60 làng chỉ công nhận một làng?
Ông Trương Minh Tiến (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) cho biết, theo thống kê ban đầu của các quận, huyện, thị xã vào tháng 7-2013, trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 60 làng được đề xuất đưa vào danh mục nghiên cứu lựa chọn công nhận là làng cổ.
![]() |
Con đường sát bờ sông bao quanh làng Cự Đà (ảnh chụp năm 2004)
Thống kê khảo sát nhiều năm theo các đề tài khoa học của Viện Bảo tồn di tích cũng cho biết, chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội và Hà Tây (cũ) có đến hàng chục làng cổ với những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang chứa trong mình những giá trị tinh thần và văn hóa đặc sắc. Những tên làng cổ nổi danh trong lịch sử và hiện vẫn còn được nhắc đến trong các văn bản và còn hiện hữu như Đường Lâm, Cự Đà, Đông Ngạc, làng Mơ, làng Mọc, làng Chuông, làng Vòng, Vân Từ, Bát Tràng, Đại Áng… Mỗi ngôi làng đều có những đặc thù riêng, lưu giữ hình ảnh quá khứ đẹp đẽ và giá trị. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cho rằng, làng cổ là bảo tàng vô cùng giá trị của văn minh cộng cư, đó chính là hình ảnh để giới thiệu bản sắc dân tộc ra thế giới.
Tuy vậy, cũng như dễ nhận thấy trong thực tế, nghiên cứu khảo sát mới nhất của Viện Bảo tồn di tích cho thấy tốc độ biến dạng, thay đổi, mất mát của các làng cổ trên địa bàn Hà Nội đặc biệt nhanh chóng trong ba năm gần đây. Nhiều ngôi làng chỉ ba năm trước đến ba năm sau đoàn khảo sát quay lại đã gần như biến mất.
KTS Lê Thành Vinh đưa ra câu chuyện xót xa về những thay đổi chóng mặt của làng cổ Cự Đà để thấy, vấn đề bảo tồn làng cổ là hết sức cấp bách. Làng cổ biến mất- điều đó không còn là nguy cơ mà chính là thực tế đang diễn ra mỗi ngày.
Từ nhiều năm trước, khi tốc độ đô thị hóa bắt đầu mạnh mẽ, các nhà khoa học, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, kêu cứu vì sự biến mất đầy đau đớn của các ngôi làng cổ giá trị hàng trăm năm tuổi trong lòng thủ đô. Khi đó, người ta đã mong ước những làng như Cự Đà, Đông Ngạc… được quan tâm xếp hạng di tích để có chế tài bảo vệ. Vậy mà cho đến nay, có lẽ không thể tin nổi là các tiêu chí để nhận diện làng cổ vẫn còn đang là vấn đề…đưa ra để thảo luận.
Cho đến nay, Đường Lâm vẫn là cái tên duy nhất được công nhận trong danh mục làng cổ mà HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua. Vậy nhưng, vấn đề bảo tồn cái làng cổ duy nhất này cũng còn quá nhiều lúng túng, vướng mắc và bất cập cho thấy trong thời gian qua.
Tính “khả thi” của bảo tồn
“Việc Hà Nội muốn giữ trong mình những làng cổ, những giá trị truyền thống- luôn luôn là một câu chuyện thách thức nặng nề, thách thức sinh tử”- GS Hoàng Đạo Kính nói. Đó không chỉ là sự thách thức giữa bảo tồn và phát triển mà cần phải được nhìn nhận ở tầm cao hơn. Ở đây, ông nói, chính là sự khả thi của bảo tồn. Bởi trong một đô thị phát triển ồ ạt, “tung tóe” như hiện nay, bảo tồn các giá trị truyền thống là câu chuyện hết sức mệt mỏi.
Mặc khác, phải nhìn nhận việc tồn tại các làng cổ trong lòng một đô thị đang phát triển đôi khi phải được nhận diện là những “ứ tồn”. Bảo tồn làng cổ vì thế phải hết sức thận trọng. Nhận diện, ng hiên cứu và bảo vệ cho được các “tinh hoa” không phải là bỏ tiền ra ồ ạt, mở rộng diện công nhận mà chưa có sự đánh giá đầy đủ. Điều đó dẫn đến bảo tồn vẫn bảo tồn mà tinh hoa vẫn bị mất. Đó chính là vì bảo tồn chưa đạt tới sự khả thi.
![]() |
Chỉ trong ba năm, Cự Đà mất khoảng 50% số nhà cổ. Trong ảnh: Phá nhà cổ để xây nhà mới tiện nghi hơn
Trong một cuộc khảo sát gần đây ở Hải Dương cho biết, có tới 95% người dân ở một ngôi làng cổ không muốn ở nhà cổ. Việc giữ lại nhà cổ trong một khía cạnh nào đó, chỉ là hoài niệm, không có tính khả thi.
TS. Đặng Văn Bài (Hội đồng di sản quốc gia) cũng cho rằng, những vấn đề phát sinh vướng mắc mà Hà Nội vấp phải trong bảo tồn làng c ổ vừa qua cũng vì chưa đặt con người – chủ nhân của di sản -làm trung tâm của bảo tồn.
Theo GS. Hoàng Đạo Kính, chỉ nên bảo tồn khi đó là những di sản thực sự chứ không phải chỉ là di tích- đó chính là cách nhìn rành mạch bản chất khả thi của bảo tồn. Tính khả thi ở đây còn là một thái độ “ứng xử khả thi”: đó là chính sách bảo tồn trong sự phát triển, bảo tồn di tích hài hòa trong đời sống đang vận động.