Tạo uy tín cho bệnh viện tuyến dưới
Bệnh viện đa khoa huyện miền núi biên giới Mường Khương của tỉnh Lào Cai khá khang trang. Bốn dãy nhà cao hai, ba tầng được đưa vào sử dụng đã vài năm nhưng vẫn là cơ sở khá tốt để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cho gần 55 nghìn dân trên địa bàn. Công suất sử dụng giường bệnh ở đây luôn đạt 160 đến 180%, mặc dù số giường bệnh thực kê là 140 trong khi số giường kế hoạch được giao chỉ là 80. Thông số đó phần nào nói lên chỉ số tin cậy của người dân đối với đội ngũ thầy thuốc nơi đây. Ðóng góp vào việc nâng cao uy tín của bệnh viện là sự cố gắng của các thầy thuốc tại chỗ và sự giúp đỡ của các bệnh viện tuyến trên thông qua việc cử cán bộ có trình độ về tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (Ðề án 1816), trong đó nhiệm vụ hàng đầu là đào tạo, nâng cao trình độ và chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ tuyến dưới theo hình thức cầm tay chỉ việc. Hơn ai hết, BS Nguyễn Thế Bách, Phó Giám đốc bệnh viện là người hiểu rõ giá trị sự hỗ trợ từ tuyến trên vì anh là một trong những bác sĩ ngoại khoa của bệnh viện cho nên được tiếp nhận nhiều kỹ thuật mà trước đây chưa thực hiện được như: mổ kết hợp xương, cắt đại tràng, mổ bắt thai nhi, cắt trĩ bằng phương pháp lông-gô...
Không dừng lại ở đó, các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa Mường Khương còn thường xuyên tổ chức các đợt tăng cường hỗ trợ cho 16 xã trên địa bàn, nhất là chín xã biên giới và ba phòng khám đa khoa khu vực: Bản Lầu, Cao Sơn và Pha Long. Các bác sĩ đi tăng cường luôn kết hợp việc khám, chữa bệnh và giúp nhân viên trạm y tế các xã thực hiện tốt quy trình chuyên môn, quản lý sổ sách và gắn việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân với việc xây dựng nông thôn mới.
Bốn năm qua, ngành y tế tỉnh Lào Cai đón 132 lượt cán bộ y tế của 13 bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ, chuyển giao 212 kỹ thuật; mở 103 lớp tập huấn cho 1.606 cán bộ. Các bác sĩ tuyến tỉnh ở Lào Cai cử hơn 100 lượt cán bộ về hỗ trợ tuyến huyện, chuyển giao 279 kỹ thuật; tập huấn kỹ thuật cho 1.176 lượt cán bộ. Theo đánh giá của BS Ðàm Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai, việc nhận chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên cũng như việc hỗ trợ tuyến dưới cần được thực hiện bài bản, từ khảo sát cơ sở vật chất đến, lựa chọn con người, để khi cán bộ luân phiên rút đi thì các thầy thuốc tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật để áp dụng điều trị cho người bệnh. Với cách làm đó, Lào Cai được đánh giá là một một trong những địa phương triển khai hiệu quả Ðề án 1816.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là cơ sở được "hưởng lợi" nhiều nhất từ các dự án bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Nhờ sự giúp đỡ trực tiếp đó, năng lực chuyên môn các thầy thuốc của bệnh viện được nâng cao đáng kể. Người dân không chỉ của tỉnh Phú Thọ mà các tỉnh lân cận đã được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao, nhất là số người bệnh ung bướu, tim mạch chuyển lên tuyến trên giảm đáng kể. Ðến nay đội ngũ phẫu thuật viên của Bệnh viện đa khoa Phú Thọ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật ngoại khoa chuyên sâu tương đương bệnh viện tuyến cuối như: nội soi ổ bụng, nội soi khớp, tán sỏi la-de ngược dòng; thay khớp háng toàn phần; phẫu thuật trong thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống, thay đốt sống; cắt u não, tụ máu nội sọ do chấn thương hoặc tai biến mạch não; cắt u phổi, khâu vết thương tim; cắt dạ dày toàn bộ và cắt gan bán phần... Thống kê cho thấy, số lượng người bệnh được phẫu thuật tăng từ hơn 4.600 ca (năm 2004) lên hơn 12.500 ca (năm 2012), trong khi đó số người bệnh ngoại khoa chuyển lên tuyến trên giảm từ 22% xuống 2,4%. Hiện nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện thực hiện khám cho khoảng 1.000 người bệnh, điều trị nội trú cho 1.400 người bệnh, trong đó số người bệnh của các tỉnh lân cận chiếm khoảng 30%.
Biện pháp giảm tải từ xa
Giảm quá tải bệnh viện được ngành y tế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Giải pháp giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả là xây dựng và triển khai Ðề án bệnh viện vệ tinh, tập trung đầu tư vào năm chuyên khoa có công suất sử dụng giường bệnh quá cao: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Dự kiến sau ba năm, các bệnh viện vệ tinh sẽ thực hiện được các gói kỹ thuật cao đã chuyển giao; đồng thời đội ngũ nhân lực cũng sẽ trưởng thành hơn về kỹ thuật để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân ở tuyến cơ sở. Không chỉ giảm tình trạng quá tải bệnh viện, đề án cũng nhằm hướng tới bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong giai đoạn 2013 - 2015 sẽ ưu tiên đầu tư 45 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 15 bệnh viện hạt nhân.
Chúng tôi vừa có dịp cùng đoàn các chuyên gia đầu ngành tim mạch, ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai lên khảo sát triển khai đề án bệnh viện vệ tinh ở Lào Cai. Các chuyên gia đã tư vấn khá kỹ và cụ thể về đầu tư trang thiết bị, cũng như việc đào tạo cán bộ để Bệnh viện đa khoa Lào Cai có bước đi, cách làm phù hợp. Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn từ năm 2013 đến 2015 và từ năm 2016 đến 2020. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai sẽ đào tạo cán bộ và chuyển giao cho Lào Cai bảy gói kỹ thuật thuộc chuyên ngành tim mạch (ghi và đọc điện tâm đồ nâng cao; ghi và đọc Holter huyết áp nâng cao; tim mạch can thiệp; phẫu thuật tim mạch; chụp và đọc cộng hưởng từ (MRI); chụp, đọc cắt lớp vi tính, siêu âm tim) và chín kỹ thuật chuyên ngành ung bướu (chẩn đoán ung thư; hóa trị liệu; phẫu thuật; điều trị chống đau, chăm sóc giảm nhẹ; điều trị xạ trị bằng máy gia tốc; chẩn đoán hình ảnh; nội soi chẩn đoán ung thư; giải phẫu bệnh, tế bào học và y học hạt nhân chẩn đoán, điều trị ung thư). Với sự hỗ trợ tích cực của tuyến trên và sự tiếp thu cầu thị của tuyến dưới, chắc chắn hiệu quả của Ðề án bệnh viện vệ tinh sẽ thành hiện thực ở tỉnh biên giới địa đầu của Tổ quốc.
Qua thực tế triển khai Ðề án 1816 và Ðề án bệnh viện vệ tinh tại các địa phương cho thấy, để đạt kết quả tốt, cần có sự chuẩn bị kỹ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến con người. Trong đó, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. Các địa phương cần lựa chọn những cán bộ đủ trình độ, khả năng tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật cao, đồng thời có cơ chế "giữ chân" những người có trình độ sau khi được đào tạo.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khám bệnh cho nhân dân địa phương.
Luật Khám, chữa bệnh nêu rõ: Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trên xuống tuyến dưới, từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy định chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho các tuyến y tế địa phương, ưu tiên giải quyết thiếu hụt nhân lực y tế cho các tỉnh biên giới, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, là một biện pháp giảm quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến trên. Như vậy, việc quy định chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã chính thức trở thành một chính sách sử dụng nhân lực y tế có tính pháp quy, giúp người bệnh được tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ y tế có chất lượng cao, giảm khó khăn, phiền hà, thực hiện công bằng trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ðồng thời hình thành chính sách phân công lao động y tế theo nhu cầu xã hội như là nghĩa vụ của người hành nghề trong các cơ sở y tế công lập.