Hỏng hóc, thấm dột khắp nơi...
Phòng bệnh chúng tôi quan sát đầu tiên ở tầng 5, Khoa nội, khu nhà C. Bệnh nhân Lù Thị Chì, 56 tuổi ở xã Bản Giang nằm ở phòng bệnh 501 cho biết, nhà vệ sinh của phòng thường xuyên bị thấm dột từ trên xuống, nước hôi thối rỏ vào đầu tong tỏng, người bệnh vừa đi vệ sinh vừa phải ngó đầu lên để tránh. Toàn bộ bức tường của phòng vệ sinh bị thấm nước, rêu mốc xanh lan ra tường và tấm ốp trần... Cửa phòng vào Khoa nội bằng kính có một vết vỡ tan, cũng may mà kính này là kính an toàn hai lớp có dán keo ở giữa nên mảnh thủy tinh chưa rơi xuống. Lên tầng 6, Khoa nội A, dành chế độ cho cán bộ cấp trưởng, phó phòng trong tỉnh trở lên, một số phòng bệnh cũng không thoát khỏi tình trạng thấm, dột như ở tầng dưới.
Trong các khu điều trị nội trú, thì khu nhà C và D (bảy tầng) cũng xảy ra tình trạng thấm dột nặng, nhất là ở các khu vệ sinh chung. Ngoài ra, gần như toàn bộ lối đi tiếp giáp giữa các khu nhà bị thấm dột trần các tầng, một số hành lang khu nhà A thì nước từ trần rỏ xuống làm hỏng toàn bộ tấm nhựa tổng hợp ốp trần...
Khu nhà xuống cấp nặng nhất có lẽ là Khu dịch vụ người nhà người bệnh, hai tầng, ở gần cuối viện. Ngôi nhà này gần như đã bỏ hoang gần một năm nay không sử dụng do giá cả dịch vụ cao so với thu nhập của người dân nơi đây (giá thuê phòng từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng/ngày), cho nên họ không ở. Tường, trần và cửa các phòng đều hỏng, phải cạo đi sơn trát lại gần như toàn bộ...
Tiếp chúng tôi trong một quãng nghỉ ngắn giữa hai ca mổ, Giám đốc Bệnh viện, BS Ðỗ Văn Giang (kiêm Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu) cho biết, bệnh viện đưa vào sử dụng hơn một năm nay, tình trạng xuống cấp đã xảy ra. Xuống cấp, hỏng hóc nhanh nhất là các hố xí tự hoại, nhà vệ sinh ở các buồng bệnh và cửa ra vào bằng kính và cầu thang máy. Vật dụng của bệnh viện bị lấy cắp. Sau mỗi trận bão, lốc, bệnh viện phải thành lập một ban quản lý đánh giá hỏng hóc do một Phó Giám đốc Bệnh viện phụ trách. Nhiệm vụ của ban là kiểm tra lại những hạng mục hỏng hóc để báo cáo Sở Y tế xin kinh phí sửa chữa. Nỗi lo lắng nhất của bệnh viện là sau hai năm bảo hành, đến khi thanh quyết toán xong, đơn vị không biết đào đâu ra nguồn kinh phí bảo trì hằng năm.
Trước thực trạng nêu trên, bệnh viện đang đề nghị tỉnh cho xây dựng một khu vệ sinh, nấu ăn ngoài trời cho người nhà người bệnh để tránh tình trạng người bệnh và người nhà nấu ăn, tắm giặt lộn xộn trong bệnh viện. Khác với miền xuôi có các hàng quán dịch vụ, người miền núi không quen ăn hàng và cũng không có tiền để ăn hàng quán, cho nên họ tự nấu ăn ở các hành lang, ngoài sân dọc tường bao bệnh viện.
Ý kiến người trong cuộc
Do chưa hạng mục xây dựng nào của Bệnh viện Ða khoa Lai Châu được thanh quyết toán xong, cho nên cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm sửa chữa vẫn là Ban quản lý dự án (BQLDA) của Sở Y tế Lai Châu (chủ đầu tư công trình). Tiếp chúng tôi, Giám đốc BQLDA Nguyễn Tùy Bút cho biết, ông đang đau đầu về việc Bệnh viện Ða khoa Lai Châu xuống cấp quá nhanh, trong khi vẫn nợ các nhà thầu khoảng 40 tỷ đồng. Ông Bút cho rằng: Nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu gây thấm dột trần ở hầu hết các khu vệ sinh chung ở các tòa nhà là do người bệnh và người nhà người bệnh vùng núi chưa biết sử dụng các thiết bị vệ sinh hiện đại. Họ tống hết rác rưởi, rau cỏ, túi ni-lông, bông y tế... gây tắc ở các khu vệ sinh rồi dẫn đến tắc đường nước chung, gây thấm, dột từ tầng trên xuống tầng dưới, và lan tỏa ra nhiều nơi khác nhau. Còn việc thấm trần ở hành lang và đường tiếp giáp giữa các khu nhà, là hậu quả của các cơn bão, lốc khắc nghiệt tại Lai Châu vào mùa mưa. Việc làm các tấm ốp trần bằng nhựa tổng hợp là không hợp lý với thời tiết ở đây, vì chúng không chịu được nước, hễ bị ẩm là các tấm này bị mốc, mủn ra.
Khi đề cập đến các vấn đề nguyên nhân chủ quan như chất lượng xây dựng công trình, ông Bút nói: "Chúng tôi chưa xác nhận việc xuống cấp của bệnh viện do nguyên nhân chất lượng xây dựng, bởi trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án được kiểm soát rất chặt chẽ các công đoạn thi công cốt thép, kiểm tra chất lượng bê-tông. Khi đưa vào sử dụng đã cho thử áp lực tất cả các tầng, nếu xảy ra sơ suất chỗ nào đã xử lý ngay". Tuy nhiên, ông Bút cũng cho biết thêm, có những sự cố xảy ra tại chỗ, hoặc vài tháng, hoặc cả năm sau mới xảy ra. Chính vì thế, các công trình lớn sau khi đưa vào sử dụng, nhà thầu phải bảo hành hai năm. Tuy nhiên, mặc dù vẫn đang trong thời gian bảo hành, mà gọi nhà thầu đến sửa chữa rất khó. BQLDA phải "động viên" nhà thầu để vào sửa chữa, bởi vì "đây là công trình phúc lợi"... Có công trình gọi nhà thầu xây lắp mãi không đến sửa, ông Bút đành phải điều nhà thầu khác vào sửa, thí dụ như khu Dịch vụ người nhà bệnh nhân (vốn do Công ty cổ phần xây lắp Thạch Bàn xây)...
Chúng tôi cho rằng, việc khắc phục tình trạng xuống cấp của Bệnh viện Ða khoa Lai Châu cần phải làm một cách tổng thể. Ngoài việc sửa chữa hỏng hóc là việc cấp thiết, thì cần phải xây một khu vệ sinh, nấu ăn, tắm giặt ngoài trời cho người nhà người bệnh, để hạn chế việc người dân do thiếu hiểu biết vô tình "phá" thêm bệnh viện, mà không thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, nếu hạng mục nào xuống cấp nhiều và liên tục, cần được thanh tra xây dựng kiểm tra lại. Hạng mục nào kém chất lượng do phía đơn vị thầu (tổng cộng 11 nhà thầu tham gia phần xây lắp), cần quy trách nhiệm để họ phải có phương án sửa chữa hoặc đền bù. Ngoài ra, HÐND tỉnh cũng cần lên phương án trích nguồn kinh phí của tỉnh để làm công tác duy tu, bảo trì cho bệnh viện hằng năm. Bởi với một tỉnh nhiều người nghèo như Lai Châu, kinh phí từ các nguồn thu từ dịch vụ y tế không đủ để chi cho việc duy tu, sửa chữa các công trình xây dựng cơ bản của bệnh viện.