Sáng 20/2, tại huyện Trạm Tấu (Yên Bái), nhiệt độ ngoài trời là 6oC, gia đình bà Hoàng Thị Inh, thôn Vũng Tàu, xã Hát Lừu đã chủ động cho người già và trẻ nhỏ ở trong nhà, quây quần bên bếp lửa nhằm tránh cái rét thấu da thịt. Bà Inh cho biết, mấy con trâu nhà bà đã được lùa từ rừng về nhốt vào chuồng, bà cũng tưới thêm nước muối vào rơm, nấu thêm cám cho trâu ăn bổ sung, theo đúng cách mà cán bộ huyện hướng dẫn.
Tăng sức đề kháng cho gia súc
Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Vũ Lê Trung Anh cho biết, trước tình hình thời tiết rét đậm kéo dài, huyện đã cử 12 đoàn công tác do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm trưởng đoàn xuống cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, vận động đồng bào đưa gia súc thả trên rừng về nuôi nhốt, che chắn chuồng nuôi bằng các vật liệu sẵn có, đốt lửa tạo ấm về đêm tại chuồng gia súc... Nhờ vậy, qua bốn đợt rét trong mùa đông này, Trạm Tấu chưa có con gia súc nào bị chết vì đói, vì rét. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình (Yên Bái) Vũ Hồng Hải đánh giá, ngoài việc triển khai tiêm gần 10.000 liều vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò, người dân chủ động gia cố nền chuồng, dùng bạt, ni-lông hoặc bao tải che chắn chung quanh chuồng, sưởi ấm bằng bóng điện sợi đốt, bổ sung thêm thức ăn xanh, thức ăn tinh cho trâu, bò, nhằm tăng sức đề kháng.
Những ngày nắng ấm, đàn trâu của người dân thôn Thác Hùng, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) được chăn thả trên những vạt rừng quanh thôn. Thế nhưng khi nhiệt độ giảm xuống dưới 100C, đàn trâu được lùa về chuồng, che bạt kín, cho ăn no nhằm tăng cường sức đề kháng. Từ đêm 18/2 đến nay, nhiệt độ ở thôn Thác Hùng dao động từ 3 đến 100C, ông Đặng Văn Chiến, người nuôi nhiều trâu nhất thôn vẫn ung dung ngồi quanh bếp lửa. Ông Chiến cho biết: “Bảy con trâu là tài sản lớn nhất của gia đình. Do đó, ngay từ đầu mùa đông, tôi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để phòng, chống rét cho gia súc. Mấy ngày qua, nghe đài báo có đợt rét hại, tôi nhốt đàn trâu trong chuồng, lấy bạt về che chắn bốn mặt, nguồn thức ăn thì đã có cỏ, rơm ủ từ trước kết hợp với tinh bột để nâng cao sức đề kháng cho trâu”.
Được biết, thôn Thác Hùng nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, nhiệt độ những tháng mùa đông luôn dưới 150C. Ông Đặng Văn Hòa, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Để bảo vệ hơn 100 con trâu của thôn không bị chết đói, chết rét, chúng tôi đến từng hộ chăn nuôi vận động người dân thực hiện giải pháp chống rét cho đàn gia súc, không thả rông gia súc, che chắn chuồng trại kỹ lưỡng, chủ động dự trữ thức ăn thô xanh và tinh bột ngay từ đầu vụ đông”.
Ngay khi nhận được thông tin sẽ có đợt rét đậm, rét hại, gia đình ông Lý Văn Hùng, thôn Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cũng đã đưa năm con trâu chăn thả trên rừng về chuồng, thực hiện che bạt kín khu chuồng nuôi, gia đình đã chuẩn bị củi để đốt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Đồng thời, ông chuẩn bị bao tải gai, bao tải dứa để “may áo” chống rét cho đàn vật nuôi. Gia đình ông Bùi Văn Nhã, thôn Bình Minh, xã Minh Quang, hiện có 5 con trâu. Ông Nhã cho biết: Năm nay dự báo thời tiết lạnh, gia đình tôi đã chuẩn bị thức ăn thô như rơm, ủ chua thức ăn cho trâu; vệ sinh chuồng trại, quây bạt giữ ấm và cho trâu ăn thêm tinh bột để tăng sức đề kháng. Cùng với đó, gia đình còn thường xuyên quét dọn chuồng trại để nền chuồng luôn được khô thoáng, quây bạt chắn gió để giữ ấm cho đàn trâu. Các hộ chăn nuôi trong thôn cũng thực hiện như gia đình ông, cho nên những năm gần đây không xảy ra trường hợp trâu, bò chết rét.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Xuân Hùng cho biết, hiện tỉnh có 129.118 con trâu, bò. Từ ngày 19/2, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa dông trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 30-70 mm/đợt, thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại. Khu vực các huyện phía bắc gồm các huyện Nà Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa chỉ từ 7-90C; ở các xã vùng núi cao có nơi còn dưới 70C, gây bất lợi rất nhiều cho việc chăm sóc và bảo vệ đàn gia súc. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ năm trước, tỉnh đã vận động các hộ dân quản lý đàn vật nuôi tại chuồng, không để tình trạng chăn thả tự do, chuẩn bị vật liệu để che chắn chuồng trại, dự trữ rơm phơi khô làm thức ăn cho trâu, bò, cho nên đến nay, chưa xảy ra trường hợp nào trâu, bò bị chết vì đói, rét.
Ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết: Chăn nuôi đang từng bước trở thành ngành sản xuất chính ở huyện Lâm Bình. Toàn huyện hiện có hơn 12.800 con trâu, bò. Ngay từ đầu mùa đông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vận động, giúp đỡ các hộ chăn nuôi có chuồng trại nhưng chưa bảo đảm yêu cầu phòng, chống rét, khẩn trương làm mới, sửa chữa, gia cố chuồng nuôi để giữ ấm cho gia súc; chấp hành nghiêm việc tiêm vắc-xin cho gia súc theo quy định, dọn vệ sinh chuồng nuôi, định kỳ phun tiêu độc, khử trùng, tránh phát sinh dịch bệnh. Hướng dẫn các hộ kỹ thuật chăn nuôi an toàn, phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường, thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe đàn gia súc, nhờ thế không có tổn thất về vật nuôi.
Tương tự như tỉnh Tuyên Quang, chăn nuôi gia súc là hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của người dân vùng cao Hà Giang. Tỉnh có khoảng 115 nghìn hộ chăn nuôi với tổng đàn trâu, bò hơn 280 nghìn con. Những năm gần đây, tình trạng thời tiết cực đoan như rét đậm, rét hại, sương muối thường xuyên xảy ra ở vùng cao với tần số xuất hiện nhiều hơn trước. Hiện nay, số hộ chăn nuôi gia súc ở tỉnh có chuồng trại kiên cố chiếm hơn 81%, còn lại là chuồng trại tạm. Lượng thức ăn tinh, thô xanh, đã qua chế biến cho vụ đông năm nay là hơn 314 nghìn tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn gia súc trong vụ đông. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi gia súc mua bảo hiểm cho đàn trâu, bò.
Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết: “Để chuẩn bị tốt các điều kiện ứng phó, ngành nông nghiệp đã thường xuyên chỉ đạo việc triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. Các địa phương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, cập nhật tình hình thời tiết kịp thời để hướng dẫn người dân. Qua kiểm tra, công tác phòng, chống rét được thực hiện tốt, ý thức của người dân được nâng cao, từ việc xây dựng chuồng trại kiên cố cho đến việc dự trữ thức ăn. Đối với các hộ nghèo chưa xây dựng được chuồng trại, các địa phương cũng chủ động hỗ trợ bạt cho các hộ che chắn chuồng trại. Do đó, từ đầu vụ đông đến nay, đàn gia súc được bảo vệ tốt, chưa xảy ra tình trạng trâu, bò chết rét”.