% (cùng kỳ 29,38%), công nghiệp-xây dựng chiếm 29,08% (cùng kỳ 29,09%), dịch vụ chiếm 38,14% (cùng kỳ 37,02%)… Ðây chính là những thuận lợi cơ bản để địa phương triển khai các phương hướng, giải pháp được đề cập trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, ước tính tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 8,57%, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,26%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,55% (riêng công nghiệp tăng 9,29%), dịch vụ tăng 12,61%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,4% (cùng kỳ 29,38%), công nghiệp-xây dựng chiếm 29,08% (cùng kỳ 29,09%), dịch vụ chiếm 38,14% (cùng kỳ 37,02%)…

Bám sát nghị quyết, tiếp tục phát huy lợi thế

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bình Ðịnh xây dựng, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó, tập trung phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt.

Ðể tạo tiền đề, tỉnh tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt; ưu tiên các nguồn lực để phát triển năm trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không; phát triển nông, lâm nghiệp-thủy sản dựa trên công nghệ cao; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Nhằm khai thác cao nhất tiềm năng biển theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh xác định hướng phấn đấu thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền trung-Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển. Trọng tâm là đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến chế tạo có công nghệ hiện đại, công nghệ cao thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bình Ðịnh cũng xác định sẽ trở thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với ba trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, lịch sử, trọng tâm là xây dựng thành phố Quy Nhơn hiện đại, mang bản sắc riêng, xứng đáng là trung tâm văn hóa phía nam của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng du lịch quan trọng gắn với khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch như biển, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, ẩm thực đặc trưng, đa dạng... Hình thành các tuyến du lịch gắn với điểm đến là các võ đường, làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử-văn hóa, di tích về phong trào Tây Sơn, hệ thống tháp Chăm… Phát triển các điểm biểu diễn nghệ thuật tuồng, bài chòi dân gian, võ cổ truyền Bình Ðịnh, các chương trình trình diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch. Ðẩy mạnh kết nối các tour, tuyến với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là tiểu vùng Trung Trung Bộ và Tây Nguyên gắn với khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương cho phát triển du lịch…

Ðối với nhiệm vụ liên kết vùng, tỉnh cùng các tỉnh trong tiểu vùng Trung Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ và đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ hình thành các tiểu vùng kinh tế, tạo mối liên kết phát triển bổ sung lẫn nhau. Tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế trong vùng, nhất là hành lang kinh tế Ðông-Tây nối Bình Ðịnh với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, Nam Lào, Ðông Bắc Campuchia; nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng Quy Nhơn; đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế.

Theo đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh, để tỉnh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nhất là các quy định liên quan việc huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển, như: Khuyến khích đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông suốt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để tạo sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Ðặc biệt là triển khai kịp thời và bảo đảm nguồn lực để thực thi các đề án, nhiệm vụ của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nhất là các quy định liên quan việc huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển, như: Khuyến khích đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông suốt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để tạo sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh

Tỉnh đề xuất Trung ương quan tâm sớm ban hành quy hoạch vùng; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông theo trục bắc-nam như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc; tỉnh cũng đề nghị Trung ương quan tâm, sớm đầu tư các trục giao thông theo hướng đông-tây, hình thành các hành lang kinh tế đông-tây để kết nối với các tỉnh Tây Nguyên nhằm phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng ra biển của các tỉnh trong vùng ■