Có 1.577 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 31,8%), tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD (tăng 3,76% so với cùng kỳ).
Có 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 16,6%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn tỷ USD (tăng 26,7% so với cùng kỳ).
Ở chiều ngược lại, góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giảm. Cụ thể, có 3.466 lượt góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 40,4%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,4 tỷ USD (giảm 33% so với cùng kỳ).
Ước tính, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 17,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng năm 2021.
Tính lũy kế đến ngày 20/11, cả nước có 34.424 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 405,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 249 tỷ USD, bằng 61,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Về tình hình xuất, nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 11 tháng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với 10 tháng. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt gần 220,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ, chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 218,5 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ, chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt trên 195,5 tỷ USD, tăng 29,5% so cùng kỳ và chiếm 65,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong 11 tháng năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 24,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 23 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 24,3 tỷ USD.
Xét theo ngành, trong 11 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn, mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỷ USD và 1,27 tỷ USD.
Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,5%, 28,1% và 16,5% tổng số dự án.
Xét về đối tác, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5,9% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư, tăng 54% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc).
Xét theo địa bàn, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,76 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ hai với gần 3,43 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký trên 2,8 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh,…
Xét về số dự án, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh.