Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe và cuộc sống người dân thành phố. Vậy giải pháp nào để giảm ô nhiễm môi trường thành phố ?
Ô nhiễm lan rộng
Theo kết quả quan trắc của Chi cục bảo vệ môi trường (BVMT) TP Hồ Chí Minh tại nhiều khu vực và các nút giao thông chính như Bình Triệu, An Sương, Phú Lâm, An Lạc... cho thấy chất lượng bầu không khí tại thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng. Mức độ ô nhiễm, khói bụi ngày càng tăng cao, luôn vượt tiêu chuẩn cho phép từ hai đến ba lần.
Năm 1999, nồng độ bụi trong không khí tại thành phố đo được khoảng 0,53mg/m3, năm 2006 tăng lên 0,63mg/m3. Bụi PM 10 (liên quan trực tiếp đến các bệnh về hô hấp), chì, ben-den (gây ung thư) tăng vọt so với năm 2000 từ ba đến tám lần. Nhiệt độ tại thành phố luôn ở mức cao nhất trong khu vực, chênh lệch từ 1-3 độ C.
Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, liên tục tại nhiều điểm, khu vực càng làm cho không khí thành phố thêm ngột ngạt.
Một số quận, huyện ngoại thành như quận 2, 9, 12, Bình Chánh, Tân Phú... môi trường không khí cũng không khá hơn.
Hơn 10 năm nay, hàng trăm hộ dân tại các phường Phước Long, Long Bình, Tân Phú, Long Thành Mỹ (quận 9) phải sống chung với khói, bụi, mùi hôi thối độc hại thải ra từ 120 lò gạch thủ công, Xưởng thực nghiệm của Công ty hóa chất miền nam, Cơ sở luyện thép Tiến Ðạt, Xí nghiệp chăn nuôi heo Phước Long...
Nhiều kênh rạch trong nội thành như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tẻ, kênh Ðôi, kênh Tham Lương... cũng đang "lâm bệnh" nặng vì ô nhiễm. Trên các kênh rạch chứa đầy rác thải đủ loại, nước đen đặc, sủi bọt, bốc mùi hôi thối nồng nặc, các loài thủy sản như tôm, cá... vắng bóng từ lâu. Ông Võ Liên, sống bên kênh Tàu Hũ gần 50 năm nay cho biết: Nước kênh ô nhiễm quanh năm, nhưng khổ nhất là khi triều cường, hoặc mưa xuống, nước bẩn ngập lênh láng, tràn cả vào nhà mang theo rác thải, gây mất vệ sinh. Tình trạng ngập úng triền miên ở nhiều khu vực không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn tác động xấu đến chất lượng nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Tại các quận, huyện ngoại thành, nhiều kênh rạch như kênh Xáng, kênh Thầy Cai, An Hạ, Củ Chi, kênh Ba Bò, Thủ Ðức, v.v. cũng đang "hấp hối" vì ô nhiễm. Huyện Bình Chánh đang kêu cứu vì 72 kênh, rạch ô nhiễm "bao vây" tứ phía, khiến cho nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở 10/13 xã bị ảnh hưởng.
Vì sao ô nhiễm ngày càng lan rộng? Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do nhiều năm liền công tác quản lý môi trường yếu kém, phương tiện giao thông đang trở nên quá tải, sản xuất công nghiệp chưa chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường và ý thức người dân trong bảo vệ môi trường chưa cao.
Trong cuộc hội thảo mới đây về môi trường thành phố, các nhà khoa học đã khẳng định: 90% các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường thành phố hiện nay là do phương tiện giao thông gây ra, nhất là xe gắn máy. Theo thống kê của Sở Giao thông công chính, hiện nay thành phố có 320.000 xe ô-tô, hơn 3,2 triệu xe gắn máy, mỗi ngày "đốt" hàng triệu lít xăng, dầu các loại trên đường phố. Hơn 70% số xe máy đang lưu hành tại thành phố có tuổi từ năm đến 10 năm trở lên. Nhiều xe được sản xuất từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nay vẫn còn hoạt động, không ít xe tuy còn trong thời hạn bảo hành chất lượng nhưng vẫn không đạt chuẩn an toàn về khí thải. Ngoài ra, còn phải kể đến gần một triệu xe ô-tô, xe gắn máy đăng ký từ các địa phương khác đang sử dụng tại thành phố cũng "góp phần" làm cho bầu không khí thành phố thêm ngột ngạt, ô nhiễm hơn.
|
Thành phố có 103 bệnh viện, 24 trung tâm y tế (một số trung tâm đang chuyển thành bệnh viện), 317 trạm y tế xã, phường và hơn mười nghìn phòng mạch tư nhân. Các cơ sở y tế nêu trên mỗi ngày thải ra từ 8 đến 10 tấn rác thải y tế và từ 17.000 m3 đến 20.000 m3 nước thải y tế. Trong khi mới chỉ có chưa tới 50% số cơ sở y tế trên có hệ thống xử lý nước thải (XLNT), số nước thải còn lại mang nhiều mầm bệnh, được các cơ sở y tế "vô tư" đổ thẳng vào hệ thống thoát nước chung, rồi hòa vào sông Sài Gòn.
Ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp còn kinh hoàng hơn. Trên địa bàn thành phố hiện có 15 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và hàng chục cụm công nghiệp tập trung với khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất lớn, gần 12.000 cơ sở sản xuất nhỏ và vừa (không ít doanh nghiệp vẫn còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư), mỗi ngày thải ra từ 1.200 - 1.500 tấn chất thải rắn, trong đó 2% là chất thải độc hại và chỉ có 8% chất thải loại này được thu gom, xử lý, số còn lại các doanh nghiệp "vứt" đi đâu không ai biết(?).
Chung quanh các KCN, KCX, tình trạng ô nhiễm càng trở nên tệ hơn. Dạo qua các KCN Lê Minh Xuân, Bình Chánh; Tân Tạo, Bình Tân; Tân Phú Trung, Củ Chi,... chúng tôi thấy tình trạng ô nhiễm rất nặng, nhưng chậm được khắc phục. Mỗi ngày, đêm hàng nghìn m3 nước thải trong các KCN Tân Phú Trung chưa xử lý, đổ thẳng ra kênh Xáng, Thày Cai, An Hạ khiến cho nước các con kênh này đổi mầu đen, đục.
Tháng 9-2007, Chi cục BVMT kiểm tra 45 mẫu nước thải lấy từ 5 KCN, KCX, chỉ có một mẫu đạt chuẩn, 44 mẫu còn lại không đạt. Mẫu nước thải tại KCN Vĩnh Lộc, Tân Phú Trung, Bình Chiểu chứa nhiều chất gây ô nhiễm, vượt chuẩn từ 80-100 lần, có chất vượt hàng nghìn lần. Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường, đến nay mới có 6/15 KCN, KCX tại thành phố có hệ thống XLNT tập trung. Không ít doanh nghiệp đã xây dựng xong bộ phận XLNT, nhưng chỉ hoạt động khi bị kiểm tra nhắc nhở, đoàn kiểm tra đi rồi lại "nằm im" vì sợ vận hành gây tốn kém.
Giải pháp nào giảm ô nhiễm?
Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp, biện pháp nhằm hạn chế, đẩy lùi nạn ô nhiễm môi trường, dành nhiều công sức, tiền của đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện nhiều chương trình, công trình nhằm cải thiện môi trường. Chỉ riêng hai dự án Cải tạo vệ sinh môi trường thành phố và vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thành phố đã đầu tư (bằng vốn ngân sách và vốn vay ODA) hơn 500 triệu USD. Tuy nhiên, tiến độ hai dự án trên và nhiều dự án khác rất ỳ ạch.
Sau bốn năm thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, các khu dân cư, đến nay đã có 1.261 đơn vị di dời, ngừng sản xuất, khắc phục ô nhiễm tại chỗ. Nhiều vùng trước kia ô nhiễm kéo dài như sản xuất thép ở quận 7, sản xuất nhôm ở quận 11, thuộc da ở quận Tân Bình... nay đã bớt ô nhiễm.
Tuy nhiên, rà soát lại, số lượng các cơ sở di dời tăng thêm, trong khi diện tích đất trong các KCN có hạn, không đủ chỗ cho các doanh nghiệp phải di dời. Nhiều doanh nghiệp muốn đi ngay, nhưng không được, do thiếu vốn, đến địa điểm mới phải xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo đảm việc làm liên tục, thu nhập thường xuyên ổn định cho hàng trăm lao động... rất khẩn trương và tốn kém.
Trong khi đó, thủ tục hành chính rắc rối, phiền hà, nhất là thời gian thanh lý nhà xưởng cũ, chuyển quyền sử dụng đất, v.v. kéo dài từ năm này qua năm khác, không biết bao giờ xong, đã ảnh hưởng đến tiến độ di dời. Mặt khác, giá đất thuê trong các KCN cũng quá cao (trung bình từ 25-50 USD/m2/năm) cộng với biến động về giá nên nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch di dời nhiều lần. Bên cạnh đó, còn không ít doanh nghiệp có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xin hoãn, kéo dài thời hạn di dời hoặc nấn ná "tranh thủ" sản xuất thêm ngày nào hay ngày ấy, làm ảnh hưởng đến tiến độ di dời.
Từ năm 2004 đến nay, ngành bảo vệ môi trường thành phố đã tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm soát 346 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố, phát hiện hàng trăm đơn vị vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, xử phạt hành chính hơn 2,5 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2007, tổ chức thanh tra 120 đơn vị, phát hiện 114 doanh nghiệp vi phạm, xử phạt với tổng số tiền là 483 triệu đồng. Nhưng nhiều đơn vị vẫn tiếp tục tái phạm.
Thành phố cũng đã có văn bản quy định chậm nhất là đến ngày 31-12-2007, chín KCN, KCX còn lại phải khởi công xây dựng hệ thống XLNT. Nhưng đến nay, nhiều đơn vị vẫn "án binh bất động".
Ðể giảm ô nhiễm môi trường, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình vệ sinh môi trường. Cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch và dành thêm quỹ đất cho các doanh nghiệp thuộc diện di dời. Có chính sách ưu đãi về vốn vay, miễn thuế, giảm giá thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng để các đơn vị doanh nghiệp thực hiện di dời và sớm ổn định sản xuất. Các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, giám sát, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường. Chỉ khi nào các đơn vị xây dựng xong, vận hành suôn sẻ hệ thống XLNT, mới được phép hoạt động sản xuất. Kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm, bắt ngừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh những đơn vị doanh nghiệp cố tình vi phạm, hoặc tái phạm nhiều lần, gây hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng.
Ðồng thời, cần tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng, giảm dần phương tiện cá nhân, nhất là xe gắn máy chạy trong thành phố. Nhanh chóng loại bỏ số xe hết hạn sử dụng. Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn về khí thải đối với phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát và xử lý các phương tiện gây ô nhiễm. Sớm áp dụng thu phí môi trường, tăng phí nước thải. Dành đất trồng thêm cây xanh. Thực hiện phân cấp bảo vệ môi trường đến tận quận, huyện, xã, phường. Tuyên truyền, vận động nhân dân tại các khu phố, tổ dân phố nêu cao ý thức cộng đồng, cùng tham gia bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi ra đường, ra kênh rạch, góp phần làm cho thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh.