Bên lề ASIAD 19

ASIAD 19 và các câu chuyện bên lề:
0:00 / 0:00
0:00
Phùng Thị Huệ (trái) giành Huy chương đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam trong ngày 5/10. (Ảnh: Đoàn Thể thao Việt Nam)
Phùng Thị Huệ (trái) giành Huy chương đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam trong ngày 5/10. (Ảnh: Đoàn Thể thao Việt Nam)

Bộ huy chương đáng tự hào của Phùng Thị Huệ

Nữ võ sĩ jujitsu Phùng Thị Huệ của Việt Nam đoạt HCĐ bằng lợi thế "bàn thắng vàng". Lãnh đạo đội tuyển jujitsu Việt Nam Trần Văn Thạch cho biết: Huệ đã cố gắng hết sức mình khi bị võ sĩ của Thái Lan đưa vào thế khó, nhưng cô đã cân bằng được điểm số và đưa trận đấu tranh huy chương vào thế bàn thắng vàng ở hiệp phụ.

Nỗ lực của Phùng Thị Huệ là rất đáng ghi nhận bởi bước vào thi đấu tại ASIAD 19, cô chỉ có 46 kg, được đôn lên đánh hạng dưới 48 kg nữ và phải đua tranh với 19 VĐV các nước có kinh nghiệm, trình độ rất cao. Nữ võ sĩ vừa tròn tuổi 30 của Việt Nam chỉ mới chuyển từ môn vật sang jujitsu chưa đầy hai năm, nhưng đã có bộ huy chương đáng tự hào. Đó là HCV thế giới năm 2021, HCV châu Á năm 2023, HCV SEA Games 31, HCB thế giới năm 2023 và nay là HCĐ tại ASIAD 19.

Nỗ lực vượt khó để giành huy chương

Mang về HCĐ thứ hai cho thể thao Việt Nam trong hôm qua không chỉ là quyết tâm mà cả nỗ lực không nhỏ của võ sĩ karate Đinh Thị Hương. Bên cạnh những tiến bộ vượt bậc về chuyên môn, để được thi đấu đối kháng ở hạng cân dưới 68 kg nữ, Hương đã phải ép tăng cân liên tục. Tại SEA Games 31 năm 2022, chính cô là người đã mang về một HCĐ ở hạng 50 kg và chỉ hơn một năm sau đã lên thi đấu ở hạng dưới 68 kg ở ASIAD 19.

Việc này không hề đơn giản và Hương đã phải cố gắng ăn uống nhiều trong ba tuần trước thềm đại hội để tăng tối đa khoảng 11 kg, đủ mức cân theo tiêu chuẩn nội dung đăng ký. Thậm chí, việc ăn nhiều để đủ cân có lúc làm Hương gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa. Đây là cố gắng rất lớn, nhiều khó khăn với một cô gái trẻ, song như cô cho biết "Trong thể thao, muốn có thành tích thì phải biết hy sinh".

ASIAD 19 và những kỷ lục thú vị

Kỳ ASIAD năm nay tại Hàng Châu (Trung Quốc) đã tạo nên ấn tượng sâu đậm với các kỷ lục thế giới được ghi nhận nằm ngoài các môn thể thao. Kỷ lục đầu tiên là số lượng người tham gia chiến dịch bảo vệ môi trường nhiều nhất ở các đại hội thể thao trong khoảng thời gian một năm. Tiếp theo là kỷ lục hơn 1 tỷ người từ 130 nước và vùng lãnh thổ tham gia lễ rước đuốc.

Sở dĩ như vậy, bởi lễ rước đuốc ASIAD 19 tiếp sức và thắp sáng trên đài lửa đại hội được áp dụng thành phần kỹ thuật số cho phép mọi người có thể tham gia qua mạng internet. ASIAD 19 cũng lập kỷ lục "thông minh" nhất khi công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa được áp dụng triệt để, mang lại nhiều tiện dụng. Đặc biệt là việc sử dụng những "chó robot" tại các trung tâm thể thao, làng đại hội khi làm nhiệm vụ thu hồi và mang thiết bị cho các VĐV hoặc có thể khiêu vũ, giao lưu với mọi người.

Đội tuyển bóng chuyền được thưởng nóng

Ngay sau thắng lợi trước Triều Tiên và lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền vào bán kết, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thưởng nóng 200 triệu đồng nhằm động viên, khích lệ tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Nếu vượt qua bán kết, chắc chắn số tiền thưởng với đội sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Phát hiện VĐV thứ năm bị dính doping tại ASIAD 19

Ngày 5/10, Cơ quan Xét nghiệm doping quốc tế (ITA) thông báo VĐV môn kurash, Tejen Tejenov thuộc Đoàn thể thao Turkmenistan đã bị đình chỉ thi đấu tại ASIAD 19 vì có kết quả dương tính với chất cấm. Võ sĩ 30 tuổi này đã cho kết quả dương tính với chất anabolic steroids là chất hóa học tổng hợp tự nhiên, giúp tăng khối lượng cơ bắp. Đây là VĐV thứ 5 có kết quả dương tính với chất cấm tại Á vận hội lần này. Trước đó, đã có bốn trường hợp bị đình chỉ thi đấu vì doping, bao gồm VĐV đua xe đạp người Uzbekistan Aleksey Fomovskiy, VĐV đua xe đạp địa hình người Philippines Ariana Evangelista, VĐV điền kinh Yousef Mohammed Alasiri của Saudi Arabia và võ sĩ Mohammad Khaibar Nooristani thuộc Đoàn thể thao Afghanistan.