“Vua Lear” được William Shakespeare viết vào khoảng năm 1604, là một trong những vở kịch giàu kịch tính và nhiều tầng ý nghĩa nhất của nhà viết kịch lừng danh người Anh, xoay quanh nhân vật trung tâm là Vua Lear với những bi kịch, mâu thuẫn chồng chất.
Khi thấy mình đã già, Vua Lear quyết định triệu tập các triều thần và ba cô con gái tới để thông báo ý định giao lại đất đai và quyền điều hành đất nước cho các con. Phép thử đặt ra là nhà vua sẽ chỉ ban ân huệ cho cô con gái nào bày tỏ tình yêu thương cha nhiều nhất. Trong khi hai cô con gái lớn, Goneril và Regan thề thốt về tình yêu vô bờ bến dành cho cha thì cô công chúa thứ ba - Cordelia chỉ chân thật chia sẻ yêu cha đúng như tình cảm của một người con đối với cha mình, và tình yêu ấy không thể là tất cả bởi sau này cô còn phải dành tình cảm cho chồng con khi lập gia đình.
Cho rằng con út vô ơn bạc bẽo, Vua Lear nổi giận trục xuất cô út khỏi đất nước, chia giang sơn cho hai cô chị. Nhưng rồi sau đó, hai con gái lớn câu kết tước tùy tùng, đuổi ông ra khỏi nhà. Đau đớn, trống rỗng, cô đơn, Vua Lear hóa điên loạn. Khi công chúa út đưa người về cứu cha, cô thất bại và bị giết chết. Hai chị gái vì tranh giành tình nhân, quyền lực cuối cùng cũng phải chết trong đau đớn.
Cùng với bi kịch của Vua Lear, vở diễn còn đưa người xem đến với bị kịch của một người cha khác là bá tước Gloucester. Ông đã bị chính đứa con hoang của mình lừa dối, để rồi tin rằng đứa con hợp pháp của mình muốn giết ông giành quyền thừa kế. Cho đến khi bị đứa con hoang phản bội, phải một mình lang thang phiêu bạt, ông mới nhận ra sự thật, đau đớn tự móc hai con mắt của mình.
Vở diễn gây xúc động với nhiều phân cảnh thể hiện những giằng xé nội tâm của nhân vật. |
Vở diễn kết thúc trong bi thương và ám ảnh, mang đến nhiều suy ngẫm cho người xem về những bi kịch đẫm nước mắt tạo nên bởi chính những xung đột lợi ích giữa những người thân trong gia đình xoay quanh tài sản thừa kế, đất đai. Một câu chuyện được viết hơn 400 năm trước nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự nóng hổi với giá trị nhân văn và tinh thần phê phán sâu sắc.
Chuyển tải một kịch bản kinh điển, đồ sộ của thế giới lên sân khấu kịch đương đại Việt Nam trong thời lượng hơn hai tiếng, NSND Lê Hùng đã khẳng định được bản lĩnh dàn dựng của một đạo diễn “lão làng”khi lựa chọn những lát cắt, chi tiết tiêu biểu nhất liên quan chữ “hiếu”.
Đạo diễn, NSND Lê Hùng chia sẻ: Khi bố mẹ về già có thể có những quyết định sai lầm nhưng con cái vẫn phải tròn đạo hiếu với bố mẹ. Vua Lear chia đất nước cho các con, ông nghĩ rằng như thế là sòng phẳng, là yêu con nhưng lại vô tình đẩy con vào sự tranh giành quyền lực. “Con cái đâu nhất thiết phải nói “Con yêu bố mẹ lắm” mới là hiếu đạo. Con cái cũng không thể dành hết tình yêu thương cho cha mẹ vì họ còn có gia đình nhỏ phải bảo vệ, chăm sóc. Đó là điều tất yếu mà bố mẹ phải thấu hiểu cho con. Nhưng ở đây, Vua Lear đã nhìn cuộc đời bằng con mắt của trẻ thơ...”- NSND Lê Hùng phân tích.
Theo dõi “Vua Lear”, có nhiều cảnh diễn gây xúc động mạnh cho khán giả, đặc biệt ở những đoạn Vua Lear đau đớn nhớ về con gái út, gọi tên con trong những cơn mộng mị; khi Cordelia hứng những giọt nước mắt của mình đưa cho cha uống, tên hề điên bật nói “Làm cha mà phải uống nước mắt của con thì đau khổ nào bằng”; khi Vua Lear sờ lên mặt con lau nước mắt rồi đưa tay lên miệng mình nếm, thốt lên “Đúng là nước mắt rồi! Trời ơi, ở cuộc đời này vẫn còn những giọt nước mắt thật ư?”... Ở những phân cảnh này, sự tham gia của ngôn ngữ ba-lê và những vũ điệu hình thể đã góp phần tăng thêm những ám ảnh và xúc cảm cho người xem.
Vua Lear” là vở bi kịch giàu kịch tính với nhiều tầng ý nghĩa. |
Không sử dụng những trang trí sân khấu rườm rà, phát huy thế mạnh của lối thoại dung dị, đời thường, không “lên gân”, đó là cách mà bi kịch “Vua Lear” đã đi vào lòng người xem một cách đầy nhẹ nhàng, tự nhiên, tạo sự đồng cảm sâu sắc với số phận các nhân vật.
Xem vở diễn, bên cạnh sự vào vai của những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm như NSND Lệ Ngọc (vai con gái cả), nghệ sĩ Văn Hải (với vai diễn rất “nặng ký” là Vua Lear), có thể thấy rõ sự trưởng thành trong diễn xuất của những diễn viên trẻ như Hàm Hương (vai Cordelia), Lâm Cương (vai Edmund), Quang Tú (Bá tước Kent)... Vở diễn cũng có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Thu Quế (vai công chúa thứ hai Regan), NSND Tuấn Hải (vai Bá tước Gloucester).