Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Thắm cho biết, nhận định mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Bến Tre xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, ở mức xấp xỉ mùa khô năm 2015-2016.
Tình hình xâm nhập mặn tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính trong tháng 3/2024.
Độ mặn 4 ‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55-69 km; độ mặn 1 ‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70-79km.
Bến Tre trữ nước ngọt thích ứng hạn mặn
Trên địa bàn, tỉnh Bến Tre xuống giống lúa vụ đông xuân 7.730ha, đã thu hoạch khoảng 5.000ha, còn lại trong giai đoạn trổ, chín.
Diện tích trồng dừa trong tỉnh 79.078ha; cây ăn trái khoảng 23.992ha. Đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận thông tin phản ánh của các địa phương, đơn vị về tình hình ảnh hưởng do xâm nhập mặn.
Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500m³/giờ (khoảng 250.000 m³/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý.
Nhằm chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và các sở, ngành có liên quan đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước không nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu sử dụng nước của nhân dân.
Các đơn vị cấp nước đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý; xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước; vận hành linh hoạt các phương án cấp nước…
Người dân huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) trữ nước ngọt phục vụ sản xuất cây giống. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác ứng phó hạn, mặn của tỉnh Bến Tre để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Hiện tại, vụ lúa đông xuân này toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1,5 triệu ha, khoảng 20 nghìn ha bị ảnh hưởng hạn mặn, chủ yếu nằm ngoài vùng khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Riêng tại tỉnh Bến Tre khuyến cáo xuống giống sớm, thực hiện các giải pháp rất bài bản nên đến thời điểm này diện tích lúa không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.
Trong đó, tỉnh Bến Tre là một trong số ít tỉnh có sổ tay phòng, chống hạn mặn, in tài liệu, các ban, ngành phát động phong trào trữ nước ngọt…
Để ứng phó với hạn, mặn, trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre cần bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.
Hiện tại toàn tỉnh có 67 nhà máy cấp nước với 40 nhà máy nước bị ảnh hưởng hạn mặn với 12 nghìn hộ.
Vì vậy, cần nhanh chóng thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Khi dự án này hoàn thành sẽ cung cấp cho khoảng 13 nghìn hộ dân, cơ bản giải quyết vấn đề cấp nước ngọt cho người dân.
Trong sản xuất nông nghiệp cần bảo đảm tuyệt đối cho vùng sản xuất cây ăn trái, cây giống, lúa…
Đối với các công trình ngăn mặn cần sớm thi công, hoàn thành như dự án JICA 3, vàm Thom, vàm Nước Trong… để đến năm 2026-2027 địa phương cơ bản giải quyết tình hình hạn mặn.
Ngoài ra, địa phương cần nghiên cứu đề xuất giải pháp công trình khép kín ngăn ở cửa sông lớn như sông Hàm Luông theo quy hoạch của tỉnh và kết hợp với phát triển giao thông.
Khi có cống Hàm Luông sẽ giúp ngăn mặn, trữ ngọt về lâu dài cho tỉnh Bến Tre phát triển trong tương lai.
Trước đó, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo chính quyền địa phương đã đến kiểm tra hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn huyện Châu Thành.