Bất an vì đất sụt, giếng cạn nước

Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã miền núi Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) liên tục xuất hiện hiện tượng giếng nước khô cạn; đất sụt lún; tường và nền nhà bị nứt; ruộng lúa, vườn tược nứt nẻ; thậm chí xuất hiện hố "tử thần" ở ngay trong nhà... Các hiện tượng bất thường này xảy ra ngày một nhiều hơn khiến người dân hết sức hoang mang, lo sợ.

Xuất hiện hố "tử thần" tại sân nhà ông Lương Văn Bình ở bản Na Noong.
Xuất hiện hố "tử thần" tại sân nhà ông Lương Văn Bình ở bản Na Noong.

Bên cạnh chỉ đạo, hỗ trợ người dân khắc phục những sự bất thường này, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Quỳ Hợp đã, đang kiến nghị tỉnh Nghệ An cùng các ngành, đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân.

Hố "tử thần" xuất hiện trong nhà

Khoảng 10 giờ ngày 2/5/2022, trong ngôi nhà ông Lương Văn Trương (60 tuổi) ở bản Na Hiếng (Châu Hồng) phát ra một tiếng nổ khá lớn kèm theo bụi bốc lên. Khi mọi người chạy vào thì trên nền nhà, nơi phát ra tiếng nổ xuất hiện một lỗ "tử thần" tròn với đường kính khoảng 20 cm, phía dưới lỗ tròn này, nền đất sụt lún khoảng 1 m. Cùng lúc đó, góc tường nhà phía đông xuất hiện vết nứt khá dài, rụng cả mảng lớn tường phía ngoài… Trước nguy cơ mất an toàn, mọi người trong nhà phải dọn xuống ở tạm nhà bếp. Trước đó, ở bờ ruộng phía trước nhà ông Trương cũng đã xuất hiện một hố sụt lún rộng hơn 1 m. Để bảo đảm an toàn, ông Trương đã xử lý tạm miệng hố và dùng gai tấp lên trên. Cái ao đầy nước trước nhà ông Trương cũng bị khô cạn và trở thành bãi trồng ngô từ hơn một năm nay.

Trước đó, ngày 15/10/2021, cũng xảy ra sụt lún ngay tại sân nhà ông Lương Văn Bình ở bản Na Noong (Châu Hồng). Bên cạnh việc báo cáo lên cấp trên, UBND xã Châu Hồng đã hỗ trợ 1,5 triệu đồng để giúp gia đình lấp hố "tử thần". Đến nay, nhà ông Bình cơ bản ổn định, chưa có hiện tượng mới xảy ra.

Gần đây, tại các trường trong xã như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hồng Tiến, trường mầm non và trụ sở UBND xã cũng xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, trên nền và móng nhà. Vết nứt ngày một lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại, đe dọa sự an toàn của hàng trăm học sinh cùng cán bộ, công chức, viên chức và giáo viên nơi đây. Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hồng Tiến Lê Văn Vinh cho biết: Không chỉ 15 phòng ký túc xá của giáo viên và học sinh xuất hiện vết nứt dọc theo móng nhà dài hàng chục mét mà từ cuối năm 2021, hai giếng khoan sâu 42 m phục vụ việc ăn, uống sinh hoạt cho gần 200 học sinh và giáo viên bán trú cũng không còn một giọt nước, dù trước đó, chưa bao giờ thiếu nước. Hiện, học sinh và giáo viên nhà trường phải dùng tạm nước khe suối, nhưng nguồn nước này khó bảo đảm an toàn vệ sinh.

Đầu đường ở trung tâm xã là gia đình bà Sầm Thị Nga ở bản Na Hiếng. Khi gặp chúng tôi, nét mặt của bà Nga và mọi người trong nhà vẫn chưa hết thất thần. Trước đó chừng mươi phút, khi đang ngồi trên võng chơi với cháu nhỏ, bà Nga nghe rõ tiếng "tách, tách" khá lớn phát ra từ nền nhà cùng vết nứt xuất hiện. Ngôi nhà gỗ mái ngói, xây tường bao của bà Nga hiện đã xuất hiện nhiều vết nứt ở nhà chính rồi lan ra sân, vườn và chạy ra tận các ki-ốt sát đường nhựa. Các vết nứt này chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số cột và xà gỗ bắt đầu có hiện tượng lún và lệch dần ra khỏi vị trí ban đầu. Để an toàn khi đi lại trong nhà, gia đình đã trải tấm chiếu lên trên vết nứt ở nền nhà. Còn để có nước sinh hoạt, gia đình bà Nga cùng các hộ dân chung quanh đã tự đầu tư hệ thống đường ống dài hơn 3 km để dẫn nước từ khe núi xuống.

Khi chúng tôi tìm hiểu thực tế tại một số nhà dân ở bản Na Hiếng thì rất nhiều người dân trong xã kéo đến với mong muốn mời chúng tôi về "mục sở thị" nhà, vườn của họ đã bị nứt và giếng nước cũng trơ đáy.

Theo báo cáo của xã Châu Hồng và huyện Quỳ Hợp, trước năm 2000, không hề có hiện tượng sụt, lún, nứt đất, người dân trong xã vẫn sản xuất, sinh hoạt bình thường. Từ năm 2000 đến nay, bắt đầu xuất hiện tình trạng nêu trên. Đầu tiên xảy ra ở các ruộng lúa ở xóm Na Hiếng, sau đó lan dần ra đất sản xuất, khu vực nhà ở, sân vườn các hộ dân. Từ cuối năm 2020 đến nay, thực trạng này xảy ra liên tiếp, khi xuất hiện nhiều hố "tử thần" ở ruộng lúa, ven khe, suối có diện tích khoảng 20-30 m2, chiều sâu 1,5 đến 2,5 m. Hiện, 129 nhà dân bị nứt nền, tường, lún móng; đất vườn cũng bị nứt toác. Nhiều nhất là bản Na Hiếng có 84 nhà bị hư hại, bản Công 25 nhà, bản Na Noong 13 nhà... Cùng với đó, 280 giếng nước sinh hoạt của các hộ dân, các trường học và trạm y tế bị khô cạn. Nhiều gia đình đã đào giếng sâu thêm 5 đến 7 m nhưng đều không có nước...

Cần sớm làm rõ nguyên nhân

Theo báo cáo của huyện Quỳ Hợp, địa bàn xã Châu Hồng nằm ở thung lũng, núi bao quanh; dưới chân núi là hệ thống hang các-xtơ và suối ngầm kéo dài hàng chục ki-lô-mét ra tận sông Dinh. Phía bắc xã Châu Hồng có một số mỏ đá, mỏ thiếc được cấp phép, hoạt động từ nhiều năm nay.

Theo người dân, việc hút nước ngầm để khai thác quặng thiếc có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt, lún, nứt đất. Để giải đáp nghi vấn của người dân, cần phải chờ vào kết luận của các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền.

Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng bất thường nêu trên, xã Châu Hồng đã báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo. Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân, chỉ đạo công tác khắc phục cũng như báo cáo lên UBND tỉnh Nghệ An cùng các ngành chức năng. Huyện Quỳ Hợp và xã Châu Hồng đã vận động doanh nghiệp Tân Hoàng Khang và người dân san lấp các hố sụt, lún trên đất ruộng; xây dựng hệ thống nước tự chảy từ trên núi về cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và học sinh. Huyện Quỳ Hợp đã lập dự án xây dựng công trình cấp nước cho xã Châu Hồng và đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và các ngành liên quan, huyện Quỳ Hợp đã hợp đồng với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân sụt lún đất, giếng nước khô cạn; khoanh định các diện tích có nguy cơ sụt lún, đề xuất biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra...

Đồng thời, địa phương đã tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên cảnh giác; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và ổn định sản xuất cũng như khắc phục thiệt hại; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, tổng hợp các thiệt hại của từng hộ dân để làm cơ sở cho việc hỗ trợ khắc phục hay bồi thường (nếu có). Trong thời gian chờ kết luận của các cơ quan chuyên môn, huyện Quỳ Hợp đã giao xã Châu Hồng thông báo rộng rãi cho người dân trong xã biết về tình trạng và vị trí sụt lún; tiếp tục theo dõi, bám sát thường xuyên, liên tục các điểm sụt lún, các điểm có nguy cơ; làm rào chắn, biển báo, san lấp các điểm sụt lún và chuẩn bị phương án di dời dân khi có diễn biến xấu.