Bát Tràng đẩy mạnh sản xuất, phát triển du lịch sau dịch Covid-19

Tính đến thời điểm hiện tại, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) đã hoạt động trở lại. Nhiều cơ sở sản xuất đã có những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức quảng bá sản phẩm, tranh thủ mọi cơ hội để khôi phục sản xuất, từng bước ổn định công việc cho người lao động.

Xưởng sản xuất của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, làng gốm Bát Tràng (Hà Nội).
Xưởng sản xuất của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, làng gốm Bát Tràng (Hà Nội).

Chuyển hướng thị trường sản xuất

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến làng nghề gốm Bát Tràng gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa do các đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài bị hủy buộc phải lưu kho, kéo theo hàng nghìn lao động trên địa bàn bị mất việc làm. Ðể giữ “lửa” làng nghề và không ảnh hưởng đến quy định giãn cách xã hội trong thời gian chống dịch, nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề đã sáng tạo ra những mẫu mã sản phẩm, mầu men mới để phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Nghệ nhân Trần Ðức Tân có tuổi nghề hơn 30 năm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài của HTX chỉ còn lại từ 10 đến 15%. Do đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu tính tới phương án khôi phục sản xuất để vực dậy sau nhiều tháng đình trệ. Cụ thể, thay vì chủ yếu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hướng tới xuất khẩu, cơ sở chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường trong nước. Lấy sản phẩm truyền thống làm xương sống để phát triển gốm đương đại, đi sâu vào sản xuất các mặt hàng trang trí nội thất.

Nhờ sở hữu 20 nghệ nhân của làng nghề với hơn 30 công nhân có tay nghề cao, HTX Tân Thịnh trở thành một trong những cơ sở sản xuất không chỉ đa dạng về mẫu mã mà còn phong phú về chủng loại sản phẩm cũng như chất lượng cao được thị trường chấp nhận. Nhờ đó, người lao động trong HTX luôn được bảo đảm mức thu nhập bình quân từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Khó khăn về thị trường tiêu thụ không chỉ đến với HTX Tân Thịnh mà còn là cái khó chung của tất cả các cơ sở sản xuất hiện có tại làng gốm Bát Tràng. Theo ông Hà Văn Lâm, Phó ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng, hiện xuất khẩu của Bát Tràng chỉ chiếm khoảng 20% so với năng lực sản xuất. Ðể khôi phục lại sản xuất, làng gốm đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP. Chỉ tính riêng năm 2019, làng gốm Bát Tràng đã có hai cơ sở đạt chứng nhận OCOP là Công ty TNHH Quang Vinh và HTX Tân Thịnh với sản phẩm đạt bốn sao. Dự kiến cuối năm 2020 sẽ có thêm năm cơ sở sản xuất tham gia sản phẩm OCOP.

Gỡ khó cho làng nghề

Làng gốm Bát Tràng có năm thôn với hơn 1.000 hộ dân thì có tới 700 hộ làm nghề gốm, 400 hộ trực tiếp làm lò, phủ đều trên tất cả các xóm. Số còn lại làm các dịch vụ như làm mầu, trung chuyển buôn bán tại 400 gian hàng giới thiệu sản phẩm trong khu chợ trung tâm của làng nghề. Hiện, dây chuyền sản xuất gốm có 80% sản xuất thủ công, 20% là công nghệ, nhưng vẫn rất cần nguồn vốn để nâng cấp và đầu tư trang thiết bị, giảm sức lao động của công nhân cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo nghệ nhân Trần Ðức Tân, các thiết bị như máy vẽ 3D, máy phân tích mầu men cũng có giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Với số tiền này, không phải cơ sở sản xuất nào cũng có thể đầu tư. Do đó rất cần Nhà nước, thành phố có chính sách ưu đãi về nguồn vốn, nâng trần vay tối thiểu, kéo dài thời hạn và giảm lãi suất...

Trước tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, người lao động, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Làng gốm Bát Tràng cũng không là ngoại lệ. Với đặc thù của làng nghề không có đất làm ruộng chỉ làm gốm và một phần tham gia vào các hoạt động dịch vụ, xã hội... thì sự hỗ trợ về vốn để khôi phục và phát triển sản xuất là hoàn toàn cần thiết, nhất là trong thời điểm hiện tại, Bát Tràng đang thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phát triển sản xuất vừa phát triển du lịch làng nghề. Do đó, nguồn vốn không chỉ được rót trực tiếp vào sản xuất, trả lương nhân công mà còn để đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất thân thiện với môi trường. Hiện công đoạn đốt lò thủ công bằng củi, than... đã được thay thế bằng ga và điện cho nên không còn khói bụi. Theo ông Hà Văn Lâm, Phó ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng, những chỉ số thể hiện trong các kết quả kiểm tra môi trường ở làng nghề đều ở mức an toàn. Nhờ đó, du lịch làng nghề đã được đẩy mạnh, trở thành điểm du lịch thứ 13 trong chuỗi du lịch làng nghề của TP Hà Nội. Bên cạnh nghề gốm truyền thống, phát triển du lịch làng nghề cũng góp phần tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương.